Bằng lòng đi em, có mẹ đón nón...

Bằng lòng đi em, có mẹ đón nón...
TP - Đã từ lâu, người Hà Tây (cũ) từ vùng Mỹ Đức, Chương Mỹ đến Ba Vì và trải dài khắp dải Sơn Tây vẫn gìn giữ, truyền nối một “thủ tục” rất độc đáo: Mẹ chồng đón nón cho con dâu trong ngày cưới.

Thông thường, người con gái về nhà chồng phải chuẩn bị cho mình đầy đủ đồ dùng cá nhân, trong đó không thể thiếu chiếc nón lá. Chiếc nón con gái đội thường ngày đã đẹp, vì bao giờ các cô cũng chọn thứ lá trắng nhất, mỏng nhẹ nhất, lại0 quang dầu cho sáng bóng lên như muốn làm duyên giữa cánh đồng trong nắng sớm.

Quãng trưa nắng, ngồi nghỉ dưới gốc đa đầu làng, chiếc nón lùa về bao nhiêu là gió mát. Chiếc nón còn cất giữ một điều bí mật rất con gái: Phía trong chóp nón có gắn mảnh gương tròn xoe, nhỉnh hơn đồng xu chút ít. Mảnh gương vừa đủ soi đôi lông mày lá liễu, cái cằm nhỏ xinh hay đôi môi cắn chỉ… nên lúc soi gương lại giả vờ như đang nới thêm quai nón hay vuốt lại mấy sợi nhôi không thẳng hàng. Không mấy khi bước chân ra khỏi nhà mà quên mang theo nón, để che nắng, che mưa, che chở cả phận người.

Nón thường là thế, nón cưới còn phải chọn lựa, nâng niu hơn nhiều. “Nón cưới” được đặt những người có tay nghề khéo nhất trong vùng làm, người thợ cẩn thận trau chuốt từng phiến lá cọ phơi khô, là phẳng; mũi khâu nhỏ, đều tăm tắp bằng cước loại 1 trong suốt. Nhôi nón (chỗ buộc quai) được chọn từ những sợi chỉ màu đẹp nhất. Và cuối cùng là quai nón, một dải lụa hồng cỡ hai ngón tay ren rua khá cầu kỳ.

Ngày trước, các cụ chọn giờ đón dâu lúc chớm buổi chiều, theo quan niệm “đi một về hai”, đây cũng là giờ nắng nhất của ngày. Cô dâu e ấp trong tà áo mới, giấu gương mặt bừng đỏ sau vành nón trắng, líu ríu bên cạnh chàng trai ngày thường táo tợn là thế, “bằng lòng đi em, anh đón qua cầu”, hôm nay bỗng trở nên ngượng ngập, vụng về.

Đoàn rước dâu chạm cổng nhà trai, trong khi quan viên hai họ tay bắt mặt mừng, rôm rả chào hỏi nhau thì bên góc cổng, nàng dâu nhẹ nhàng gỡ chiếc nón lá, trao vào cánh tay ân cần của mẹ chồng. Khoảnh khắc lặng thầm đó dường như chỉ riêng hai người phụ nữ biết với nhau, hoặc chỉ người đã từng làm dâu mới nhận biết được.

Trao nón là trao gửi một vật dụng thiết thân, người trao gửi gắm cả tấm lòng, cả thân phận, cả những buồn vui sướng khổ cho người nhận. Đón nón là đón thêm một thành viên mới, đón nhận tất cả yêu ghét giận thương bằng lòng bao dung, chia sẻ của người đi trước, bao năm vun vén xây đắp cho sự yên ấm của đại gia đình. Khoảnh khắc trao - nhận chiếc nón bình thường ấy đã trở thành dấu ấn không thể quên trong đời người.

Cứ ngỡ các thiếu nữ thời nay không còn màng đến chiếc nón lá ngày vu quy, vì trang phục cưới đã khác xưa, phương tiện đưa rước cũng không còn thô sơ như trước, liệu còn ai đội nón? Nhưng hóa ra không phải vậy, tục đón nón vẫn còn được gìn giữ ở xứ Đoài mang một nét văn hóa truyền thống.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.