Ba bước để ra khỏi rắc rối

Ba bước để ra khỏi rắc rối
TP - Theo chuyên gia tâm lý, việc gặp khủng hoảng và những biến cố ở lứa tuổi mới lớn là khó tránh khỏi. Nhưng làm sao để trẻ không bị tổn thương, không tiếp tục vấp ngã và giúp trẻ vượt khó khăn?...

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Ba bước để ra khỏi rắc rối ảnh 1

Ở tuổi mới lớn, giới trẻ cần sự quan tâm và chia sẻ của cha mẹ (ảnh minh họa)  .

Phóng viên Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Kim Quý, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia cố vấn đường dây 18001567 xung quanh vấn đề này.

Cha mẹ thường chưa hiểu chính mình

Tại sao nhiều bậc cha mẹ thường bối rối, thậm chí nổi giận với con cái khi xảy ra sự cố, rắc rối của trẻ vị thành niên?

Chính người lớn còn chưa hiểu nổi họ thì làm sao giúp được con mình? Khi tư vấn cho bố mẹ học sinh, tôi thường hỏi họ: “Dù đã có gia đình, nhưng các vị có bị bối rối hay xao lòng trước người khác giới không?”.

Hầu hết trong số họ đều thừa nhận là có trước những người họ yêu mến và họ cũng không tránh khỏi những hành động kỳ lạ, những ứng xử khác thường, thậm chí nhiều người còn sao nhãng hoặc hắt hủi gia đình...

Rõ ràng, họ là người có kinh nghiệm, có vị trí xã hội còn gặp những khủng hoảng thì trẻ em lại càng không thể tránh được. Ở lứa tuổi vị thành niên thì trẻ nào cũng gặp khủng hoảng, nhưng chúng khó khăn trong việc ra khỏi tình trạng đó hơn nhiều so với người lớn, bởi chúng thiếu kinh nghiệm lại không được chia sẻ.

TS có nhắc đến sự khủng hoảng, vậy nó xuất hiện như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển tâm lý của con người?

Trong cuộc đời mỗi người, thường thì cứ 10 năm lại gặp đợt khủng hoảng về tâm lý. Chu kỳ đầu tiên là lúc 3 - 6 tuổi. Tuy nhiên, ở mỗi đợt khủng hoảng tính chất đều khác nhau, và ở lứa tuổi càng cao sự khủng hoảng càng ít đi.

Đừng đóng kịch với trẻ!

Ba bước để ra khỏi rắc rối ảnh 2

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý

Trong rất nhiều trường hợp trẻ mắc lỗi, chúng thường im lặng và giấu không cho cha mẹ biết. Theo bà, tại sao trẻ lại lựa chọn giải pháp đó?

Hành động của trẻ xuất phát từ chính thái độ và ứng xử của bố mẹ đối với chúng hằng ngày. Nếu trẻ nói ra hoặc bị phát hiện về lỗi lầm đó, chắc chắn chúng lại bị nghe chửi bới hoặc bị đánh đập.

Theo giới chuyên môn về tâm lý, trẻ em là người cô đơn nhất! Khi khủng hoảng, chúng không những không được quan tâm đúng mức mà còn không ai hiểu và chia sẻ cùng chúng.

Hầu hết, chúng đều bị những người gần gũi nhất như bố mẹ, anh chị em, thầy cô hoặc những người lớn tuổi khác trong gia đình làm tổn thương bằng cách mắng chửi hoặc đánh đập.

Bởi thế, khi chúng gặp rắc rối, chúng thường bỏ đi, tìm đến những người bạn có hoàn cảnh tương tự để giãi bày, chia sẻ và giải tỏa. Vì thiếu kinh nghiệm lại đối mặt với nhiều cám dỗ, từ một đến hai đứa rồi thành đám bạn dần dà thành lêu lổng, trượt dốc và hư hỏng. Thật đáng sợ khi biết  nguyên nhân là trẻ rất cô đơn!

Nhiều bậc phụ huynh xin tư vấn có hỏi: Tại sao cháu nhà em cứ lỳ ra hoặc cãi lại gay gắt mặc dù chúng sai? Tôi trả lời họ bằng câu hỏi: “Các vị có thích nghe người khác suốt ngày chỉ trích, phê bình hay mắng mỏ không?”. Nếu ngày nào các vị cũng bị một người lớn tuổi hơn “lên lớp”, bắt phải thế này, thế kia, áp đặt vào một khuôn mẫu nào đó... chắc chắn, chẳng ai chịu được cả. Trẻ cũng thế, chúng thích được giảng giải những điều hay lẽ phải, thích được uốn nắn nếu sai nhưng phải có bài bản hẳn hoi.

Vậy để tiếp xúc và làm cho trẻ lắng nghe, theo biện pháp tâm lý sẽ tiến hành như thế nào?

