Bạn thân nơi công sở

Bạn thân nơi công sở
Mẹ Linh từng dạy cô: "Mẹ cũng đã mất hàng chục năm đi làm để tìm cho mình những người đồng nghiệp thật sự biết sẻ chia. Con chỉ mới bắt đầu. Và ai cũng có điều đáng để con phải học hỏi”.
Bạn thân nơi công sở ảnh 1
Hãy hòa mình vào tập thể

Cứ đến 17 giờ, Linh thậm chí còn không tin được mình đang ngồi trong một công sở.

Đó là giờ kiểm toán phòng, mọi người nháo nhào, chạy như đèn cù, gần như không có ai ngồi yên một chỗ trong 5 phút.

Trong những ngày đầu tiên ấy, khi mà Linh hôm nào cũng phải về nhà sau 21h, đầu óc choáng váng, nếu không có Giang, cô bạn đồng nghiệp ngồi gần bàn, vào công ty làm trước ba tháng, nhẹ nhàng hỏi han, hướng dẫn trong công việc, chắc Linh gục mất. Cô cảm thấy cực kỳ hài lòng vì có một đồng nghiệp thân thiết như Giang.

Rồi đột ngột, trưởng phòng gọi Linh vào phòng: “Em phải giải thích sự nhầm lẫn này. Em không biết việc này ảnh hưởng nhiều đến khách hàng của chúng ta như thế nào đâu”.

Đầu chếnh choáng, Linh chợt nhớ lại về trường hợp nhập thông tin này. Cô thắc mắc với Giang, tại sao lại nhập lệnh thông tin như thế. Giang vỗ vai: “Yên tâm đi, cứ nhập, phần còn lại tớ sẽ làm giúp cậu”.

Còn hôm nay, sau hai tháng làm việc với Linh, Giang như một người khác hẳn, mắt ráo hoảnh: “Việc này Linh có hỏi em nhưng em nghĩ một nghiệp vụ đơn giản như vậy không có gì phải giải thích. Em đang bận nên không trao đổi lại”.

Nhận trát kỷ luật đầu tiên, Linh không thể đổ tại “vì Giang bảo thế” bởi công việc là của riêng mỗi người, việc tự học, tự chịu là tất yếu. Điều Linh đau đớn nhận ra, Giang không phải là người như cô từng tin.

Ai đó đã nói rằng công sở không giống như một giảng đường đại học, vì thế, tìm một người bạn thân, sống hết mình cùng bạn và không tính toán, điều đó quá khó!

Trong giảng đường đại học, bạn cạnh tranh để có điểm số cao hơn ai đó, thế thôi. Nhưng trong công sở, ai đó cạnh tranh với bạn để họ thăng tiến, nhất là khi bạn, một tân nhân viên năng lực, đang cản đường đi của họ.

Nếu họ cạnh tranh theo cách lành mạnh, cùng làm, cùng chia sẻ và thể hiện năng lực vượt trội trong quá trình giải quyết công việc, điều ấy quá tốt vì cả hai sẽ cùng đẩy nhau đi lên.

Nhưng nếu cạnh tranh chỉ bằng những cách triệt hạ nhau hèn kém và xảo quyệt, thì bạn phải cảnh giác đấy.

Trong công ty của Hoàng vẫn duy trì thói quen ai đi ra khỏi phòng cuối cùng sẽ là người tắt đèn, đóng cửa, kiểm tra máy móc xem có ai quên tắt máy không.

19 giờ hôm ấy, Hoàng đang hí hoáy nốt phần còn lại trong đề án hôm sau phải nộp thì Tuấn đã xếp cặp ra về. Vì là nhân viên mới vào được một tuần, ngại nếu mình về muộn nhất, có gì xảy ra sẽ mang tiếng, Hoàng cũng vội vã dọn đồ.

Tuấn bảo: “Em cứ làm đi, về chỉ cần tắt đèn là được, nhân viên của cả phòng mà, không ngại đâu”. Vốn rất quý mến và coi Tuấn như một tấm gương nhân viên trẻ năng nổ, nhiệt huyết, Hoàng vui vẻ gật đầu…

9 giờ hôm sau, khi Hoàng đến cơ quan, mọi người đang xôn xao về việc Tuấn bị ai đó xóa sạch dữ liệu về đề tài đã hoàn tất. Hoàng thấy Tuấn thoáng liếc về phía mình, rồi lại tiếp tục phân trần với trưởng phòng: “Hôm qua chỉ có em với Hoàng ở lại, em về trước nhờ Hoàng tắt máy, không biết thế nào. Lúc về em đã kiểm tra lại dữ liệu cẩn thận, vì nghĩ rằng sáng mai sẽ đến sớm in ra nên cứ để đó đi về. Không ngờ…”.

Hoàng gần như chết lặng trước cửa phòng, khi mọi người đều nhìn cậu bằng ánh mắt khó chịu. Còn ai vào đây nữa, khi chỉ có Tuấn và cậu là người cuối cùng ra về.

Và mọi người cũng có lý do rất hợp lý để đổ tội lên đầu Hoàng vì "nó mới vào, nó muốn vượt người khác nên có thủ đoạn hèn hạ như thế".

Những giọt nước mắt của Linh dù sao cũng còn dễ chịu hơn sự chịu trận không thể thanh minh của Hoàng. Hoặc Hoàng cũng không muốn thanh minh nữa, khi giữa cậu và đồng nghiệp đã có một rào cản vô hình ngăn cách, cả hai luôn đề phòng và không tin nhau.

Hoàng tâm sự: “Cuộc sống của em từ lúc đó luôn căng tức. Đến giờ, em vẫn chưa xóa được cảm giác thất vọng tột bậc với những người bạn đầu tiên đến với mình trong công sở này. Họ tàn nhẫn và nhiều mưu mẹo quá”.

Tất nhiên công sở không phải chỗ nào cũng toàn người như Tuấn, như Giang nhưng cuộc sống công sở với những nghi ngờ lẫn nhau còn đâu sự sẻ chia và tinh thần đồng nghiệp.

Linh, một ngày ùa vào lòng mẹ: “Mẹ ơi sao mẹ có thể chơi với các cô chú ở cơ quan vô tư đến thế? Tại sao người ta lại đối xử như thế với con?”.

Mẹ cô chỉ cười hiền lành: “Đó là cuộc sống mà con. Mẹ cũng đã mất hàng chục năm đi làm để tìm cho mình những người đồng nghiệp thật sự biết sẻ chia. Con chỉ mới bắt đầu. Và ai cũng có điều đáng để con phải học hỏi”.

Và không ai trả lời được câu hỏi: “Tôi có tìm được người bạn thân ở công sở hay không?”, vì chỉ có bạn tự tìm, và tự biết.

Theo Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG