Bán bánh bao, làm thợ nề để học

Bán bánh bao, làm thợ nề để học
TP - Gia đình Hồ Bảy ở vùng quê nghèo An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế. Cha em là Hồ Ngàn, 66 tuổi sống bằng nghề bán bánh bao liên tỉnh để lấy tiền nuôi đàn con ăn học.
Bán bánh bao, làm thợ nề để học ảnh 1
Hồ Bảy hàng ngày đạp xe gần 25 km để tiết kiệm chi phí

Nhà Bảy có tám anh chị em, chỉ có bốn em sau được ăn học tới nơi, tới chốn. Bảy là niềm tự hào của gia đình bởi em là người duy nhất học đại học. Năm nay Hồ Bảy đang học năm cuối lớp Công nghiệp và công trình nông thôn K40, khoa Cơ khí công nghệ, ĐH Nông lâm Huế.

Chi phí sinh hoạt cho gia đình đặt lên vai bố và người anh thứ tư đang lao động ở miền Nam. Để việc học không trở thành gánh nặng, mùa hè hằng năm, Bảy theo chân anh trai thứ ba vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An bán bánh bao. Mỗi ngày, Bảy cùng anh đi vài chục cây số để mưu sinh.

“Nắng mưa chi cũng đi, có hôm về nhà em nằm lăn ra ngủ không biết trời đất. Mỗi ngày em phụ anh trai bán lời được 20 nghìn - 30 nghìn đồng. Hết hè, anh trai trích cho em ít chi phí ra Huế để học tiếp” - Bảy kể.

Chàng trai quê vùng đầm phá luôn ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình nên chăm chỉ và quán xuyến nhiều việc. Mỗi khi về nhà, Bảy lăn xả vào làm mọi việc, từ đồng ruộng cho đến chăn nuôi. Hàng xóm, láng giềng hễ ai thuê làm gì Bảy đều nhận hết.

Có khi Bảy xin mẹ vốn gầy đàn vịt ở nhà kiếm tiền mua xe đạp; khi lại tìm sách học chăn nuôi thỏ. Tìm đến một chủ trang trại thỏ ở thành phố Huế, Bảy thật thà trình bày hoàn cảnh, vậy là được ông chủ giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình.

Hằng ngày, Bảy đạp xe lên về gần 25 km để tiết kiệm chi phí nhà trọ. Việc chi tiêu của Bảy hết sức tằn tiện. Vở học của Bảy chỉ có ba cuốn ghi chung các môn học; tài liệu nhiều khi phải phô tô học tạm.

Năm vừa qua, do học thêm ngoại ngữ và vi tính, Bảy ở lại thành phố xin làm phụ thợ nề cho một công trình xây dựng. Công việc bắt đầu từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều.

Da Bảy đen nhẻm, tay chân nhiều vết trầy xước. Đến lớp học thêm vi tính ban đêm, nhiều khi Bảy ngủ vùi trên bàn vì mệt. Biết hoàn cảnh đặc biệt nên thầy giáo tạo điều kiện cho Bảy thực hành thêm thời gian so với các bạn khác.

Hiện Bảy vẫn vừa đi học vừa phụ thợ nề cho các công trình kiếm thêm chi phí cho năm học mới. Khó khăn của Bảy chính là quỹ thời gian eo hẹp. Bảy cho biết: “Học phí năm nay tăng, em lo lắm nhưng sẽ cố xoay xở. Em dự định sẽ phát triển chăn nuôi thỏ để đỡ bớt gánh nặng chi phí học tập”.

MỚI - NÓNG