9X đánh bạt 8X?

9X đánh bạt 8X?
TP - Khi tôi chuẩn bị viết bài này, chồng tôi bảo: “Em hiểu gì về 9x? Hãy cẩn thận, ai cũng nghĩ thế hệ sau mình là hư hỏng”. Tôi định cãi lại rằng Mỹ khác, Việt Nam khác, lịch sử và văn hoá tạo nên một phần tính cách con người.
9X đánh bạt 8X? ảnh 1

Minh họa: Nguyễn Trung Hiếu

Nhưng thêm mươi giây suy nghĩ, mới vô vàn cảm ơn lời cảnh báo quý giá ấy. Tôi đã biết gì về những người sinh sau mình gần hai thập kỷ? Câu trả lời là biết mà chưa biết.

Thì chúng ta dễ dàng gặp hàng ngày những cô những cậu tóc nâu tóc vàng áo xanh áo đỏ tiếng Anh tiếng Pháp lịch sự chửi thề. Song đằng sau vẻ bề ngoài ấy là gì?

Chúng thách thức mọi khám phá và hiểu biết của chúng ta. Nếu không khéo, nếu chủ quan phiến diện sẽ vội quy kết nhiều tội trạng, thói hư tật xấu cho họ. Hoặc lại chìm trong màu mè hiện đại mà lạc quan hơn hớn cổ vũ thế hệ ấy lao vào tương lai như ngàn vạn thiêu thân.

Và thế là, trong quán cà phê mang tên thiên đường, một ngày cuối năm lợn vàng, ba người đang trò chuyện. Thượng đế sắp xếp họ gặp gỡ theo quy luật tự nhiên.

Nhạc mở hết công suất, tuờng loang hình thù kỳ dị, nhấp nhánh đèn xanh tím. Cô gái mở thêm một cúc áo dài nữ sinh, tay chân, mắt miệng ngọ nguậy liên hồi. Dường như cô rất muốn chạy, muốn lao thật nhanh đến đâu đó giữa đất trời.

Người đàn bà nhón tay cầm ly nước cam, chậm rãi từng ngớp, thỉnh thoảng hơi nhăn mặt. Không hiểu vì cam chua hay nhạc chát. Song ngay cả khi nhăn mặt, cô vẫn không biểu lộ nhiều cảm xúc. Cô cầm chừng.

Và ông, như tù nhân đang chịu cực hình, ôm chặt chiếc túi vải cùng cây gậy, ông tìm cách thoát khỏi hiện tại một cách chậm chạp.

Nữ sinh phựt phựt thổi kẹo cao su một hồi rồi mở màn, giọng cô vang, át tiếng nhạc điện tử nện thình thình:

- Ông ơi, quán này không bán trà mạn, ông dùng lipton đi.

- Nhạt lắm, trà tây, ông không quen.

- Thế thì ông uống cà phê.

Cặp lông mày lá liễu cắt tỉa cẩn thận nhướn lên một chút. Ông già càng lắc đầu:

- Có cái giống cà phê đặc quéo, thơm lừng như hồi trước thì mới thoả...

Người đàn bà ngoài ba mươi trầm trầm không đưa mắt:

- Bác dùng tạm nước cam vậy. Bổ, dễ , vô hại, thời nào, ở đâu cũng cần.

Ông già chép miệng.

- Bác đau dạ dày, kiêng của chua.

- Cái gì ông cũng chê. Chịu!

- Cho cốc nước lọc em ơi.

Người đàn bà khẽ ngẩng đầu. Nhân viên thay đĩa. Mỹ Tâm vút lên. Ông già lại chép miệng.

- Hát gì mà giống ăn cướp. Chẳng bù cho cái cô nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, nghe lần nào cũng lặng người.

Chiếc nút áo tiếp theo bật khỏi người nữ sinh tự lúc nào, hở tận xương sườn. Cô chén hết ly kem Ý chỉ trong chừng một phút. Và liếm  thìa, liếm ngón tay trong vài phút. Cặp mắt ông già có một chút sắc đỏ.

- Cháu ăn mặc phải kín đáo, ăn uống phải ý tứ chứ. Ngày xưa, ăn nhanh lại mút tay như vậy, không ai dám vời.

- Vời là gì? Từ thiên cổ à ông?

Nữ sinh không có ý giễu. Người đàn bà vẫn giữ nguyên nét mặt bình thản.

- Nghĩa là không có chàng trai nào để ý, không chàng trai nào lấy.

Nữ sinh cười nghiêng ngả:

- Ông ơi, đây là thời nào hả ông? Cháu lướt mạng mấy phút là có hàng chục  thằng bám. Tha hồ chọn. Sang năm cháu sang Mỹ du học, càng nhiều cơ hội. Có mà đuổi đi không hết. Ông yên tâm.

- Từ ngữ gì mà lạ lùng, thời buổi đảo điên thật... Ngày trước, nói thế chỉ có nước nát mông.

Nữ sinh như sực nhớ, lôi máy tính xách tay từ trong cặp ra, bật bật mở mở nhanh như thoi. Người đàn bà ngoài ba mươi khẽ ngẩng đầu:

- Học cấp ba cũng được phép dùng máy tính xách tay hả em?

- Học gì mà chẳng được hả chị, chỉ sợ không có tiền mua máy thôi.

- Hồi chị bằng tuổi em, chỉ mơ một chiếc xe đạp thôi. Tốt nghiệp đại học thì mơ chiếc xe máy.

