Anh hùng Phạm Tuân: Không thể sáng tạo, nếu thiếu động lực

Anh hùng Phạm Tuân: Không thể sáng tạo, nếu thiếu động lực
TP - Là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ; trong kháng chiến chống Mỹ là phi công đầu tiên lái máy bay tiêm kích bắn hạ B52 - Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ với Tiền Phong về phẩm chất sáng tạo xưa và nay của người Việt.

> Vì sao nghèo học giỏi, giỏi vẫn nghèo?
> Thông minh, sáng tạo nhưng không dám đột phá?

Động lực là vô cùng quan trọng

Ý kiến của Việt kiều Tran Hung John “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong...” được đưa vào đề thi đại học năm nay. Ông nghĩ thế nào?

Nói phần đông người Việt không sáng tạo là chưa chính xác. Nhận xét đó phải đặt vào từng thời điểm lịch sử, từng giai đoạn cụ thể. Mỗi thời kỳ khác nhau con người có những hành động khác nhau phù hợp với hoàn cảnh.

Ông là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động, một trong những người nước ngoài đầu tiên được Liên Xô phong tặng Anh hùng) với nhiều thành tích sáng tạo vượt bậc. Theo ông, sáng tạo cần những yếu tố nào?

Muốn có sáng tạo phải có những yếu tố sau: Trí tuệ, nghiệp vụ, chuyên môn. Quan trọng hơn là phải có động lực.

Con người có trí tuệ, năng lực, tay nghề chuyên môn cao nhưng không có động lực thì không thể sáng tạo. Yếu tố động lực vô cùng quan trọng bởi trong nhiều trường hợp, ngay cả khi không có chuyên môn cao con người vẫn sáng tạo.

Với yếu tố động lực nhìn từ việc nông dân Phạm Ngọc Tấn ở TP Kon Tum (Gia Lai) phát minh ra máy cày đa năng: cày lên luống, đánh cỏ, đánh tơi xốp đất, nạo cỏ... Máy cày ông Tấn chế tạo có năng suất bằng 15 nhân công. Ông và 2 con mở xưởng cơ khí chế tạo máy thu hàng tỷ đồng làm lợi cho mình, cung cấp máy hữu ích cho bà con. Thống kê ra rất nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất đều do những nông dân chế tạo ra và ứng dụng vào sản xuất hiệu quả trong khi hầu hết họ không được đào tạo đại học. Đơn giản là họ có động lực và tự do sáng tạo vì lợi ích của mình và xã hội.

Anh hùng Phạm Tuân
Anh hùng Phạm Tuân.

Thưa ông, trong chiến tranh, không nhiều người tốt nghiệp đại học làm chỉ huy, đặc biệt cuộc kháng chống Pháp thì càng hiếm, nhưng cha ông ta vẫn tạo ra những chiến thắng lẫy lừng. Theo ông vì sao?

Thời chiến, chúng ta có động lực hết sức lớn lao, đó là không có gì quý hơn độc lập, tự do. Từ động lực to lớn đó, mỗi người tìm cách rèn luyện, học hỏi để có bản lĩnh làm chủ vũ khí, trang thiết bị để chiến đấu.

Nói về không quân, chúng ta không có máy bay, trang thiết bị để chiến đấu và đã sáng tạo ra muôn vàn cách đánh làm cho kẻ thù kinh hoàng. Chúng ta đã sử dụng máy bay của nước ngoài sản xuất, thậm chí đó là loại máy bay, vũ khí mà ngay tại nơi sản xuất chưa đưa vào chiến đấu bao giờ như máy bay MIG-21, tên lửa SAM-2 của Nga. Họ dạy chúng ta đánh theo cách đánh của nước lớn: Trong chiến thuật không quân, khi đánh lực lượng phải tương đương hoặc mạnh hơn địch. Nhưng với điều kiện của nước ta làm sao theo được. Cho nên, trong chiến tranh, chúng ta phải tìm lối đi mới, phải sáng tạo.

Ông đánh giá thế nào về tính sáng tạo của người Việt trong giai đoạn hiện nay?

Cần so sánh Việt Nam với các nước phát triển tương đương và cùng thời kỳ để thấy chúng ta sáng tạo thế nào.

 Hiện nay, cần xem lại cơ chế quản lý đang có những bất cập hạn chế sự sáng tạo, khiến không ít người mang tâm lý an phận thủ thường 

Anh hùng Phạm Tuân

Ví dụ, sáng tạo trong KHCN của các nước trong khu vực. Ở Thái Lan, tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, đề tài nghiên cứu không hơn ta nhưng đề tài nghiên cứu được ứng dụng hơn ta rất nhiều. Vậy ai sáng tạo tốt hơn?

