“Bà đỡ” thanh niên làm giàu tại quê nhà

Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng thăm mô hình trồng mai của anh Phạm Văn Hoàn. Ảnh: Xuân Tùng.
Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng thăm mô hình trồng mai của anh Phạm Văn Hoàn. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Đồng hành, tư vấn và hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp, tổ chức Đoàn, Hội đã tổ chức nhiều sân chơi ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương.

“Nghĩ điên làm chất”

Với ý tưởng khởi nghiệp “cà phê nhai luôn ly” – vỏ ly đựng cà phê được làm bằng bánh cookie và chocolate trắng, khi uống xong có thể ăn luôn phần ly, Trần Thanh Tùng xây dựng được chuỗi cửa hàng cà phê Monkey in Black tại TPHCM. Chuỗi cửa hàng MiB đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên, sinh viên. Tuy nhiên, con đường thành công của Trần Thanh Tùng cũng đầy chông gai.

Tùng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM với tấm bằng loại ưu, đã từ chối lời mời về làm việc của nhiều công ty để tự tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp riêng. Tùng đã trải qua 4 lần khởi nghiệp với công nghệ, dịch vụ hẹn hò… nhưng đều thất bại vì thiếu kinh nghiệm, nguồn lực. “Có thời gian tôi đã phải gạt bỏ giấc mơ khởi nghiệp sang một bên để đi làm “trả nợ” cho những lần thất bại ấy”, Tùng nói. Sau thời gian bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt phụ giúp một người bạn làm quán cà phê, Tùng lại ấp ủ khởi nghiệp xây dựng cà phê cộng đồng với tiêu chí “Nghĩ điên làm chất”.

Gom góp được tiền vốn 200 triệu đồng, Tùng và một người bạn mở quán cà phê đầu tiên. Công việc không suôn sẻ như tưởng tượng, chi phí làm sản phẩm quá cao khiến thu không đủ bù chi, thậm chí có thời điểm, quán phải chạy tiền từng bữa để lấy hàng, trả tiền mặt bằng. Trong lúc khốn khó, nhóm của Tùng bất chợt nghĩ ra ý tưởng cà phê nhai luôn ly để tạo khác biệt thu hút khách hàng.

Thành công đã đến ngoài sức tưởng tượng. Với ý tưởng này, nhóm đã giành giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất của cuộc thi Startup Wheel năm 2015 do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) do Thành Đoàn TPHCM tổ chức. Chuỗi cửa hàng MiB đã thu hút được giới trẻ. Đặc biệt, với nguồn vốn hỗ trợ 350 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và nhiều hỗ trợ về đào tạo từ Vườn ươm doanh nghiệp trẻ của Thành Đoàn, Tùng và những người bạn đã giữ vững thương hiệu. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay MiB đã mở chi nhánh thứ 3 và có doanh thu tăng trưởng ổn định.

Từng tham gia các lớp học do Đoàn, Hội ở địa phương tổ chức, hướng dẫn; vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi do Đoàn Thanh niên quản lý, anh Phạm Văn Hoàn (SN 1985, ở thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, TX. Đông Triều, Quảng Ninh) đã rất thành công với mô hình chăn nuôi, trồng cây cảnh. Đến nay anh có hơn 20 nghìn m2 đất trồng mai với trên 2 vạn cây mai lớn, nhỏ ước tính trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng na, cam và nuôi lợn nái trên diện tích hơn 10 nghìn m2 đất vườn tạp.

Anh Hoàn cho biết, tổng doanh thu hàng năm đạt trung bình 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 700 triệu đồng; đảm bảo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng và 7-8 lao động thời vụ là thanh niên tại địa phương. “Tôi hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, các lớp chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để những đoàn viên, thanh niên như chúng tôi có điều kiện phát triển kinh thế, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương”, anh Hoàn nói.

Để khởi nghiệp không là phong trào

Thành công của Trần Thanh Tùng với chuỗi cửa hàng cà phê Monkey In Black hay mô hình trang trại của Phạm Văn Hoàn cho thấy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội khi tạo ra những cơ chế về vốn đầu tư, tư vấn kỹ thuật, kiến thức cho thanh niên phát triển kinh tế. Tại hội thảo Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022 mới đây, anh Hồ Tấn Đạt, đại diện Thành Đoàn TPHCM cho rằng, ngoài việc hỗ trợ vốn cho thanh niên, cần quan tâm tư vấn kiến thức. Sự chủ động của tổ chức Đoàn, sự quyết liệt, đi đến cùng sẽ tạo sự thuận lợi cho họ. Tạo vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp cần có sự liên kết với các sở, ngành, cần quan tâm đến vấn đề truyền thông khởi nghiệp…

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, khởi nghiệp không thể làm phong trào, mà phải làm bền vững, trong đó tập trung vào giải quyết nguồn vốn cho khởi nghiệp. “Cần có những cơ chế đặc thù trong việc cho thanh niên vay vốn, sử dụng những vốn xã hội hoá, thông qua kênh ngân hàng để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, tránh những thủ tục rườm rà. Ngoài ra, cần phân biệt rõ hai khái niệm “mô hình giúp thanh niên làm kinh tế” và “khởi nghiệp sáng tạo” để tránh sa đà vào việc làm phong trào, thiếu hiệu quả. Bên cạnh vốn, tổ chức Đoàn cần thể hiện vai trò đồng hành, hỗ trợ và định hướng thanh niên về hình thành chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm”, anh Việt đề xuất.

Để các mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả, ông Nguyễn Việt Phát, nguyên Trưởng Ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn cho rằng cần tập trung tổng kết, đánh giá các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên do Đoàn sáng tạo ra hoặc được tổ chức Đoàn hỗ trợ, phát triển để nhận dạng các mô hình có hiệu quả và tính phổ biến cao, có nhiều khả năng tiếp tục phát triển và nhân rộng để bàn giao cho nhiệm kỳ tới. Đoàn cần quan tâm đến các mô hình phát triển kinh tế gắn với các chương trình mang tính quốc gia như xây dựng nông thôn mới, khởi nghiệp…

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn Nguyễn Quốc Văn cho rằng cần xác định rõ tiêu chí của mô hình thanh niên phát triển kinh tế để có tính bền vững, hiệu quả. Mô hình kinh tế cần phải quan tâm tới các vấn đề lựa chọn sản xuất, tiêu chí về đánh giá sản phẩm, công tác thị trường, kỹ năng quản trị tài chính, nguồn vốn, chuyên gia tư vấn. Tổ chức Đoàn cần giúp thanh niên giải quyết các vấn đề này.

“Đoàn cần hoàn thiện lại những mô hình thanh niên xây dựng kinh tế đang có bằng việc phân tích, xác định những yếu tố (như tính cạnh tranh, thương hiệu, kết nối giao lưu...) còn thiếu trong các mô hình để bổ sung. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác kiểu mới; đẩy mạnh các hoạt động của tổng đội Thanh niên xung phong”, anh Văn đề xuất thêm.

“Cần có những cơ chế đặc thù trong việc cho thanh niên vay vốn, sử dụng những vốn xã hội hoá, thông qua kênh ngân hàng để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, tránh những thủ tục rườm rà. Ngoài ra, cần phân biệt rõ hai khái niệm “mô hình giúp thanh niên làm kinh tế” và “khởi nghiệp sáng tạo” để tránh sa đà vào việc làm phong trào, thiếu hiệu quả”.

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.