Ba bước phá thế “bị bao vây”

Ba bước phá thế “bị bao vây”
TP - Đọc bài “Tự sự của cô bé “nghiện” đàn ông”, tôi thấy mình có trách nhiệm phải “bắt chuyện” với Thanh Lan (nhân vật trong bài). Hy vọng với chút kiến thức và kinh nghiệm của mình, tôi có thể giúp được Thanh Lan ra khỏi hoàn cảnh éo le.

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Diễn biến tâm lý từ chỗ yêu đương nồng cháy, phấn khích trên mức bình thường đến chán chường, tuyệt vọng và cực đoan là không hiếm gặp ở các cô cậu mới lớn, không chỉ trong tình yêu mà cả những tình huống trong cuộc sống thường nhật.

Tâm trạng của Thanh Lan từ chỗ yêu quá đến thất vọng rồi chán ghét đàn ông trong tâm lý học gọi là khoảng trống, hoặc là điểm rơi. Bởi vậy, để ra khỏi tình trạng này cũng cần phải có cách (và xin lưu ý là chỉ có chính mình mới cứu được mình thôi).

Tôi tạm gọi cách ra khỏi những ưu tư, thất vọng dưới đây là Ba bước phá thế “bị bao vây”.

“Quét dọn” lòng mình: Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong đời người nên cứ 5 năm nhìn lại mình một lần để “quét dọn” lòng mình, “quét dọn” ưu tư, phiền muộn chất chứa. Việc này giống như ta bảo dưỡng động cơ xe vậy. Con người cũng thế, cần phải bảo dưỡng, cần phải làm mới để thể chất và tinh thần được khỏe khoắn hơn.

Trường hợp Thanh Lan, em có thể nhân  một số  dịp (đó là các dịp rất ý nghĩa ví dụ như: nhân sinh nhật tròn 24 tuổi của mình, nhân có thêm một người bạn, nhân dịp 5 năm ra trường, thậm chí nhân dịp 1 tháng mình gặp sự cố buồn…) dù nhỏ, dù bình dị nhưng có ý nghĩa với mình thì em có thể dùng nó để làm mốc thời gian, làm cớ để rửa sạch lòng mình, quét những rác rưởi ra khỏi tâm hồn mình để chuyển sang trang mới, giai đoạn mới với tâm trạng phấn chấn hơn…Tuy nhiên, hãy làm việc này một cách có dấu ấn, có điểm nhấn.

Ra khỏi căn phòng chất đầy kỷ niệm buồn: Ngồi lì trong căn phòng khép kín với bốn bức tường lạnh ngắt, bức bối hoặc nằm lì trên giường, là cách đẩy mình đến suy nghĩ tiêu cực. Càng suy nghĩ càng bị níu chân trong căn phòng, sinh ra tâm lý sợ ánh sáng, sợ ồn ào…

Vậy, ra khỏi căn phòng với không khí nặng nề ấy bằng cách nào?  Với Thanh Lan, em ngồi tĩnh tâm và hãy nhớ đến một số người bạn (có thể bằng tuổi hoặc lớn tuổi…) mà em cho rằng, đó là người vui tính, năng động và sẵn sàng chia sẻ, mở lòng với người ta.

Khi đã xác định được người có thể giúp mình em gọi điện gặp gỡ, rồi rủ nhau đi ăn thứ gì đó, xem thứ gì đó và sẵn sàng mở lòng trút hết những chuyện buồn cho người bạn mà mình tin tưởng. Chắc chắn căn phòng đã bao vây em bởi những kỷ niệm buồn sẽ bị “phá tan” bởi tiếng cười, bởi ánh sáng…

Gia nhập cuộc chơi và tìm một việc có ý nghĩa để làm: Khi bạn buồn thì thường đưa ra các lý do để xa lánh các cuộc vui. Một cuộc picnic với bạn bè đối với bạn sẽ chẳng có gì thú vị “cũng chỉ là đi chơi thôi mà”. Nhưng nếu thâm nhập vào cuộc chơi ấy bạn sẽ thấy mình được chia sẻ và khoảng cách vô hình giữa bạn và người khác sẽ bị xóa bỏ. 

Nếu đứng trước một cuộc vui ý nghĩa nào đó đừng đưa ra lời phản biện mà hãy tham gia cùng bạn bè để khám phá bản thân mình. Đây là cách mà bạn kết nối lại kênh giao tiếp của mình với bạn bè, cách để bạn chống lại sự cô đơn. Khi đó bạn sẽ thấy nỗi buồn của mình không “vĩ đại” như mình nghĩ.

Một điều vô cùng ý nghĩa là hãy tìm một việc (theo bạn là ý nghĩa, tâm huyết…) để làm. Lao động là sáng tạo, bạn hãy lao vào công việc, nỗi buồn sẽ không có chỗ để đeo bám.

Thanh Lan thân mến! Đừng cho rằng những quy tắc mà tôi đưa ra là không hiệu quả. Tôi mang đến cho bạn như một món quà mong bạn hãy thử áp dụng nó. Những quy tắc này tôi vẫn thường áp dụng thường ngày để diệt lo, diệt khổ. Với tôi thì quy tắc này là rất hiệu quả.

Chúc Thanh Lan sớm ra khỏi ưu phiền. Khi đó, hãy viết thư cho Diễn đàn tuổi teen, vì ở đó có nhiều người đang quan tâm đến bạn.

Thạc sĩ Nguyễn Công Trí

MỚI - NÓNG