8X bốn ngàn đô

8X bốn ngàn đô
Bận comple, cà vạt rất ra dáng văn phòng nhưng nói chuyện điềm đạm và hiền hòa đến mức hơi nhà quê, ít ai ngờ rằng, Trần Duy Nam mới bước qua tuổi 22 đã có mức thu nhập gần 4.000 USD/tháng.
8X bốn ngàn đô ảnh 1
Trần Duy Nam

Đứng đầu ngọn gió

Sinh ra trong một gia đình khá giả tại Phan Rang, Ninh Thuận, lúc nhỏ, Nam là một cậu học sinh học lực bình thường, ít nói và ít hoạt động.

Nhìn chung không ai thấy đó là một người sẽ thành dạt trên đường kinh doanh.

Cho đến năm Nam học lớp 9. Công việc kinh doanh ba mẹ Nam bị đổ vỡ, cảnh nhà sa sút nhanh chóng, Nam phải về ở nhà bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ trên đê sông Dinh. Từ đó, Nam biến đổi hẳn.

Cậu lầm lũi ngày hai buổi tới trường, tối lại ngồi lì trước trang sách, không dám ngủ vì sợ chưa hiểu bài. Nam hiểu chỉ có học là con đường duy nhất giúp bản thân và cả cho cha mẹ sau này.

Không phụ lòng cậu, từ vị trí đầu lớp suốt những năm cấp 3, Nam đi thẳng vào khoa Toán Tin ĐH KHTN TPHCM. Ba mẹ nghèo, anh sinh viên nhỏ bé tỉnh lẻ trần lưng ra dạy thêm kín cả tuần. Mỗi ngày anh dạy đến 3 "cua". Hở tay ra là anh nhận các mối lắp ráp máy tính, sửa  chữa phần cứng kiếm thêm thu nhập.

Trong Nam chỉ có công việc và công việc. Tối mặt tối mũi như thế nhưng không chỉ hoàn thành tốt việc học đại học của mình, anh còn đăng ký thêm lớp cử nhân CNTT hàm thụ của ĐH KHTN và lãnh bằng ngon ơ.

Hôm nhận được 400.000 đồng đầu tiên nhờ việc dạy thêm, Nam mừng quýnh chạy ra tiệm mua một chiếc nón gửi về tặng mẹ. Đó là món quà có ý nghĩa đầu tiên sau những ngày Nam bôn ba với sự ngóng trông của bố mẹ phía sau.

Khi gần ra trường, Nam đã được một công ty đánh tiếng về làm trợ lý kỹ thuật itn học với mức lương 2.000.000 đ/tháng với cơ hội được đi nước ngoài rất nhiều.

Suy nghĩ mãi "lương nhiêu đó chắc chắn là chỉ đủ sống cho mình, rồi ba mẹ, gia đình nằm đâu, trong khi mình là con duy nhất" và anh quyết định "đi nước ngoài thì tự mình sẽ đi".

Nam tham gia xuất khẩu lao động sang Mỹ, chứng kiến thái độ lao động chuyên nghiệp và tinh thần tự lập của họ, anh lưu lại đây hai tháng và quyết định trở về Việt Nam. "Để làm gì đó ra trò!"

Con đường 4.000 USD

Quay về, Nam va ngay vào thực tế: Vị trí làm việc nào cũng "đòi hỏi kinh nghiệm", hoặc người trẻ phải dựa vào uy tín có sẵn của cha mẹ, người thân để tìm một cơ hội khẳng định mình.

Khủng hoảng một thời gian dài, anh may mắn được một người quen đề nghị làm việc cho một công ty bán hàng mạng đa cấp.

Khi ấy hành lang pháp lý cho công việc này chưa được khai thông bằng chủ trương của Nhà nước, thị trường mập mờ giữa các công ty lừa đảo và các nhà phân phối sản phẩm chuyên nghiệp thật.

Nam ôm một đống hồ sơ công ty về nhà, mất hơn một tháng nghiên cứu, tra đủ thứ sách kinh tế, anh quyết định ký hợp đồng. Bất chấp điều tiếng từ bạn bè, người yêu, thậm chí sự trách mắng của gia đình, anh lên đường.

Sau một tháng làm việc trong tinh thần căng thẳng anh thu về số 0 tròn trĩnh. Nam nghĩ "Gục ngã bây giờ, mình phải thừa nhận ước mơ của mình không có thật!". Nam đi học lại từ cách thức quản lý đến tiếp xúc khách hàng.

Nam đã làm việc tự tin và bình thản hơn. Kết quả thật bất ngờ: Khi người khác cần 3 năm để tới chức quản lý thì anh chỉ mất hai tháng. Sau 4 tháng anh đã là International Manager (Quản lý quốc tế).

Thu nhập của Nam tăng chóng mặt. Anh nói: "Tôi tìm tới những người có nhu cầu thật sự. Sản phẩm của tôi là dược mỹ phẩm và thuốc bổ trợ sức khỏe nên tôi học chút ít về dược.

Với ai có bệnh, tôi nhờ hệ thống bác sĩ của công ty tư vấn, không cần nài nỉ. Nếu thấy đó đích thực là nhu cầu của mình, khách hàng sẽ tự tìm đến".

Nam vấp phải rất nhiều nghi kỵ của mọi người xung quanh bởi lĩnh vực công ty anh làm quá mới mẻ. Họ sợ Nam đang làm một công việc phi pháp.

Chỉ đến khi Nhà nước ra Nghị định 110/2005 quản lý về mạng bán hàng đa cấp, mọi người chìa tay ra với Nam.

Nam hôm nay đã chuyển phần lớn công việc qua giảng dạy cho các thành viên mới của công ty. Thỉnh thoảng anh lại tạt vào ngồi ở một quán cà phê vắng, một mình và im lặng. Anh lắng mình trước những thử thách còn chờ phía trước.

Nam cười hồn hậu: "Có lẽ tôi sẽ đầu tư vào một ngành kinh doanh nào đó. Anh cứ chờ xem, mơ ước của tôi là trở thành một doanh nhân".

Theo Đăng Khoa - Vương Thuấn
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG