Ba ngày ở Simacai

Ba ngày ở Simacai
TPO - Từ Hà Nội lên Lào Cai phải đi qua Yên Bái. Đoạn đường đó thật “dễ thở”. Đường bằng phẳng, xe chúng tôi lăn nhanh theo tiếng hát vui vẻ của những kẻ đi tình nguyện, trái tim được bơm đầy nhiệt huyết.

Tuy nhiên, tới thành phố Lào Cai rồi đi ngược lên Simacai lại là cả một thử thách. Đường đi đã hẹp, lại gồ ghề và khá trơn vì trước đó trời mưa. Càng lên cao, hai tai tôi càng ù đặc. Ngay cả đến những người quen đi nhất cũng cảm thấy khó chịu, nhiều người nằm ẹp xuống, nhắm mắt và chờ mong cho nhanh nhanh tới đất của đồng bào.

Ba ngày ở Simacai ảnh 1
Đường đi khó

Đây là đợt ra quân tình nguyện vùng sâu vùng xa đầu tiên của đội sinh viên tình nguyện Sức Trẻ thuộc học viện Báo Chí và Tuyên truyền trong mùa hè này, cũng rất có thể là chuyến tình nguyện xa nhà đầu tiên của sinh viên thành phố, khởi đầu một mùa tình nguyện mới lại đến.

Trong đoàn chúng tôi đi đã có người lên Simacai thực tế trước. Biết rằng đây là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn nên khả năng hoạt động tình nguyện đợt này sẽ gặp nhiều trở ngại. 

Chúng tôi chỉ có thể tận dụng 3 ngày nghỉ lễ để làm tình nguyện do vậy không có đủ thời gian tiếp xúc với đồng bào, chưa kể phần đông đồng bào không nói được tiếng Kinh mà sinh viên cũng hiếm lắm những người thông thạo tiếng Mông. Tuy nhiên hy vọng và cố gắng vượt qua tất cả, chúng tôi quyết định khoanh vùng tình nguyện: tập trung mọi hoạt động ở xã Cán Hồ, Simacai.

Thật đặc biệt, ấn tượng đầu tiên về Cán Hồ không phải là cái được dự đoán trước trong suy nghĩ mỗi người chúng tôi – sự nghèo đói, nhếch nhác, mà đó lại chính là tình đoàn kết, lòng hiếu khách và tình cảm yêu mến mộc mạc nhưng chân thành của đồng bào dành cho các sinh viên tình nguyện.

Sau 1 tiếng giao lưu, thêm 1 tiếng ổn định chỗ ăn ở trong 3 ngày, ngay đầu giờ chiều, chúng tôi đã bắt tay vào công việc. Kết hợp cùng đoàn tình nguyện chúng tôi còn có đại diện của Tỉnh ủy Lào Cai, các cán bộ công an xã, Đoàn thanh niên xã và một anh cán bộ tăng cường làm việc rất tích cực. Buổi chiều thứ nhất, chúng tôi đi tìm hiểu cuộc sống của đồng bào và thăm những gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Trên đường đi, anh cán bộ tăng cường người miền xuôi lên nói với tôi: “Lên Cán Hồ để thấy khát. Đây chính là vùng đất khô hạn nhất của Lào Cai. Tuy rằng đã tài trợ giúp đồng bào làm hệ thống dẫn nước nhưng vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm. Các em cứ nếm trải vài ngày rồi sẽ thấy”. Câu nói của anh được chứng minh đúng trong 3 ngày chúng tôi sống ở nơi đây.

Người dân Cán Hồ đã nghèo khó, những gia đình hoàn cảnh khó khăn ở nơi đây còn nghèo khó gấp bội. Bước vào căn nhà thứ nhất, chúng tôi phải bước qua những đống phân trâu cả mới lẫn cũ vương vãi từ cửa tới tận chân giường ngủ. Biết rằng dựng chuồng trâu trong nhà là phong tục của đồng bào nhưng dẫu sao cái mùi ngai ngái của phân trâu  vẫn ám ảnh chúng tôi ngay cả khi đã về lại thành phố.

Căn nhà này là “nhà đoàn kết” do xã lập nên giúp đỡ mấy anh em Giàng Seo Say trước cảnh côi cút, nghèo đói. Bố Say mất vì rượu, mẹ mất chẳng rõ nguyên nhân. Đang đi nghĩa vụ, anh được ưu tiên trở về, rồi phải cày lưng nuôi cả một đàn em. Giờ xã đã giúp cho Say có thêm được một con trâu tốt, hy vọng rằng cuộc sống mới tốt đẹp hơn sẽ mở ra trước mắt anh.

Tuy nhiên, nghèo đói và bệnh tật đâu chỉ làm khổ riêng một gia đình. Đi một vòng Cán Hồ, chúng tôi còn phải chứng kiến nhiều gia đình khác còn nghèo đói, khổ sở hơn nữa. Bệnh tật không biết từ đâu đến, nhiều người chết không rõ nguyên nhân, nhiều đứa trẻ phải đi nương đi rẫy thay vì đi học. Các em khát chữ, khát tình yêu và sự quan tâm chăm sóc.

Thầy hiệu trưởng trường tiểu học Cán Hồ tâm sự: “Trời nắng thì lo hạn, nhưng trời nắng thì yên tâm rằng lũ trẻ sẽ đi học đầy đủ. Trời mưa không sợ thiếu nước nữa nhưng lại phải chấp nhận thực tế rằng hôm đó rất nhiều học sinh sẽ không thể tới trường vì đường đi rất khó, rất nguy hiểm”.

Ba ngày ở Simacai ảnh 2
Phút giao lưu

Người Mông thích sống trên cao, có khi một quả núi chỉ có 2, 3 cái nóc nhà. Chúng tôi nhớ tới lúc đi thăm đồng bào, để đi tới được 5, 6 gia đình, đoàn đã phải mất cả một buổi chiều leo đèo leo núi. Đường đi ngày thường đã khó huống gì những hôm mưa giông gió bão.

Ở đây khí hậu khắc nghiệt, không có rau. Chỉ măng đắng thì lúc nào cũng sẵn. Muốn ăn rau, chúng tôi phải đi nhờ một chuyến xe máy xuống tận thị trấn Simacai cách đây cả chục cây, rồi mắm muối cũng phải xuống đó mua. Tuy nhiên đồng bào mấy nhà có xe máy mà đi? Chủ yếu nhân dân đi bộ.

Thức ăn chính của người dân là Mèn mén (ngô xay), được xem như cơm của người miền xuôi. Nhưng qua ngày qua tháng, đồng bào cũng chỉ một món đó, hôm nào "xa xỉ" mới có thêm rau nấu canh còn thịt thì hiếm. Muối, mì chính, nước mắm không phải lúc nào cũng có sẵn trong nhà.

Giá như có thêm thời gian, chúng tôi có thể hướng dẫn cho đòng bào nhiều điều về vệ sinh thường thức, trồng trọt một số loại rau, tuy nhiên trong 3 ngày, chúng tôi chỉ có thể tới thăm một số gia đình khó khăn để động viên, trao quà. Tổ chức một buổi chiếu phim, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, HIV – AIDS, thông qua nhà trường, gửi tặng các em học sinh những bộ quần áo, sách vở để các em học tập tốt hơn.

Nói 3 ngày là ngắn ngủi, nhưng để làm được những việc trong 3 ngày như thế, đoàn tình nguyện đã phải mất gần một tháng trời làm công tác vận động ủng hộ, xin tài trợ trong và ngoài thành phố. Đội sinh viên tình nguyện Sức Trẻ đã kết hợp với nhiều trường trung học, phổ thông quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Ngoài ra, đội còn nhận được tài trợ từ các cá nhân, nhà xuất bản giáo dục và công ty máy tính truyền thông 3C… Tất cả mọi sự trợ giúp ấy đã trở thành món quà đầy ý nghĩa, giúp đỡ tích cực cho đồng bào, đặc biệt là các em học sinh trong việc học tập đạt kết quả tốt hơn.

Ba ngày ở Cán Hồ, Simacai tuy không đủ cho những dự định, mong muốn của các bạn trẻ trong việc giúp đỡ nhân dân nhưng những gì chúng tôi cảm nhận được về cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây đã trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục những kế hoạch tình nguyện “dài hơi” hơn trong thời gian tới.

Ba ngày cũng là khoảng thời gian để hình thành sợi dây liên kết tình cảm giữa đội sinh viên tình nguyện với nhân dân. Tôi còn nhớ mãi ấn tượng lúc ra về: Nhiều em nhỏ, đồng bào đã ra tận cửa vẫy tay chào chúng tôi, mong chúng tôi trở lại. Tạm biệt Cán Hồ, tạm biệt Simacai. Mong rằng trong thời gian sớm nhất, những thanh niên tình nguyện chúng tôi sẽ được trở lại để giúp đỡ đồng bào nhiều hơn, thiết thực hơn.

Diệp Sa

MỚI - NÓNG