Anh hùng châu Âu là một cô gái mù

Anh hùng châu Âu là một cô gái mù
"Một người mù vẫn có thể được hưởng cuộc sống tuyệt đẹp". Với quyết tâm đó, Sabriye Tenberken khiếm thị, người Đức, đã mang đến ánh sáng cho trẻ em cùng cảnh ngộ ở Tây Tạng.
Anh hùng châu Âu là một cô gái mù ảnh 1
Sabriye với học trò

Cô đã được tạp chí Time bầu chọn là một trong những Anh hùng châu Âu năm 2004.

Sườn đồi ngày càng dốc, khách đến thăm phải dừng lại nghỉ ngơi. Nhưng ở đây, cơn mệt của họ có thể tan ngay trong khung cảnh thiên nhiên êm đềm, có đàn cừu đang kêu be be và các vị sư áo choàng đỏ luôn mỉm nụ cười nhân từ.

Sau những tảng đá ngổn ngang là tòa nhà lớn 600 năm tuổi màu nâu sẫm và trắng nổi bật trên nền xanh ngát của thung lũng và bóng lờ mờ của những chóp núi phủ đầy tuyết.

Cô gái người Đức Sabriye Tenberken cùng nhóm thanh thiếu niên Tây Tạng bước ra chào đón. Tất cả đều khiếm thị.

8 năm trước, Sabriye, khi đó 26 tuổi, rời quê nhà để theo đuổi giấc mơ đào tạo trẻ em Tây Tạng có được những kỹ năng cần thiết để chúng có thể tự tin và nhận biết được giá trị của bản thân trong xã hội.

Bị mù khi mới lên 12 tuổi, Sabriye may mắn được vào học tại một trong những ngôi trường dành cho người khiếm thị tốt nhất ở Đức. "Thầy cô giáo đã truyền cho tôi sự tự tin mà tôi tưởng mình không bao giờ có được" - Cô nói.

Đến bây giờ vẫn còn nhiều người nghĩ Sabriye thật "điên" khi đến miền đất Tây Tạng vắng vẻ mà chưa biết chút gì về nó, thậm chí vài tiếng lõm bõm nhưng bằng ý chí sắt đá, cô đã chứng minh được rằng mọi người nghĩ sai.

Trong tòa nhà hai tầng có sân rộng, học trò khiếm thị không ai cần đến cây gậy, cũng không đứa nào mang kính đen và tuyệt nhiên không hề có chút e thẹn, sợ sệt hay nhút nhát ở chúng.

Bọn trẻ, từ vài ba tuổi đến lứa trăng rằm, chạy nhảy vững chãi trước đôi mắt ngạc nhiên và nỗi lo chúng bị ngã của khách đến thăm.

Cùng với bạn trai, anh Paul Kronenberg, Sabriye đã lập Trường Braille Không Biên Giới từ năm 1998 với khoản tiền hết sức nhỏ nhoi được hỗ trợ từ Chính phủ Đức, cộng thêm 26.000 USD là tất cả tiền dành dụm được của cô.

Sabriye và Paul dạy bọn nhỏ đủ thứ, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và ngôn ngữ Tây Tạng bằng bảng Braille dành riêng cho người mù.

Sabriye không tập bọn trẻ phải ngồi đan giỏ hay đan len mà chỉ cho chúng những nghề nào là cần thiết ở miền đất này.

Học sinh của Sabriye đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng giờ đây, đa số có thể chơi guitar, thổi flute và đàn organ và bắt đầu có những ước mơ lớn hơn.

Không chỉ là trẻ em, những người mù lớn tuổi được học cách làm nông, chăn nuôi gia súc và du cư. Trong vài năm nữa, một ngôi trường như thế này sẽ mọc lên ở Kerala, Nam Ấn và Sabriye sẽ lại có mặt, dạy trẻ em ở đây cách sống có ích cho đất nước.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".