“A lô... Cty khuyết tật N. Trung đây”

“A lô... Cty khuyết tật N. Trung đây”
TP - Tên gọi đầy đủ là “Công ty TNHH người khuyết tật N. Trung”. Nhưng khi giao dịch bận rộn, mọi người vẫn gọi tắt “Khuyết tật N. Trung” trụ sở tại TP Đà Nẵng.

Giám đốc Cty, chàng trai di chuyển bằng đôi tay, thổ lộ: “Đó hoàn toàn không phải là kiểu làm để nổi tiếng. Chẳng ai lại đem nỗi đau của mình ra làm lợi thế kinh doanh”.

Trương Công Khiêm từng trải qua cảm giác tột cùng buồn tủi, khi khách hàng gặp và... bất ngờ về dị dạng của mình. Giao dịch qua điện thoại hoặc email, tất cả đã đâu vào đấy, lúc ký kết hợp đồng, bên A gặp bên B, mới... té ngửa, mình đang làm việc với một người không bình thường.

Lập tức,  không ít người hoài nghi “bộ dạng kia thì làm được gì ?”. Anh  nghĩ  nhiều và muốn khẳng định khả năng kinh doanh, cạnh tranh và cống hiến của người khuyết tật (NKT) trong xã hội.

Và Cty ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Còn “N.Trung” được anh bật mí “đó là tên lót của người dạy nghề tôi, thầy  Phù Trung Sơn!”.

Bị bại liệt lúc 3 tuổi, nhà rất nghèo lại đông anh em, Khiêm đã phải làm  nhiều nghề để có tiền đi học. Khiêm  có nhiều bạn tốt, cần đi đâu chơi  có Lực cõng, đi học có Thanh...

Anh ước mơ vào đại học, nhưng không thể vì cha mất, phải tự đi làm  kiếm sống. “Làm gì với đôi chân teo tóp này để  khẳng định mình?”. Khiêm nhận ra nghề kiếm sống: Vẽ! Đó là nghề cần sự kiên trì, chịu khó, sáng tạo và đôi tay mềm.

Cậu học trò sáng dạ được thầy quí như người trong nhà, truyền đạt gần như trọn vẹn bí quyết nghề họa chân dung. Khiêm chung với một bạn học ra làm riêng. Tâm huyết của anh dồn cả vào đôi tay nên bức nào cũng có hồn, được khách hàng mến phục.

Anh quyết định lập cơ sở riêng, mở thêm  nghề in lụa thủ công, đây là cơ sở tư nhân đầu tiên nhận toàn bộ lao động là NKT. Nghĩ lại giờ thấy liều lĩnh, tuổi đời chưa đầy 22, nghề thì học mót, vốn lại chỉ hơn hai trăm ngàn đồng.

Hàng ngày sau khi đã hướng dẫn xong cho anh em vào việc, Khiêm lại lặng lẽ trên chiếc xe lăn, ai chỉ đâu đến đó, tìm nguồn hàng mới. Có niềm vui lớn khi được tin cậy, nhưng không ít lần nước mắt chảy vào trong khi bị kỳ thị.

Nỗi niềm được xoa dịu khi trở về xưởng vẽ, kể cả khi phải “ăn đong” từng bữa, không khí ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp, ấm áp tình bè bạn và sự chia sẻ. Khoảng sân nhỏ trên đường Hoàng Diệu còn để lại trong lòng nhiều người dân Đà Nẵng những cảm xúc khó quên, khi mỗi ngày họ đều thấy cảnh các cậu bé khuyết tật mải mê trên khung in, giá vẽ...

Giám đốc Khiêm  còn là một tay thiết kế rất cừ. Sử dụng thành thạo các phần mềm  Photoshop, Corel Draw, với năng khiếu thẩm mỹ bẩm sinh và kinh nghiệm in ấn, tạo mẫu tích lũy được, Cty N. Trung đã đảm nhận luôn khâu thiết kế mẫu mã cũng như in ấn cho khách hàng, sản phẩm làm từ đầu đến cuối chất lượng không chê vào đâu được.

Nghề làm hộp đèn, biển hiệu, pa-nô quảng cáo... cũng hái ra tiền, nhờ thế thu nhập của người khuyết tật  khá ổn định.

Cty của Khiêm giờ trở thành tổ ấm của thanh niên khuyết tật TP Đà Nẵng. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.