Ấm áp giữa mênh mông Trường Sa

Ấm áp giữa mênh mông Trường Sa
TP - “Những hàng kè chắn sóng, những bức tường trên đảo có thể bị sóng và cát mặn của đại dương làm mòn, nhưng ý chí và bản lĩnh của những người giữ đảo thì không thể nào lay chuyển!”

Đó là lời khẳng định của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân trong buổi nói chuyện với đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh và đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa tại chân cột mốc chủ quyền.

Xuất phát tại Cảng Ba Son (TPHCM), qua hai ngày đêm lênh đênh trên biển, vật lộn với sóng gió và có lúc lên đến cấp 5, cấp 6 con tàu HQ 996 của vùng 4 Hải quân đã đưa đoàn công tác cập đảo Trường Sa lớn.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa thông báo: Theo kế hoạch, qua đêm nay, rạng sáng ngày mai tàu sẽ cập đảo Trường Sa lớn.

Chúng ta sẽ làm việc ở đảo một ngày, sau đó nghỉ lại qua đêm. Sáng hôm sau, đúng 5 giờ 30 tất cả thành viên đoàn công tác có mặt tại tàu để tiếp tục hành trình tới các đảo Đá Tây, Tiên Lữ, Phan Vinh, An Bang và khu vực Nhà Giàn ĐK1…”.

Ấm áp giữa mênh mông Trường Sa ảnh 1

Bộ đội đảo Tiên Lữ, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc Ảnh: Ngô Duy Đông

Thành phần trong đoàn công tác lần này, ngoài đại biểu lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành phố:

Hải Dương, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Vĩnh Long và Phú Yên, còn có rất đông các nhà báo ra thăm và tác nghiệp tại Trường Sa…

Đúng 6 giờ, tàu HQ 996 được lệnh cập cảng: Đảo Trường Sa Lớn sừng sững nổi lên trên Biển Đông.

Bộ đội trên đảo có mặt rất đông tại cầu cảng để đón đoàn, nét mặt ai cũng sạm đi vì nắng và gió biển, nhưng không giấu nổi niềm vui khi được đón khách từ đất liền, đặc biệt khi biết rằng đi cùng đoàn lần này còn có sự góp mặt của các ca sĩ.

Ra Trường Sa lần này, mỗi đoàn công tác đều có những nét riêng trong cách thể hiện tình cảm đối với con em của quê hương đang làm nhiệm vụ tại đảo. Ngoài những món quà mang đậm chất quê hương, các anh còn được chứng kiến tận mắt, hình ảnh của quê hương và gia đình qua những chiếc đĩa DVD.

Đồng chí Nguyễn Thị Hải, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh Hải Dương xúc động: “Trước khi có kế hoạch ra thăm đảo, ngoài số tiền trên 200 triệu, tỉnh trích quỹ để ủng hộ bộ đội Trường Sa, đoàn công tác của tỉnh còn có kế hoạch đến từng nhà có con em đang làm nhiệm vụ tại đảo, thăm, động viên và tặng quà, đồng thời ghi lại những thước phim về cuộc sống, sinh hoạt của gia đình để đem ra tặng bộ đội”.

Quà từ đất liền đến với bộ đội Trường Sa lần này ngoài vật chất là các đồ dùng thiết yếu, thì một quà nữa mà lính đảo vẫn rất mong chờ đó chính là những lá thư từ quê nhà.

Thấu hiểu những tâm tư đó, nhiều đoàn ra đảo đã mang theo thư của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thông báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời động viên con em của quê hương làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa hãy yên tâm chắc tay súng, quê nhà luôn hướng về các anh. Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố cũng phát động sâu rộng phong trào viết thư gửi bộ đội Trường Sa.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Lâu nay chỉ được biết về bộ đội Trường Sa qua sách báo và các phương tiện thông tin khác, bây giờ mới có điều kiện vượt trùng khơi ra thăm đảo, đứng bên cột mốc chủ quyền, chứng kiến tận mắt cuộc sống rèn luyện, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa tôi vô cùng tự hào”.

Một ngày ở đảo Trường Sa lớn trôi đi thật nhanh, buổi tối tại ngay chân cột mốc sẽ diễn ra chương trình biểu diễn và giao lưu giữa các ca sĩ, diễn viên của đoàn Nghệ thuật Hải quân với bộ đội giữ đảo.

Từ lúc hoàng hôn chưa buông xuống, tôi đã kịp nhận ra các tốp chiến sĩ trẻ đang chuẩn bị những món quà rất dung dị, nhưng họ tin là mọi người trong đất liền sẽ rất thích, đó là những trái bàng vuông, những vỉa san hô, có khi chỉ là những chùm hoa cải trong vườn đang rộ hoa do chính mình chăm bón…

Đêm xuống rất nhanh, toàn đảo bốn bề sóng vỗ, tách mình khỏi đêm giao lưu tôi sải bước một vòng quanh đảo. Tôi được gặp Thiếu tá Vũ Minh Thân, cụm trưởng Cụm chiến đấu 3 đang gác thay chiến sĩ. Kéo tôi ngồi xuống mép biển, Thiếu tá Thân tâm sự: Mỗi dịp có đoàn văn công ra biểu diễn thì nhiều cán bộ xung phong trực và gác thay cho chiến sĩ để anh em có điều kiện thưởng thức văn nghệ.

Hình ảnh cán bộ gác thay cho chiến sĩ, chịu phần thiệt thòi về mình, dù chỉ là một tối xem văn công, một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng thẳm sâu trong đó một ý nghĩa hết sức nhân văn.

Phải chăng cũng chính từ những chi tiết, những tình cảm tưởng như rất nhỏ ấy đã nâng bước, hun đúc tâm hồn và nghị lực người chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn xác định tốt nhiệm vụ của những người giữ biển.

MỚI - NÓNG