Băng mình trong bão dữ cứu dân

Băng mình trong bão dữ cứu dân
TPO - Đó là thượng úy Nguyễn Văn Tú, Chính trị viên Phân đội 9 thuộc Phân đoàn 3, Đoàn Phòng Không N73, Quân khu 5. Anh cùng đồng đội đã góp phần tô thắm truyền thống “máu thịt Quân đội với nhân dân, quân với dân một ý chí”.
Băng mình trong bão dữ cứu dân ảnh 1
Thượng úy Nguyễn Văn Tú

Tháng 11 – 2009,  bão số 11 tràn vào miền Trung, được dự báo có sức tàn phá khủng khiếp. Theo lệnh của Quân khu 5, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều túc trực 24/24 trong doanh trại, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi bão về.

Thượng úy Nguyễn Văn Tú khi đó cùng các cán bộ chỉ  huy, chiến sĩ bàn bạc, diễn tập các phương án chống bão, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, anh và các đồng đội còn tập trung gia cố doanh trại, đảm bảo không để thất thoát về người, vũ khí, khí tài. Cách đó 10km, vợ và con trai mới 10 tháng tuổi của anh đang ở cùng bố mẹ vợ, thấp thỏm lo âu chờ tin anh.

Từ  sáng ngày 2 – 11, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to kèm theo gió mạnh khiến cho người dân hết sức lo lắng. Hầu hết các nhà dân đều cửa đóng then cài, mọi hoạt động xuất kinh doanh ngừng trệ.

5 giờ sáng ngày 3 – 11, lệnh từ Quân khu 5 yêu cầu Đoàn Phòng Không N73 cử xuồng, bộ đội xuống cứu những hộ dân đang bị cô lập tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Một tiếng sau, thượng úy Tú và đồng đội có mặt tại Diêu Trì. Đập vào mắt các anh là những tiếng kêu cứu nghẹn lại trong mưa gió điên cuồng. Quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây chìm khuất trong dòng nước chảy xiết, 12 người dân thuộc ba hộ dân kịp trèo lên mái nhà, vẫy tay cầu cứu các chiến sĩ. 

Mực nước không ngừng lên nhanh, xuồng nhỏ không thể  chở được cả bộ đội và người dân. Thượng úy Tú với cương vị chỉ huy lập tức ra lệnh, các chiến sĩ cùng anh mặc áo phao bơi vào đưa người dân lên vùng đất cao, sau đó di chuyển bằng phương tiện khác tới nơi an toàn. Theo lệnh anh, hai chiến sĩ kèm một người dân bơi vào bờ, riêng mình anh bơi kèm cháu bé 4 tuổi. Nước xiết, áo phao nhường cho dân, anh Tú và đồng đội vừa bơi nương dòng nước vừa tìm điểm tựa. May thay, gần đó có hàng cọc tre mọc cách nhau 50m, nó giúp cho các chiến sĩ có thể dừng lại lấy hơi, bơi tiếp.

Sau khi sơ tán nhân dân tại hướng Tây bên phải Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Diêu Trì, các anh tiếp tục chuyển sang phía Đông sau trường THCS Thị trấn Diêu Trì sơ tán dân. Hơn ba giờ sau, họ đã sơ tán được hàng trăm người và tiếp tục giúp nhân dân sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Xẻng gẫy, mảnh gỗ làm mái chèo

11 giờ trưa, sau khi vật lộn trong mưa gió mà  không có hạt cơm nào vào bụng, nhận thấy nhiều đồng đội có dấu hiệu kiệt sức, còn người dân đã an toàn, anh Tú cùng toàn đội nghỉ ăn trưa.

Bỗng có tin báo, vẫn còn người bị nạn. Cách đó 1km, một người dân mới bị lật thuyền, vùng vẫy trong dòng nước đục ngầu (sau này xác định là ông Nguyễn Văn Tân, trú tại đội 6, thị trấn Diêu Trì). Lúc này, xuồng của bộ đội ở khoảng cách quá xa, anh Tú và binh nhất Nguyễn Văn Sinh bèn dùng xuồng của dân gần đó, vơ vội chiếc xẻng gẫy, một mảnh gỗ làm mái chèo, lao xuống. 

Bơi  được giữa chừng, do anh Sinh kiệt sức và không thạo sông nước, xuồng bị quay tròn. Anh Tú động viên đồng đội tiếp tục cố gắng, bằng mọi giá không để người dân bị nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng khi tiếp cận người bị nạn, do sức nước quá mạnh, xuồng nhỏ không thể chở được ba người một lúc, anh Tú liền buộc dây vào phao cứu sinh mình đang mặc, ném cho ông Tân, rồi hai anh lại chèo xuôi dòng nước, kéo ông Tân lên bờ an toàn.

Chuyến giải thoát được nhiều người dân và đồng đội chứng kiến. Khi các anh dìu ông Tân lên bờ, đông đảo người dân vỗ tay hoan hô vang dội. Ông Tân chưa kịp hỏi tên hai ân nhân cứu mạng, thì các anh đã lại vội vã thu xếp tư trang tiếp tục hành quân tới những nơi đang bị bão cô lập.

Mãi tới chiều tối, anh Tú mới về tới doanh trại. Việc đầu tiên là gọi điện về nhà, vợ anh bật khóc qua điện thoại. Chị kể, ao cá bị mất trắng, toàn bộ gà vịt cũng trôi theo lũ, cũng may chị cùng cháu bé và bố mẹ kịp thoát lên tầng thượng. Chỉ đến khi nghe tiếng anh qua điện thoại, biết anh vẫn bình yên, chị mới thoát nỗi lo âu nặng trĩu trong lòng.

Kể  về cuộc giải cứu hôm đó, thượng úy Tú  tâm sự: “Tôi và anh em trong đơn vị đều tâm niệm rằng, mình mặc trên người bộ áo lính, thì phải làm sao cho xứng danh bộ đội Cụ  Hồ. Đó là động cơ thôi thúc tôi và  đồng đội lao ra dòng nước cứu nhân dân. Cá nhân tôi cho rằng những việc mình làm còn rất nhỏ nhoi so với nhiều đồng đội khác. Tôi cũng vui mừng, cảm động vì bố mẹ vợ và vợ tôi rất thông cảm, luôn động viên tôi tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ!”.

MỚI - NÓNG