Bản lĩnh thép của cô gái cao 90cm, nặng 28kg

Bản lĩnh thép của cô gái cao 90cm, nặng 28kg
TP - Chủ cửa hàng Thế giới bà đầm Âu Cơ trên đường Hà Nội, TP Huế là một người đặc biệt. 29 tuổi, cao 90cm, nặng 28kg, di chứng chất độc da cam từ người cha đã khiến Trần Thị Hoài Anh mãi mãi mang hình hài của một “cô bé”.

Căn nhà mái ngói nằm ẩn mình phía sâu bên trong Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thừa Thiên - Huế, bên đường Ngô Quyền đã chứng kiến bao sóng gió trong cuộc đời cô. Bố mẹ quen nhau từ chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.

Sau ngày đất nước thống nhất, hai người kết hôn với nhau. Từ quân ngũ trở về, người cha với 2 bàn tay trắng, thêm vào đó là luôn bị vết thương hành hạ nên khả năng lao động của ông ngày một sút giảm. Mẹ từ cô thanh niên xung phong vùng Bình Trị Thiên cũng đã theo học để trở thành y tá.

Những đồng lương ít ỏi của mẹ là nguồn thu nhập chính của cả gia đình 4 miệng ăn. Cái nghèo lại càng thêm “dày” khi trở trời, vết thương của cha tái phát, mẹ tất tả chạy vạy khắp nơi vay tiền mua thuốc men cho bố.

Chị gái đầu sinh ra lành lặn. Sự nghiệt ngã đến với gia đình khi Hoài Anh chào đời. Đó là di chứng quái ác của chất độc điôxin từ người cha. Cả nhà quyết tâm giữ lại sinh linh bé nhỏ ấy, dù có nhiều lời khuyên rằng, nên gửi vào… trại trẻ mồ côi!

Ba tuổi, Hoài Anh vẫn chưa biết đi, những liều kháng sinh chống chọi với căn bệnh lở loét khiến cơ thể cô bé ngày càng sọp đi, tiều tụy. Ốm yếu quanh năm nhưng không vì thế ngăn cản được ước mơ đến trường của cô bé. Dù cái nghèo vẫn bám riết gia đình, nhưng bố mẹ cô cũng cố gắng chắt chiu, dành dụm để Hoài Anh được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Bản lĩnh thép của cô gái cao 90cm, nặng 28kg ảnh 1
“Bà đỡ” Hoài Anh tất bật trao đổi với khách hàng

Đến “bà đỡ” của trẻ em nghèo

Tốt nghiệp cấp THPT, Hoài Anh đăng ký thi đại học.  Sự quyết tâm cộng với  ý chí vươn lên đã giúp Hoài Anh thực hiện được ước mơ đại học. Năm đó, Hoài Anh trở thành một trong những sinh viên ở “tốp đầu” của Khoa Tiếng Pháp - ĐH Khoa học Huế, khóa 1996-2000. Tốt nghiệp đại học, dù cầm tấm bằng loại ưu, nhưng ngặt  một nỗi với thân hình khá đặc biệt của mình, gõ cửa khắp các cơ quan, đều nhận được những cái lắc đầu.

Hoài Anh vẫn miệt mài đi tìm việc. Một lần nhân chuyến ra Hà Nội thăm người bà con, Hoài Anh được dự buổi tọa đàm của tổ chức phi chính phủ Plan với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật.

Thế là cơ duyên đến, trong buổi tọa đàm hôm ấy sự tự tin đã truyền lửa cho cô khi mạnh dạn đứng giữa đám đông, giơ tay nói một câu làm cả hội trường lặng đi: “Những người khuyết tật cần được đối xử công bằng. Hãy cho chúng tôi cơ hội để hòa nhập cộng đồng”.

Chính câu nói đó, Hoài Anh đã lọt vào “mắt xanh” của người đứng đầu tổ chức Plan tại Việt Nam. Với khả năng ngoại ngữ “nói nhanh như gió”, cô được nhận vào làm ở Plan chi nhánh miền Trung tại Huế. Công việc của cô chính là thực hiện các dự án nhân đạo, giúp đỡ trẻ em chất độc da cam.

Nhiều lần ngồi biên dịch những lời chia sẻ trong nội dung bức thiệp được làm ra từ đôi  tay của trẻ em khuyết tật để in thành tài liệu phát cho các chi nhánh của Plan trên khắp thế giới, lòng cô như quặn thắt trước nỗi đau của những đứa trẻ tật nguyền: “Là người trong cuộc nên tôi rất hiểu những suy nghĩ của các em. Có những lời các em nói ra rất giản dị, nhưng chứa đựng cả ước mơ của mình. Giá như các em được san sẻ giúp đỡ nhiều hơn cả về vật chất và tinh thần thì tốt biết bao” - Hoài Anh tâm sự.

Xuất phát từ ý tưởng muốn được tạo công ăn việc làm cho những trẻ em nghèo, shop thời trang Thế giới bà đầm Âu Cơ đã ra đời. Hiện, những nhân viên đang bán hàng tại shop của Hoài Anh chính là những cô bé được đào tạo ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo Lanp tại Huế.

Nhà đông anh chị em, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn ở huyện Phong Điền (Huế), Hồ Thị Phương Luy vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bán hàng của trung tâm, đã được Hoài Anh nhận về làm việc. Mỗi ngày chỉ phải làm 1 ca, cuối tháng Luy nhận 500.000 đồng. Ngồi trao đổi với tôi, Luy không giấu được niềm vui khi có việc làm.

Sự nhanh nhẹn, tháo vát của Hoài Anh khiến ai cũng phải bất ngờ. Hết giờ làm việc tại Plan, trên chiếc xe điện tự chế, thoắt một cái vượt qua dòng người đầy xe cộ giờ tan tầm đã thấy bóng dáng cô tại cửa hàng của mình. Hôm tôi đến, cửa hàng của cô đang rất đông, khách đến đa phần đều là phụ nữ mang bầu. Rất hiểu tâm lý, cô bảo với khách rằng, nếu mỗi bà bầu có chồng đi kèm khi mua hàng sẽ được giảm giá 20%.

“Tôi làm thế để khuyến khích các ông chồng hãy quan tâm tới vợ mình hơn. Họ đã cực khổ với việc sinh con đẻ cái, thì các ông chồng  phải quan tâm chăm sóc chứ, dù chỉ là việc chọn lựa áo quần cho vợ mình thôi”.

Nhìn cung cách trao đổi, giao dịch rất thuần thục và cởi mở với khách hàng, mới thấy được bản lĩnh thép của cô gái đang mang trong mình di chứng chất độc “ác quỉ” điôxin!

Lê Ngọc Anh
Báo chí K29, ĐH Khoa học Huế

MỚI - NÓNG