Nhiều bậc cha mẹ vẫn dạy con theo cách “thương cho roi cho vọt”, dùng vũ lực để ép trẻ theo quy định của mình. Phương thức này, ban đầu trẻ sẽ sợ, không phản ứng ngay và làm theo,  nhưng lâu dài, trẻ sẽ không thoải mái về tư tưởng. Tâm trạng ức chế kéo dài khiến trẻ mắc các chứng bệnh về tâm lý và khó phát triển bình thường.

Phê bình cũng phải biết cách. Nên chọn thời gian chỉ có bố, mẹ với con. Khi trẻ sai, bố mẹ nên dành thời gian để tìm hiểu tại sao con lại sai, quá trình diễn biến thế nào? Xem xét mức ảnh hưởng của việc làm sai ảnh hưởng đến trẻ ra sao?...

Sau đó áp dụng quy tắc 3 bước: Nâng lên (khen) – Hạ xuống (chê) – Đưa ngang tầm (góp ý, đưa ra giải pháp khắc phục). Và bắt đầu tiến hành các bước: Xích dần – khi trẻ biết chúng sai bố mẹ gọi lại nói chuyện, lúc này trẻ chuẩn bị tâm thế ứng phó, phòng vệ để chuẩn bị chống đối, vì thế không nên phê bình ngay.

Để phá tâm thế đó, người lớn nên khen trẻ, có những việc gì trẻ làm tốt, ưu điểm của trẻ thì nhắc lại, cho dù là đứa trẻ ngỗ nghịch nhất cũng có ưu điểm. Sau khi động viên, khoảng cách tâm lý xích lại, trẻ bắt đầu cởi mở.

Sau đó đến bước thứ 2, bắt đầu phê bình trẻ. Bước cuối lại nâng lên, động viên khích lệ, đưa ra những giải pháp cụ thể để trẻ áp dụng khi gặp những hoàn cảnh, tình huống tương tự. Và câu động viên hiệu quả nhất thường là: “Bố (hay mẹ) tin là con sẽ làm được. Chắc chắn, lần sau con sẽ không mắc sai lầm ấy nữa...”.

Ai cũng nói, muốn giúp con phải làm bạn với con. Tuy nhiên, nhiều gia đình cố gắng thực hiện điều đó nhưng giữa con cái và bố mẹ vẫn tồn tại khoảng cách rất xa, vậy theo bà, đâu là lý do?

Phải hiểu đúng nghĩa của “người bạn”. Thực tế, nhiều bố mẹ lại “hoá thân” thành đứa trẻ để cùng chơi, cùng đùa... với con theo kiểu “cưa sừng làm nghé”. Điều đó thật nực cười! Trẻ rất nhạy cảm và thông minh, nó hiểu ngay là “ông bà đang đóng kịch!”. Và kiểu gần gũi ấy là không thành công.

Làm bạn với con phải là người bạn lớn. Đó là người bạn có kinh nghiệm, từng trải, có lòng yêu thương con, chăm sóc và vị tha... Bố mẹ phải hiểu được nhu cầu của con mình là gì, hiểu được những biến đổi tâm sinh lý theo tuổi của con và luôn luôn quan tâm đến con. Bằng kinh nghiệm của mình, giúp con vượt qua những vấp váp của cuộc sống. 

Phương Hiếu

Từ tháng 11/2006, Diễn đàn tuổi teen kết nối với Đường dây 18001567

Diễn đàn tuổi teen đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của bạn đọc cả nước, trong đó có nhiều tâm sự, thắc mắc cần sự chia sẻ và tham gia của các chuyên gia tâm lý.

Bắt đầu từ tháng 11/2006, những tâm sự của bạn trẻ cũng như bậc phụ huynh gửi đến Tiền phong sẽ nhận được sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý của Đường dây 18001567.

Trong trường hợp cần trả lời bằng văn bản, qua email hoặc thư, xin gửi về “Diễn đàn tuổi teen” – Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương – Hà Nội

Hoặc qua email: diendantuoiteen@gmail.com. Bộ phận phụ trách Diễn đàn tuổi teen sẽ kết nối với các chuyên gia tư vấn của Đường dây 18001567 để giải đáp, gỡ rối bằng văn bản gửi tới các em thông qua email, địa chỉ qua đường bưu điện hoặc qua điện thoại (gọi trực tiếp đến 18001567).

Những tình huống, hoàn cảnh có tính điển hình cao cần được nêu lên để mọi người chia sẻ, học tập và rút kinh nghiệm thì sẽ được đăng trên Diễn đàn tuổi teen.

Những cải tiến về nội dung, sự kết nối với Đường dây 18001567, Diễn đàn tuổi teen sẽ tiếp tục là người bạn tin cậy của lứa tuổi mới lớn.

TP

 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.