Ngay cả vấn đề thế mạnh của Việt Nam là lúa gạo, được đề cập nhiều thời gian qua. Chúng ta tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thậm chí tiền đầu tư cho khoa học không thiếu, nhưng thật đáng lo khi chưa có giống lúa riêng, mà dự tính phải 10 năm nữa mới có thể tạo ra trong khi Thái Lan, Lào, Campuchia đã có giống lúa của riêng họ.

So sánh vậy để thấy sự sáng tạo của ta đang có vấn đề.

Dân chủ hình thức thui chột sự sáng tạo

Ông có thể phân tích đâu là vấn đề trong khâu sáng tạo của người Việt? Phải chăng nhận định “Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn” của Tran Hung John là đúng?

Nước ta luôn có người tài. Thời trước, ta có nhà khoa học nguyên tử như Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ và gần đây giáo sư Ngô Bảo Châu...

Năm nào học sinh nước ta đi thi các giải quốc tế Toán, Lý, Hoá... đều đoạt huy chương vàng, bạc nhưng sau đó những học sinh đoạt huy chương có tiếp tục sáng tạo không? Theo tôi được biết, không có nhiều những bạn trẻ từng đoạt giải cao sau này trở thành những nhà khoa học giỏi, đứng đầu các ngành, lĩnh vực.

Vấn đề đang cản bước sáng tạo, theo tôi, đầu tiên là do giáo dục trong nhà trường và trong gia đình

Giáo dục rập khuôn, thầy đọc, trò chép là điển hình của dạy - học thụ động, kìm chế sáng tạo. Giáo dục ở nhà cũng có vấn đề. Hiện nay, không ít gia đình bảo bọc con, không dám để con tự do đi học cho dù là học sinh khối THCS và THPT. Ở các nước phát triển, cha mẹ “thả” con ra để con đối mặt với cuộc sống, xã hội từ khá sớm để tự điều chỉnh, thay đổi hành vi cho phù hợp. Nhưng Việt Nam có nhiều cha mẹ dám “thả” con ra xã hội để nó tự lập, phát triển không? Ít lắm.

Hơn nữa cơ chế quản lý vĩ mô của ta cũng gặp phải một số vấn đề. Dân chủ hình thức làm thui chột sáng tạo. Nhiều vấn đề người dân đề xuất, kiến nghị xây dựng xã hội nhưng đôi khi một số câp, ngành lắng nghe chưa thoa đáng. Đây cũng là nguyên nhân kìm hãm sáng tạo.

Ông nhận xét gì về việc trọng dụng nhân tài và tâm lý an phận thủ thường của một bộ phận công chức hiện nay?

Giáo dục tại nhà trường và gia đình rập khuôn, cơ chế quản lý chưa tạo ra động lực đã góp phần hạn chế sáng tạo. Tại một số cơ quan, sự sáng tạo vượt bậc của cấp dưới đôi khi bị cấp trên trù úm.

Thực tế, một số nhà khoa học đầu quân về các cơ quan, viện nghiên cứu đã không thể sáng tạo vì cơ chế quản lý và thiếu động lực. Thế nên không ít người có tâm lý an phận thủ thường, cấp trên bảo sao, họ làm vậy. Thực tế những người trẻ năng lực có hạn thường cố “chạy” vào các cơ quan nhà nước; người thực tài lại “nhao” ra ngoài, đầu quân khối doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài.

Cảm ơn ông!

Sáng tạo trong mọi tình huống

Là phi công đầu tiên sử dụng máy bay tiêm kích bắn rơi máy bay B-52, những yếu tố nào giúp Phạm Tuânlàm được điều thần kỳ đó?

Snh hùng Phạm Tuân chia sẻ: Đánh B52 của Mỹ, người chỉ huy không bay cùng phi công để dẫn dắt cụ thể mà phi công là người quyết định cuối cùng. Lên trời tình huống luôn thay đổi tùy cơ ứng biến, nghĩa là phải sáng tạo để giành chiến thắng.

Đêm 27/12/1972, tôi dùng chiến thuật “đi thấp kéo cao” nhằm tránh radar của máy bay địch. Sau khi dẫn đường mặt đất thông báo cách phi đội địch 8–9 km, tôi kéo cao rồi tăng tốc máy bay, dùng tốc độ cao để bất ngờ bay vọt qua hai tốp F-4 hộ tống, khiến những chiếc F-4 không kịp phản ứng. Sau khi vọt qua đội F-4 hộ tống, tôi tiếp cận hai chiếc B-52, khi còn cách B-52 khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn, nhưng tôi chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi mới bắn. Tôi tắt radar và các thiết bị liên lạc chiếc MiG-21 để B-52 không phát hiện. Tôi bắn rơi chiếc B-52 trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.

Phương Hiếu
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG