Ánh sáng từ một nữ sinh khiếm thị

Ánh sáng từ một nữ sinh khiếm thị
TP - Vượt qua sự miệt thị, ghẻ lạnh của người đời, Nguyễn Thị Thúy (xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) quyết tâm theo đuổi con chữ. “Nhiều lần em định bỏ học nhưng lại nghĩ, nếu không học hành thì chẳng làm gì được nên quyết tâm theo học”.

>> Giấc mơ của chàng sinh viên mù học giỏi

Bằng nghị lực của mình, cô gái mù đã thi đậu vào đại học.

Ánh sáng từ một nữ sinh khiếm thị ảnh 1
Bằng nghị lực của chính mình, Nguyễn Thị Thúy chinh phục số phận

Tìm chữ

Thúy sinh năm 1988 tại xóm Văn Đồng, Hiến Sơn. “Năm tuổi, đôi mắt của em xuất hiện triệu chứng lạ. Nó cứ mờ dần, rồi mù hẳn”, Thúy kể. Sau một thời gian học chữ nổi Braille tại thành phố Vinh (Nghệ An), Nguyễn Thị Thúy trở về Đô Lương học lớp hòa nhập cộng đồng.

Tại trường THCS Hiến Sơn, Thúy là học sinh khiếm thị duy nhất. Không sách giáo khoa dành cho người khiếm thị, không thầy hướng dẫn, Thúy học bằng cách lắng nghe và ghi nhớ.

“Hằng ngày, mình đến lớp ngồi nghe thầy cô giảng, nhớ chữ viết và phép tính trong đầu. Tối về nhà, chỗ nào chưa hiểu, nhờ em trai đọc lại”, Thúy cho biết.

Con đường từ nhà đến lớp, không xa đối với người bình thường, nhưng với Thúy thì đầy rẫy khó khăn. Trong bóng đêm bao phủ quanh mình, Nguyễn Thị Thúy chống gậy tìm lối đi đến trường.

Em trai Nguyễn Thế Tú không để chị thui thủi trên đường vắng, cậu đạp xe chở chị đi học. Những hôm trời mưa to gió lớn, dân Hiến Sơn thường gặp cảnh đứa em chở chị gái đến trường. Bước trơn bước trượt, xe mất phanh, chị em ngã xuống ruộng.

“Chị đừng nản, em và mọi người luôn bên cạnh chị”, Tú động viên. Trong mưa rơi, cảm nhận nỗi lạnh tái tê, Thúy nói: “Hay là chị bỏ học, để em đỡ khổ”. Tú lắc đầu.

Rồi một số bạn học cùng lớp vô tâm trêu chọc cũng khiến Thúy buồn. “Mi mù mà cũng đòi học chữ à”, vài đứa miệt thị. Có người túm tóc, giật áo trêu ghẹo. “Này, Thúy mù, về nấu cám cho lợn đi”. Mỗi lần như vậy, Thúy gục đầu xuống bàn, khóc.

Cô vùi đầu vào đèn sách, miệt mài. Kết quả học tập của nữ sinh khiếm thị trong những năm cấp 2, cấp 3 đã thay đổi cách nhìn của đám bạn đối với cô. Họ ngày càng xích lại gần Thúy hơn, sẵn sàng trợ giúp cô khi cần.

Vượt cửa ải

“Chủ tịch Hội Người mù Nghệ An Nguyễn Minh Đức cho biết, cách đây chưa lâu, Tỉnh hội liên hệ với một trung tâm đào tạo tại Vinh, đề nghị cho Nguyễn Thị Vân (cán bộ hội) học tiếng Anh, nhưng bị từ chối. Lý do, không có tiền lệ người mù đi học ngoại ngữ với những người bình thường”

Tốt nghiệp THPT, qua cửa ải đầu tiên, Nguyễn Thị Thúy nộp hồ sơ thi vào đại học. Nhưng thi thế nào? Trường nào tổ chức thi? Cô gõ cửa một trường thuộc đại học tại Vinh.

“Trường chúng tôi không nhận thí sinh mù”, ông hiệu trưởng từ chối. Vị hiệu trưởng này cho biết, chi phí thi cử cho người mù rất tốn kém, vả lại, nếu trúng tuyển thì nhà trường phải mất tiền cấp học bổng hàng tháng. Ngoài ra, trường con phải cử người giúp đỡ, kèm cặp trong quá trình học.

“Lằng nhằng và tốn kém lắm. Chúng tôi không nhận đâu. Trường cũng không đào tạo giáo viên chuyên dạy người khiếm thị” - Ông Hiệu trưởng kết luận.

