“Bác sĩ” của những chuyến bay

“Bác sĩ” của những chuyến bay
Giỏi chuyên môn, chịu khó học hỏi cộng với sự linh cảm nghề nghiệp đặc biệt, kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Lượng đã thực hiện ước mơ của mình: “Trị bệnh” cho máy bay
“Bác sĩ” của những chuyến bay ảnh 1
Kỹ sư Nguyễn Minh Lượng đang kiểm tra kỹ thuật máy bay trước khi cất cánh

Năm 2005, kỹ sư Nguyễn Minh Lượng, đội bảo dưỡng sân bay Đà Nẵng được Hãng Hàng không Silk Air (Singapore) ký hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.

Đây là một quyết định mà nhiều người nói là chưa từng thấy, bởi ít hãng hàng không nào dám gửi gắm sự an toàn của hành khách cho một kỹ sư chưa đủ bằng cấp, vốn được đào tạo ban đầu từ trường... thủy lợi.

Chống lụt không thành

Sinh ra ở vùng đất Hưng Nguyên, Nghệ An quanh năm nghèo đói do bão lụt, ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Minh Lượng đã ước mơ được vào học ở trường thủy lợi. Đơn giản là để khi ra trường, cậu có đủ kiến thức chống lụt cho đất quê mình.

Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng cơ khí thủy lợi, nhưng cả năm trời đi xin việc, ở đâu Lượng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: Hết biên chế, không có nhu cầu.

Đang lúc buồn chán, nghe anh trai giới thiệu Học viện Hải quân Nha Trang đang tuyển người. Tạm gác giấc mơ... chống lụt sang một bên, Lượng xách ba lô vào Nha Trang, thi vào làm giảng viên của Học viện Hải quân, chuyên ngành cơ điện.

Dạy được một năm, năm 1994, nghe tin Vietnam Airlines tuyển kỹ sư các ngành điện, điện tử, cơ khí để đào tạo lại thành kỹ sư của ngành, anh Lượng đi thi ngay. Thi ngay rồi đậu ngay, thế là lại khăn gói ra Hà Nội học tại Học viện Không quân và sau 1 năm thì trở lại Đà Nẵng với chứng chỉ sửa chữa máy bay TU 134.

Anh tâm sự: “Ban đầu chỉ là thi cho đỡ chán khi giấc mơ kỹ sư thủy lợi của mình không thành, nhưng càng gắn bó với những con chim sắt, càng thấy yêu nghề hơn, càng thấy mình không thể chỉ dừng lại ở chứng chỉ sửa máy bay TU được”. Một lần nữa, anh lại lao vào đọc sách, tự học tiếng Anh để có cơ hội ra Hà Nội học sửa chữa những máy bay cao cấp hơn như A320, A321 và Boeing.

Năm 1999, sau nhiều vòng kiểm tra gắt gao của cả chuyên gia trong nước và nước ngoài, anh đã có được chứng chỉ sửa chữa máy bay A320. Chứng chỉ sửa máy bay A320 lúc ấy, cả miền Trung chỉ có 3 người, trong đó anh Lượng trẻ nhất, 29 tuổi.

Người được Silk Air chọn

Sửa chữa máy bay không phải là việc đơn giản, nhất là trong môi trường một sân bay nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn như Đà Nẵng. Nó đòi hỏi người ta phải tự học, tự cập nhật kiến thức liên tục để không thua chị kém em.

Niềm đam mê làm chủ công nghệ cao luôn thôi thúc chàng kỹ sư xứ Nghệ này. Suốt nhiều năm liền, anh Lượng luôn tự học tiếng Anh để có thể đọc tài liệu gốc và trao đổi với các chuyên gia nước ngoài.

Năm 2005, sau khi đã lấy thêm chứng chỉ sửa chữa máy bay A321 với những khóa đào tạo ngắn ngày tại Anh, Đức và Mỹ, anh Lượng cũng là lựa chọn đặc biệt của hãng Silk Air khi hãng hàng không này đưa máy bay vào khai thác tại VN.

Thông thường, các hãng hàng không nước ngoài chỉ thuê VN đặt chèn, nạp nhiên liệu, kiểm tra máy bay vòng ngoài, nhưng Silk Air (sau khi kiểm tra hệ thống ở Đà Nẵng) lại đưa ra quyết định táo bạo như thế. Lúc này, anh Lượng mới chỉ có chứng chỉ A (chứng chỉ này mới chỉ cho phép sửa chữa máy bay và làm một số sửa chữa định kỳ nhỏ), trong khi theo quy định phải có chứng chỉ B (cho phép khai thác máy bay sau khi sửa chữa).

Anh Lượng cho biết: “Với hợp đồng này, tôi vừa mừng (cả tự hào nữa) mà lại vừa lo, vì trách nhiệm rất nặng nề, trong khi mình chưa đủ bằng cấp. Nếu có trục trặc gì, mối quan hệ với phía Singapore sẽ rất khó khăn”.

Giấc mơ chinh phục Boeing 777

Niềm tự hào lớn nhất của Nguyễn Minh Lượng từ khi vào làm ở sân bay Đà Nẵng là hàng ngàn chuyến bay cất - hạ cánh an toàn, chưa có chuyến nào bị hủy do hỏng hóc.

Không kể nhiều về bản thân, nhưng ở chàng kỹ sư trẻ này luôn cháy bỏng ước mơ làm chủ công nghệ, “trị bệnh” cho tất cả các loại máy bay. Đồng nghiệp ví anh là “bác sĩ” của những chuyến bay.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Lượng với Silk Air chính là vụ máy bay của hãng này mất tới 35 phút mới đáp được xuống sân bay Đà Nẵng. Máy bay không thể hạ cánh ngay do cánh tà (hãm đà) bị trục trặc, có nguy cơ trượt khỏi đường băng. Trên máy bay, cơ trưởng gần như không giữ được bình tĩnh.

Dưới mặt đất, anh phải liên tục liên lạc với phía Singapore, kiểm tra chuyên môn và hướng dẫn kỹ thuật cho cơ trưởng. Sau cùng chuyến bay cũng hạ cánh an toàn. Cơ trưởng, tiếp viên và hành khách thở phào nhẹ nhõm.

Lần khác, đang ở nhà, anh em gọi anh phải vào sân bay ngay vì cần làm một bài test điện thủy lực khẩn cấp, máy bay hỏng không bay được. Bài test này, ngay cả ở xí nghiệp sửa chữa máy bay A76 cũng chưa làm. Nhờ kiến thức sâu rộng và linh cảm nghề nghiệp, anh đã “trị” được chiếc máy bay này.

Miệt mài học, làm việc, nghiên cứu, tháng 12-2005, anh Lượng là người đầu tiên ở miền Trung lấy được chứng chỉ B đối với máy bay Airbus. Giấc mơ lớn của anh bây giờ là phải thi lấy cho được chứng chỉ sửa chữa máy bay Boeing 777 trong thời gian tới. Việc học lý thuyết ở Đức và Trung Quốc đã xong, sắp tới anh sẽ thực hành ở Hà Nội và TPHCM...

Theo Hoàng Lan Anh
Người Lao Động

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.