Áo xanh tình nguyện xây dựng nông thôn mới

Anh Nguyễn Tường Lâm, Trưởng Ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn thăm các chiến sỹ tình nguyện Trường ĐH Tây Đô
Anh Nguyễn Tường Lâm, Trưởng Ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn thăm các chiến sỹ tình nguyện Trường ĐH Tây Đô
TP - Với sức trẻ, bầu nhiệt huyết của đội sinh viên tình nguyện Đại học Tây Đô, những con đường cũ kỹ, bùn lầy được nâng cấp, sửa chữa sạch, đẹp, cùng hàng cây xanh mướt, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới tại Sóc Trăng.

Cuối tháng 7/2020, vùng quê yên bình ở Sóc Trăng trở nên rộn ràng từ xóm, ấp đến thành thị với nhiều hoạt động của các chiến sỹ “áo xanh” tình nguyện. Tại xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) 30 chiến sỹ của Trường Đại học Tây Đô đang miệt mài phát hoang, làm cỏ, trồng hoa, trồng cây xanh ven hai bên đường, thắp sáng đường quê, tạo sân chơi cho thiếu nhi... Con đường dài hơn 10km ở 8 ấp trên địa bàn xã được các bạn cấp tập sửa chữa, nâng cấp dự kiến hoàn thành trước năm học mới.

Chị Lê Thị Mỹ Chi, Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Tú cho biết, xã đang phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí cuối cùng để về đích nông thôn mới vào cuối năm nay. Vì thế, các bạn chiến sỹ tình nguyện hè đang hỗ trợ tích cực giúp địa phương hoàn thành đúng tiến độ. “Tụi tôi làm hết việc chứ không hết giờ, bất kể mưa gió hay tối muộn gì cũng làm để hoàn thành kế hoạch đề ra, có hôm phải dầm mưa làm cho kịp”, chị Mỹ Chi tươi cười nói.

Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, mía. Đến nay, chưa có đường cho ô tô vào trung tâm xã. Mùa mưa lầy lội khó khăn khiến học sinh vất vả đến trường. “Từ khi các bạn sinh viên tình nguyện đến làm các công trình xây dựng nông thôn mới và làm sân chơi cho thiếu nhi thì không chỉ trẻ em mà người dân ở đây rất vui mừng”, chị Chi bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Luyến, ở ấp Mỹ Hòa (xã Mỹ Tú) dành những lời yêu thương cho “chiến sĩ áo xanh”: “Tuy thời gian ở lại không lâu nhưng các cháu sinh viên tình nguyện để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân qua cách ứng xử ngoan ngoãn, làm đẹp cho quê hương, đặc biệt là dạy học cho trẻ em nơi đây”.

“Ði dân nhớ, ở dân thương”

Bạn Nguyễn Nhật Trường, chỉ huy trưởng chiến dịch cho biết, toàn đội có 30 người, thực hiện chuyến tình nguyện trong thời gian 10 ngày. “Người cùng quê Sóc Trăng, có người khác quê nhưng khi chung một đội thì hòa nhịp rất nhanh. Ngày đầu bỡ ngỡ nhưng hôm sau bắt tay vào việc thì mọi người rất hăng say, trách nhiệm với công việc của mình”, Nhật Trường chia sẻ và cho biết, đội làm việc với phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương và làm dân tin”, với mục tiêu góp phần làm cho quê hương Sóc Trăng khang trang, sạch đẹp.

Với các chiến sỹ lần đầu tham gia tình nguyện, ngoài việc xây dựng những công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới, điều khiến các bạn cảm thấy lưu luyến nhất chính là tình cảm của người dân dành cho mình. Bạn Đặng Hồng Ngọc (quê Đồng Tháp) chia sẻ: “Tụi em làm công việc chân tay khá mệt nhưng được bà con thương, quý. Hầu như ngày nào dân cũng mang đồ ăn đến tận nơi, động viên nên các thành viên trong đội luôn cảm thấy vui vẻ, mọi mệt nhọc đều tan biến. Hơn nữa, cả đội dù ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đoàn kết nên lúc nào cũng có chuyện để cười”.

Anh Lâm Văn Tiền, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Đô cho biết, năm nay trường huy động 1.000 sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện ở 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạt động chính là tham gia xây dựng nông thôn mới, sửa các trục đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, nhà văn hóa ấp, xã.

Chị Võ Kim Chuyền, Bí thư Tỉnh Đoàn Sóc Trăng cho biết, chiến dịch tình nguyện hè năm nay tập trung xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa mô hình mới vào sản xuất. 

MỚI - NÓNG