Báo động dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá sinh viên

Báo động dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá sinh viên
TP - Do diễn biến bất thường của thời tiết nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển. Trong đó, sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành dịch bệnh bùng phát mạnh tại các ký túc xá của sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
Báo động dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá sinh viên ảnh 1
Sinh viên bị sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Xây dựng (Thanh Xuân, Hà Nội)  Ảnh: Bích Liên

Môi trường sống tập trung là một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH lây lan nhanh. Đặc biệt, dịch bệnh này đã trở nên thật sự nguy hiểm khi nhiều sinh viên không có nhận thức đúng đắn về SXH.

Đến ký túc xá Mễ Trì (182 - Lương Thế Vinh - Thanh Xuân - Hà Nội) mới thấy dịch SXH đang lây lan nhanh đến mức nào. Rất nhiều phòng trong KTX có sinh viên bị triệu chứng của bệnh SXH như: Sốt cao mệt mỏi, xuất hiện những nốt đỏ dưới da.

Nhiều sinh viên đã phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Xây dựng (gần KTX Mễ Trì).

Thậm chí, có những phòng như phòng xép 4,5a C1 có 4 người thì cả 4 phải vào nằm viện vì SXH, phòng 309C1 có 5 người, phòng 414C1 có 6 người nhập viện...

Dung (phòng 309C1) khi bị sốt cao, kéo dài đã phải vào nằm tại Bệnh viện Xây dựng. Nhưng trước đó 1 tuần khi mới bắt đầu sốt, Dung chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên không đi khám mà tự mua thuốc uống.

Chính sự chủ quan này làm cho thời gian ủ bệnh là khá lâu, nên sau khi nhập viện việc điều trị khó khăn và lâu dài, nhất là trong tình trạng sức khỏe của Dung lại không được tốt. 

Nghỉ học hàng tuần vì nằm viện, mẹ Dung ở Hà Tĩnh đã phải lặn lội lên chăm sóc cho con gái.

Nguy hiểm hơn như Uyên (phòng 309C1), tuy đã vào viện khá lâu nhưng do sức đề kháng của cơ thể kém, lượng tiểu cầu trong máu giảm nhanh nên đã phải truyền thêm tiểu cầu vào cơ thể. Hiện nay, Uyên đã phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Xây dựng, trong thời gian qua có nhiều bệnh nhân phải nhập viện do SXH, phần lớn là sinh viên.

Tính đến ngày 18/10, số lượng các giường bệnh mà bệnh nhân đăng ký nằm lại đã hết và bệnh viện cũng đang mở thêm phòng bệnh mới vì số lượng bệnh nhân bị SXH không ngừng tăng lên.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch SXH ngày càng lây lan nhanh chóng bác sĩ Bích (Bệnh viện Xây Dựng) nói: Bệnh SXH xuất phát chủ yếu từ loại muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền từ người bị bệnh sang người lành.

Loại muỗi này có nhiều ở thành phố, thị xã, sống trong nhà, sinh sống thuận lợi ở những nơi có nguồn nước sạch và thường đốt vào ban ngày. Bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2007, số người mắc SXH cả nước đã lên tới 24.255 trường hợp, trong đó có 27 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc bệnh tăng 23% và tăng 10 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng dịch SXH lây lan nhanh là do, hầu hết các bạn sinh viên đều không ý thức được sự nguy hiểm của bệnh SXH.

Khi bị sốt cao thường chủ quan cho rằng, chỉ ốm thông thường nên rất lâu sau mới nhập viện.

Hơn nữa, 1 phòng trong KTX thường có từ 8 đến 10 người nên có nhiều đồ đạc cá nhân, dù có cố sắp xếp cho gọn gàng thì trong phòng cũng không được thông thoáng.

Chính vì thế, đây là môi trường cho muỗi vằn sinh sống và phát triển. Hơn nữa sinh viên cũng thường có thói quen ngủ không mắc màn nên rất dễ bị muỗi vằn truyền bệnh.

Trước tình hình đó, Ban quản lý KTX Mễ Trì đã có những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh bằng nhiều cách như: Đôn đốc các phòng dọn vệ sinh phòng ở thường xuyên, lấy vải bịt các đầu vòi nước và thay bể nước thường xuyên để chống muỗi, loăng quăng.

Điều quan trọng và cấp thiết nhất là các sinh viên cần phải có nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm của bệnh SXH để từ đó tìm cách phòng tránh có hiệu quả.

Không nên chủ quan coi thường dịch bệnh, khi có những dấu hiệu mắc SXH phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời. 

MỚI - NÓNG