Ánh sáng của Lý

TP - Lê Cát Trọng Lý bắt đầu được biết tới khi Chênh vênh - bài hát do cô sáng tác và trình bày dành Danh hiệu Bài hát của năm tại giải thưởng Bài hát Việt 2008. Tám năm sau cô đã có một vị trí vững chắc trong đời sống nhạc Việt. 

Sự vững chắc không làm nên từ những hiệu ứng bề nổi hay cat-xê ngất trời, mà từ thực tài. Vị trí của Lê Cát Trọng Lý hiện nay gần như độc nhất giữa bản đồ nhạc Việt.

Lý mang đến một thứ âm nhạc giản dị, giàu chất thơ và có gì đó rất Việt Nam. Có lẽ một phần do cô tìm được cách để đọc ngữ âm Việt thành nhạc. Những bài hát của Lý có tính tư tưởng và thông điệp rõ ràng, sâu sắc nhưng vẫn gần gũi với công chúng. Chúng trở thành một ốc đảo xanh rì giữa hoang mạc của những ca từ nỉ non sáo rỗng. Bằng đấy lý do đã đủ để Lý được yêu thích đến thế? Hay phải thêm cả giọng hát trong trẻo với một số phát âm đặc trưng tròn như tiếng trẻ con? Hay lối nói chuyện với khán giả lúc nào cũng như bẽn lẽn, nhưng cũng đầy dí dỏm?

Ánh sáng của Lý ảnh 1 Nhạc sỹ - Ca sỹ Lê Cát Trọng Lý.

Từ “Chênh vênh” - bài hát công bố đầu tiên bộc lộ những khát khao tình yêu cá thể cho đến những thông điệp mang tính nhân văn, khơi gợi nhiều vấn đề thuộc đời sống bên ngoài và bên trong của mỗi con người, Lê Cát Trọng Lý đã tiến những bước dài. Những bước tiến nhiều khi âm thầm chỉ cô và đồng sự cùng những khán giả ruột mới hay. Lý chưa bao giờ là nhân vật nóng hổi trang đầu của những tờ báo giải trí. Nhạc của cô cũng không đến mức hàn lâm, hóc hiểm để các nhà lý luận phải lưu tâm. Lý là để nghe bằng trái tim và tâm hồn. Và những người đồng cảm với thứ nhạc ấy cứ dần nhiều lên.

Năm 2010, cô biểu diễn 3 đêm nhạc với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, thu hút tổng cộng hơn nghìn khán giả. Cuối 2015, khoảng nghìn rưỡi khán giả đã đến với hai đêm nhạc riêng của Lý tại hội trường Học viện Âm nhạc Hà Nội. Lần này hoàn toàn do cô và ê-kip tự tổ chức. Việc truyền thông thậm chí chỉ tiến hành qua Facebook. Đến dự đêm nhạc này, tôi thấy khá lạ vì những dòng người xếp hàng từ trong sảnh của phòng hòa nhạc ra đến cửa để mua đĩa. Đấy là lúc đêm nhạc kết thúc, trời đã khuya và lẽ thường mọi người muốn đi về. 

Nhưng nhiều người đã ở lại để có đĩa và chữ ký của Lý. Vì họ quá yêu cô? Quá háo hức với sản phẩm mới của cô? Câu trả lời thực tế hơn là đĩa của Lý cũng khó tìm thấy ngoài cửa hàng, vì chủ yếu do cô tự phát hành. Tất nhiên, nếu có nhà sản xuất chuyên nghiệp đỡ đầu với sự hỗ trợ của truyền thông đại chúng, Lý có thể có những đêm nhạc rình rang hơn, bán vé cao gấp nhiều lần. Nhưng khi đó, cô đã trở thành người của showbiz, khó mà sống và làm việc theo nhịp riêng của mình nữa.

Ánh sáng của Lý ảnh 2 Lê Cát Trọng Lý trong vòng vây người hâm mộ tại Chủ Nhật Đỏ năm 2016.

Hiện Lý đang thực hiện tour diễn tên gọi “Khù Khờ” đi dọc đất nước (Hà Nội - TPHCM - Bình Dương - Đà Lạt - Buôn Mê Thuột - Đaklak - Kontum- Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế- Quảng Trị - Quảng Bình - Nghệ An - Yên Bái - Sapa - Hà Giang - Quảng Ninh) trong một tháng, bắt đầu từ 3/3/2016. Chi phí chính từ khoản tiền bán đĩa. 

Nếu “Vui Tour” (năm 2011) phát sinh một cách ngẫu hứng, do nhà tài trợ bỏ cuộc giữa chừng khiến Lý và cộng sự không thể diễn trong rạp ở các thành phố lớn. Họ bèn bỏ đi chơi, diễn dọc đường, trên cánh đồng, trong nhà thờ, trường học… Khán giả là người qua đường, nông dân, con chiên, trẻ mồ côi, học sinh… 

Tất cả được ghi lại trong cuốn phim đang có trên YouTube. “Khù Khờ” chính là “Vui” được nâng cấp, có động cơ, mục đích, phân công rõ ràng. Âm nhạc chỉ còn là cái cớ. Trước mỗi chương trình lớn, Lý thường sáng tác một số bài mới. Cô cho hay, không thích hát lại các sáng tác cũ quá nhiều nhưng vẫn hát vì khán giả. Nhân chuyến lưu diễn “Khù Khờ”, Lý bắt mình viết nhạc thiếu nhi và hát lại các bài hát thiếu nhi kinh điển. Toàn bộ chuyến đi không dùng nhạc người lớn. 

