Ba ngày "lên chức" thầy cô

Ba ngày "lên chức" thầy cô
TP - Vào mùa thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), hàng nghìn sinh viên được huy động làm giám thị, cán bộ coi thi. Với họ, ba ngày "lên chức" cô thầy thật nhiều niềm vui và lo lắng

Vừa bước ra khỏi điểm thi trường THPT Tư thục Quang Trung (đường Đỗ Quang – Đà Nẵng), bạn Nguyễn Hữu Dần, sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Cơ khí giao thông (ĐHBK Đà Nẵng) – giám thị coi thi ở điểm trường này thở phào: “Kết thúc xong môn thi hóa là em an tâm, chứ mấy ngày qua hầu như mất ăn, mất ngủ. Lo lắng từ giờ giấc đến việc đảm bảo ở trong giờ thi”.

Ba ngày "lên chức" thầy cô ảnh 1

Sinh viên Nguyễn Hữu Dần tự hào với bảng tên “Cán bộ coi thi” trước điểm thi trường Quang Trung (Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Huy

Ở trọ trên khu KTX ĐHBK đường Nguyễn Lương Bằng, cách điểm thi đến hơn chục cây số, mỗi sáng, Dần dậy từ năm giờ, tranh thủ để có mặt tại điểm thi đúng sáu giờ. “Bọn em phải có mặt đúng giờ, nghe các điểm trường triển khai kế hoạch, nhắc nhở lại quy chế thi, bốc thăm số phòng, lần đầu nên ai cũng dặn mình phải tự cẩn thận” - Dần tâm sự.

Để có được suất coi thi, sinh viên năm cuối các trường ĐH trên địa bàn phải làm giấy đăng ký, rồi chờ xét tuyển.

“Em quê Nghệ An, đang định về quê thì nhận được thông báo ở lại làm giám thị. Hồi hộp nhưng oai vì được gọi là thầy cô”, Hoàng Thế An (sinh viên năm tư - ĐHBK Đà Nẵng), coi thi tại điểm Trường Kiến trúc chia sẻ.

Hoàng Anh Thắng (sinh viên năm 4 - ĐHBK) – giám thị coi thi cùng trường ĐH Kiến trúc vui kể, nhìn sĩ tử đi thi lại nhớ hoàn cảnh của mình bốn năm trước. Mỗi lần giải đáp những thắc mắc trước giờ thi cho các bạn lại thấy vui vui. Đặc biệt khi ký vào tờ giấy thi của các thí sinh thấy mình trưởng thành hơn nhiều.

... Nhưng không ít áp lực

Không khí buổi tập huấn cho các cán bộ, giám thị coi thi được ĐH Đà Nẵng tổ chức tại Hội trường Viện Anh ngữ (Lê Duẩn – Đà Nẵng) vài ngày trước khi bước vào đợt thi tuyển không kém phần căng thẳng, lo lắng bởi hàng loạt câu hỏi của những sinh viên lần đầu làm giám thị.

Cả hai đợt tuyển sinh đại học, Đà Nẵng huy động gần 4.000 cán bộ coi thi, trong đó có 1.905 là sinh viên các trường đại học trên địa bàn. Với các sinh viên, hình thức kỷ luật cao nhất nếu vi phạm sẽ là đuổi học, treo bằng.

 “Ngoài thắc mắc của công việc giám thị, coi thi, bọn em hỏi đủ điều. Từ việc phải mặc trang phục gì, đến tác phong, ăn nói như thế nào khi coi thi. Có bạn còn định về nhà may gấp áo dài để ra dáng đúng là cán bộ coi thi nữa”, Nguyễn Hoài Thương (sinh viên Kinh tế) – coi thi tại điểm trường CĐ Công nghệ (đường Cao Thắng – Đà Nẵng) nhớ lại.

Dậy sớm, có mặt ở điểm coi thi cả tiếng đồng hồ trước khi thí sinh đến làm thủ tục, áp lực lớn nhất với các giám thị coi thi này còn là nguy cơ có thể mắc sai phạm và lĩnh án kỷ luật.

 “Tập huấn kỹ, nhưng ngày nào thi cũng không ngớt hồi hộp anh ạ. Lỡ chẳng may có vấn đề gì,  phải lĩnh án kỷ luật ở mức treo bằng thì khóc ròng” - Nguyễn Tấn Việt (sinh viên năm 4, ĐH Kiến trúc) chia sẻ. Nguyễn Hữu Dần cũng trần tình “Trách nhiệm nặng nề nhưng bọn em vẫn muốn tham gia để có niềm vui kỷ niệm đời sinh viên”.

Đáng nhớ nhất là với N.V.T - sinh viên coi thi ở điểm trường THCS T.V (Đà Nẵng) với sự cố do vô tình ở ngay môn thi thứ nhất: “Theo quy định, các cán bộ coi thi phải ký ở phòng hội đồng, rồi ở bì niêm phong các bài làm thi. Nhưng khi về em vội quá, quên ký vào bì niêm phong bài thi môn toán. Đến chiều, lúc nghe điểm trưởng phổ biến chung, nhắc đến trường hợp của mình mà lo ngay ngáy. May mà sau đó, em không bị kỷ luật” – T. chia sẻ.

MỚI - NÓNG