Bài cuối: Thế giới bí mật của ảo thuật gia

Màn biểu diễn bút xuyên tiền
Màn biểu diễn bút xuyên tiền
TP - Hàng vạn bạn trẻ say mê ảo thuật cũng vì muốn khám phá thế giới huyền bí của ảo thuật gia. Trong khi đó, nhiều ảo thuật gia trẻ lại vi phạm nguyên tắc vàng khi tiết lộ bí mật.

>>Bài 2

Màn biểu diễn bút xuyên tiền
Màn biểu diễn bút xuyên tiền.

Hưng, cao thủ ảo thuật thuộc nhóm CODE (Hà Nội), tuôn ra tràng chú ngữ thần bí, điếu thuốc lá bất động trên mặt bàn từ từ nhúc nhích, rồi lơ lửng bay lên giữa đôi bàn tay đang thực hiện những động tác kỳ lạ trong không trung. Đám bạn cùng lớp tròn mắt, không tin những gì đang diễn ra. Tiếng vỗ tay, cùng lời khen tíu tít của bạn gái khiến Hưng sướng rơn người. Học lỏm được từ ông anh họ, Hưng tỏ ra xứng đáng được hưởng sự khen tặng cổ vũ sau cả tuần nỗ lực tập màn biểu diễn trên. “Làm lại đi”, “Cậu làm thế nào vậy? Chỉ tớ với”...

Trước sức ép của người hâm mộ cùng lớp, Hưng phải tiết lộ bí mật... “Tưởng gì, hóa ra chỉ có thế”, thay bằng ánh mắt ngưỡng mộ, bạn cùng lớp lại tỏ ra xem thường sau khi biết hết bí mật. “Đó là bài học đầu tiên mà em nhận được. Bí mật của ảo thuật gia là không được tiết lộ bí mật”, Hưng thổ lộ. Mặt khác, trước khi diễn, ảo thuật gia cũng không được nói rõ kết quả và trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm không được diễn một trò hai lần.

Ảo thuật gia Bảo Ninh, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) ảo thuật Miền Bắc (Liên chi hội xiếc Việt Nam), nhấn mạnh đây là quy tắc bắt buộc mà những ai thực sự muốn trở thành ảo thuật gia phải tuân thủ. “Đặc trưng của ảo thuật là nghệ thuật gây sự tò mò, huyền bí và đem đến cho khán giả bất ngờ. Nếu nói ra bí mật, nó không còn hấp dẫn nữa. Khán giả sẽ không bị bất ngờ khi xem bạn trình diễn, sẽ đoán được những gì bạn sẽ diễn”, ảo thuật gia Bảo Ninh nói.

Hầu hết cao thủ trong giới trẻ chơi ảo thuật thú nhận từng không giữ được bí mật của mình trước bạn bè, người thân. Giới trẻ chơi ảo thuật vẫn truyền miệng nhau câu chuyện của Tony Quang, ảo thuật gia nổi tiếng được công nhận là hội viên chính thức của IBM (Hiệp hội Ảo thuật gia anh em quốc tế).

Một lần Tony Quang tham dự buổi diễn của vua ảo thuật David Copperfield tại Las Vegas (Mỹ). Trong tiết mục đưa một khán giả đến gặp người thân trên bất kỳ nơi nào trên thế giới, Tony Quang xung phong lên sân khấu đầu tiên. Tuy nhiên, David Copperfield nhận ra Tony Quang và từ chối.

“Họ là ảo thuật gia chuyên nghiệp và có thể biết bí mật trò diễn của nhau. Khán giả đã biết bí mật thì ảo thuật gia không thể diễn một cách hứng thú”, Kaka Thông, thành viên CLB ảo thuật Cộng đồng những bí mật S.O.S, giải thích.

Đồ nghề ảo thuật

Cũng theo Kaka Thông, đôi lúc phải trả hàng triệu đồng để mua 1 trò ảo thuật nhỏ, nhưng cái bạn nhận được chỉ là một đồ vật bình thường kèm theo lời giải thích đơn giản về cách thực hiện trò đó. “Nhiều người mới bước chân vào ảo thuật có thể cảm thấy như bị lừa. Đó là cái giá của bí mật. Giá trị nhất của trò ảo thuật là ý tưởng và bí mật của nó...”, Kaka Thông nói.

Thông cho biết thêm, theo sự phát triển của phong trào chơi ảo thuật trong giới trẻ hiện nay, thị trường đồ nghề ảo thuật, shop ảo thuật cũng xuất hiện nhiều. Đặc biệt khá nhiều dụng cụ ảo thuật, nhiều trò ảo thuật của thế giới cũng được nhập về qua đường xách tay, qua internet...

Phổ biến nhất là bài Tây, nhẫn nam châm, dây tàng hình, đĩa dạy ảo thuật... Chúng có công dụng nhất định và là chìa khóa để các ảo thuật gia biểu diễn trò của mình. Chẳng hạn như nhẫn nam châm là loại nhẫn đặc biệt có một phần hoặc toàn bộ chế bằng nam châm, có từ tính mạnh dùng để tạo các hiệu ứng làm chuyển động đồ vật bằng sắt, làm bay đồ vật bằng sắt, làm xu đứng yên, bẻ cong thìa, làm dừng kim đồng hồ, làm xu xuyên chai, làm quân bài chạy...

Giá của những đạo cụ này không đắt lắm vì chúng khá thông dụng: Nhẫn nam châm giá trên dưới 1 triệu đồng/chiếc; bài Tây 350.000 đồng/ bộ; bút xuyên tiền chỉ 150.000 đồng; điếu thuốc xuyên đồng xu giá 500.000 đồng... Tuy nhiên, có những trò ảo thuật, đạo cụ mới xuất hiện, chưa được phổ biến có giá lên tới vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng...

MỚI - NÓNG