-  Mới sau chiến tranh, bao nhiêu việc còn phải làm, cháu được đi học đã là tốt lắm rồi.

- Bọn lớp cháu bây giờ bét nhất cũng phải đi Wawe. Máy tính thì đương nhiên, nhưng laptop thế này chỉ mấy đứa như cháu mới có thôi.

Người đàn bà ngoài ba mươi chậm rãi đặt chiếc ly rỗng xuống bàn không tiếng động.

- Chị vẫn không hiểu học sinh như em thì cần máy tính xách tay làm gì.

- Chị trông còn trẻ mà đã lỗi thời ghê. Cần nhất là lướt mạng, chát, tải nhạc, cuối cùng mới là tìm tài liệu cho việc thi cử, học hành.

Đôi tai ông già cụp xuống;

- Ông chẳng hiểu gì sất. Điên đảo hết.

- Cho một va ni nữa anh ơi.

Nữ sinh gọi ly kem thứ hai, tay không ngừng đánh máy. Ông già chưa đụng cốc nước lọc. Người đàn bà tỏ vẻ quan tâm:

- Ông có vẻ mệt, để cháu đưa ông về nhé.

Cố giấu cái ngáp, ông già nở nụ cười hơi ngượng, quay mặt về phía nữ sinh:

- Sao cháu lại muốn đi du học? Mục đích cuộc đời cháu là gì?

- Ông hỏi như hỏi cung ấy. Ai mà chẳng muốn ra nước ngoài du học, vừa mở mang tầm nhìn, vừa oách, lại vừa dễ xin việc sau này.

Ông lặng thinh. Rồi đột ngột quay sang người đàn bà:

- Thế cháu đã bao giờ đi nước ngoài chưa?

- Cháu đã ước mơ được điểm cao trong kỳ thi đại học để đến Liên Xô. Nhưng thật không may, đúng năm ấy, Liên Xô không còn nữa.

Nữ sinh làm điệu bộ ngáp ruồi với người đàn bà:

- Đen đủi nhỉ?

Và nháy mắt tinh nghịch.

Ông già lộ rõ niềm luyến tiếc quá khứ. Bàn tay hơi run.

Nữ sinh vươn vai.

- Sắp đến giờ hẹn bác sĩ, cháu phải đi, ông muốn hỏi cung vấn đề nào nữa không?

- Ấy chết, cháu làm sao mà phải đi bác sĩ?

Đôi mắt ông thảng thốt. Nữ sinh vô tư cười.

- Cháu chỉ khám định kỳ hàng năm thôi, bố mẹ bắt thế.

- Ngày trước, vợ ông ốm ho ra máu cũng vẫn nằm nhà.

- Thì đâu xa xôi, cháu đây, ba mươi hai năm chưa biết nha sĩ là gì trong khi nguyên tắc sáu tháng phải rửa  răng một lần.

Người đàn bà đưa tay che miệng. Nữ sinh ngưng gõ bàn phím.

- Em hỏi thật, thế bao nhiêu tuổi thì chị có bạn trai? Cái thời của chị ấy?

- Em hỏi bạn trai hay “chuyện ấy”. Không đến nỗi sớm như các em bây giờ đâu.

- Sớm nhưng hiểu biết thì có gì là ngại. Chuyện thường thôi.

Ông già ngác ngơ nhấp nhổm miệng để nghe giải thích.Vừa lúc, một âm thanh như sấm rền lên. Ông già giật mình. Nữ sinh bật tanh tách bàn phím của chiếc điện thoại di động đỏ tươi.

- Cháu tải nhạc chuông này từ net đấy. Độc không? Ồi giời, lại nhỡ hẹn rồi, bảo là bốn giờ cùng đi mua đĩa nhạc, lại nhắn tin hoãn.

Lắc đầu, ông già càng bối rối.

- Mọi thứ bây giờ thay đổi hàng ngày ông ạ. Đến cháu cũng còn cảm thấy lạc.

Sấm lại rền. Lần này,  nữ sinh vội áp tai nghe.

- Mẹ ạ, con mới học xong. Về nhà bác hả mẹ? Để làm gì ạ? Giỗ ông ạ, con không đến có đựợc không? Con phải học tiếng Anh và luyện đàn chiều nay. Thế mẹ nhé, con chào mẹ.

- Ngày giỗ là thiêng liêng lắm, sao cháu lại không về? Làm gì thì làm cũng phải giữ cái gốc chứ cháu...

Bàn tay ông già thoáng run. Nữ sinh thôi cười.

- Cháu rất yêu bố mẹ, ông bà, họ hàng. Nhưng cháu có bạn bè, có cuộc sống của những người trẻ, nếu không nhanh hoà nhập thì sẽ thế nào? Thỉnh thoảng cháu vẫn nhớ ông nội, vẫn mơ thấy ông về. Cháu không đi giỗ không có nghĩa là cháu mất gốc ông ạ.

Người đàn bà nhìn nữ sinh với vẻ ngạc nhiên.

- Đến chị, nhiều khi cũng không có thời gian về thắp hương cho mẹ. Em nói đúng, chủ yếu là cái tâm của mình.

Nữ sinh gấp máy tính xách tay. Người đàn bà sửa cổ áo. Và ông già nhìn xuống chiếc gậy. Trời hơi nhập nhoè.

Còn tôi, tôi sẽ nói cảm ơn chồng mình lần nữa. Tôi không nghĩ thế hệ sau mình hư hỏng.

MỚI - NÓNG