Lý viết về “Khù Khờ” trên Facebook: “Đây là một chuyến đi phục vụ cộng đồng hoàn toàn phi lợi nhuận. Những nơi Lý đến đều hát miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho bà con, lập hồ sơ khuyến học tìm người giúp các em được học đại học... Lý sẽ không đi qua các thành phố lớn, và không biểu diễn trong các nhà hát lớn.” 

Nhóm của Lý sẽ tìm hiểu hoàn cảnh và trường hợp của những em nhỏ muốn đi học nhưng không có điều kiện để tìm người giúp đỡ. Hoạt động này kéo dài thêm 4 năm sau tour để đảm bảo các em được ăn học đến nơi đến chốn. Qua chuyến đi này, Lý mong ước: “Được phục vụ mọi người. Được học. Được trưởng thành hơn qua công việc phục vụ ấy. Được niềm vui. Được tiếp tục mơ ước và bớt sợ hãi làm việc khó. Cho chính mình và tất cả mọi người.”

Lý là một định nghĩa khác về “ngôi sao”. Ngôi sao như Lý biết chia sẻ ánh sáng mình có được cho những góc còn tối. Ngôi sao như Lý biết làm những việc tốt có khả năng thay đổi cuộc sống và suy nghĩ của nhiều người. Tất nhiên, những việc như thế khó, phải đúng là sao mới làm được.

Cổ động viên của ngôi sao như Lý không điên cuồng gào khóc mong được sờ tay, ôm chân thần tượng, mà sẽ đồng hành cùng sao như những người bạn trong  những việc làm thiết thực. Chuyến lưu diễn “Khù Khờ” không có tài trợ nhưng có nhiều người ở khắp nơi sẵn sàng hỗ trợ- từ lo chỗ ăn chỗ ở cho các thành viên cho đến làm bốc vác… 

Ánh sáng của Lý ảnh 3
Giáo dục hướng nghiệp là mảng công việc đang được Lý quan tâm. Mấy ai ngờ rằng thời đi học, thành tích học tập của cô không có gì đáng kể. Lý bỏ ngang ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và cũng chẳng lấy nổi bằng biểu diễn viola Nhạc viện TPHCM. 

Cô tâm sự: “Vì áp lực gia đình, xã hội phải học khác với việc biết việc học này là tốt và mình cần phải học. Hầu như trẻ em của mình vì áp lực mà học, thành ra học ít hiệu quả. Kết quả hầu như những người ra trường đều thất nghiệp. Sau đó đi làm thường là nhờ bố mẹ chuẩn bị một khoản tiền vào một công ty nào đó. Những người ngoi lên ít, thường bằng khả năng tự học. Họ thường phải trả nợ gia đình xã hội cho yên thân, đến tầm 22-23 tuổi mới được sống và làm điều mình thích”.

Lý khẳng định: “Nếu tôi học không biết để làm chi, tôi sẽ không học”. Du học chính là việc lớn tiếp theo của Lý trong năm nay. Ngành học có thể là Âm nhạc Trị liệu- nghiên cứu những khả năng chữa trị và hàn gắn đối với cơ thể con người của âm nhạc. Xem ra với Lý, âm nhạc trên hết vẫn là cách để kết nối, để hành động vì cộng đồng. 

Cô không học để đàn hay hơn hát giỏi hơn hoặc để kiếm tiền nhiều hơn. “Học vì quá tò mò về cuộc sống”, Lý tuyên bố. “Cuộc sống hấp dẫn lắm. Mình sống mỗi nơi học mỗi nơi lại có một cái hay”. Khi viết những dòng này, trong đầu tôi vẫn vang lên lời hát: “Xin miếng cơm luôn đong đầy/ Tình yêu cũng dâng/ Xin áo mới đem cho người khắp nơi/ Xin tiếng ca đây không ngừng/ Bụi sương cũng vui/ Xin sống vô tư cho ngày tiếp theo”. (Nhiều người ôm giấc mơ- Lê Cát Trọng Lý). Và tôi cũng muốn nói, đến lúc này mà thiếu đi một Lê Cát Trọng Lý thì nhạc Việt e là cũng kém hấp dẫn!

Lê Cát Trọng Lý là một định nghĩa khác về “ngôi sao”. Ngôi sao như Lý biết chia sẻ ánh sáng mình có được cho những góc còn tối. Ngôi sao như Lý biết làm những việc tốt có khả năng thay đổi cuộc sống và suy nghĩ của nhiều người. Tất nhiên, những việc như thế khó, phải đúng là sao mới làm được. Cổ động viên của ngôi sao như Lý không điên cuồng gào khóc mong được sờ tay, ôm chân thần tượng, mà sẽ đồng hành cùng sao như những người bạn trong những việc làm thiết thực. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.