Thúy bước ra khỏi căn phòng mát lạnh, hẫng hụt. Trên đường về, Thúy gục đầu vào vai chị khóc. “Bao năm qua em theo đuổi giấc mơ vào đại học, giờ tan vỡ. Ngay cả trường sở tại họ cũng không nhận mình, nói chi nơi xa xôi”, Nguyễn Thị Thúy tủi thân.

Cô chợt nhớ đến thí sinh cùng cảnh ngộ, Nguyễn Hữu Ất. Chàng trai mù tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu từng thi vào ĐH mấy năm trước.

Thúy điện ra Hà Nội, liên hệ với Trường Đại học Lao động - Xã hội. Trường cho biết sẽ xét tuyển sau khi các trường có kết quả thi. “Chỉ cần em có địa điểm thi tại Vinh, là có thể đạt được mơ ước của mình”, Thúy nói.

Một lần nữa, Thúy lặn lội xuống Vinh gõ tìm gặp ông hiệu trưởng nọ. “Chúng tôi đồng ý cho mượn địa điểm thi, nhưng cô phải tự vận động nhà trường nơi nộp hồ sơ để họ cử cán bộ vào coi thi”, ông này cho biết. Quả là đánh đố.

“Trường ĐH Lao động - Xã hội đã xét tuyển. Họ sẽ chẳng cử cán bộ từ Hà Nội vào Vinh coi thi, với một thí sinh mù lẻ loi như mình”, Thúy nghĩ.

Lần thứ ba

Thúy tiếp tục theo đuổi giấc mơ vào đại học. Cô dò hỏi khắp nơi, xem có trường nào cho thí sinh khiếm thị thi hay không. Bạn bè nói, tại Đại học Huế, nhiều người cảnh ngộ như cô được đi học. “Ban đầu, phòng đào tạo hơi ngại, nhưng cuối cùng trường cũng đồng ý cho em nộp hồ sơ tuyển sinh”, Thúy hào hứng.

Biết tin Nguyễn Thị Thúy có nơi thử sức, trường THPT Đô Lương 4 xôn xao. Bí thư Đoàn trường Lê Văn Tư vội vàng phóng xe xuống Vinh nộp đơn cho cô. Sáng đi, chiều thầy Tư về trường, buồn rầu: “Sở GD&ĐT Nghệ An không nhận hồ sơ”.

Lần thứ ba, Thúy nhờ chị gái đưa xuống Vinh. Cô  hỏi cán bộ tuyển sinh của Sở GD&ĐT Nghệ An: “Em đã liên hệ được trường để thi, tại sao  sở lại không nhận hồ sơ? Em mù, nhưng vẫn có quyền được đi học như mọi người chứ”.

Một cán bộ Sở GD&ĐT Nghệ An đứng ra xin lỗi cô vì sự sơ suất. Thủ tục đăng ký thi hoàn thành ngay sau đó. Cô đăng ký khoa Sử, ĐH Huế.

Hồ sơ đã gửi đi nhưng Thúy chưa hết lo. Những ngày chờ giấy báo thi cứ dằng dặc. Cuối cùng giấy báo thi cũng bay về làng.

Nguyễn Thị Thúy và mẹ bắt xe từ Đô Lương vào Thừa Thiên – Huế. Trước khi đi, Tỉnh hội Người mù Nghệ An trao cho cô giấy giới thiệu đến Tỉnh hội Huế. Thúy được những người đồng cảnh đón tiếp chu đáo, bố trí phòng trọ và một nhân viên hướng dẫn việc đi lại.

Bên cạnh cô, có vài thí sinh khiếm thị cùng dự tuyển. “Họ hỏi em ngoài đó có thầy dạy kèm không, có tài liệu dành riêng cho thí sinh mù không. Em trả lời là không. Từ trước tới giờ, em học chung cùng những người sáng mắt, không có ai kèm cặp, cũng chẳng có tài liệu bằng chữ nổi Braille để học. So với các bạn khiếm thị miền Trung, người mù như em thiệt thòi hơn nhiều”, Thúy kể. Đó là đòn tâm lý đầu tiên làm cô lo lắng. Với vốn kiến thức ít ỏi học được, Thúy sợ không làm nổi bài thi.

Tuy nhiên, ba buổi thi tại Đại học Huế, Nguyễn Thị Thúy làm bài với tâm trạng khá thoải mái. Cô trả lời các câu hỏi bằng chữ nổi Braille. Xong, lại đọc vào máy ghi âm.

Kết quả thi của Nguyễn Thị Thúy làm nhiều người phải sáng mắt. Mười chín điểm! Với thành tích đó, Thúy ung dung bước tới giảng đường. Sau Nguyễn Hữu Ất, cô là thí sinh khiếm thị thứ hai của Nghệ An, thi đậu đại học.

MỚI - NÓNG