Báo Tiền Phong trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách ở Long An

Báo Tiền Phong trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách ở Long An
“Mong rằng những lần sau chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo Tiền Phong đối với những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của huyện”.
Báo Tiền Phong trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách ở Long An ảnh 1
Nhà thơ Dương Kỳ Anh, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền trao sổ TKTN cho gia đình chính sách ở Long An.

Theo chị Võ Thị Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa (Long An) thì trong những năm chiến tranh, vùng đất Đức Hòa, Hậu Nghĩa rất ác liệt. Vì thế, Đức Hòa là huyện 2 lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, toàn huyện có 346 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5.600 liệt sĩ, trên 2.000 thương binh và hàng chục ngàn gia đình chính sách.

Theo con đường đất đỏ bụi mù, chúng tôi đến nhà mẹ Hồ Thị Chuyền (SN 1910) ở ấp Tân Thành, xã Hòa Khánh Tây. Mẹ Chuyền sống một mình trong căn nhà vách lá nhìn rõ cả trời, trên giường là manh chiếu cũ nát. Người con trai duy nhất của mẹ đi bộ đội và sau đó bị tai nạn chết. Mẹ mới bị tai nạn gãy chân, nay phải nằm một chỗ, mắt nhìn không rõ. Nhận sổ tiết kiệm tình nghĩa mẹ nói không nên lời, mắt ngân ngấn lệ.

Chúng tôi không thể hình dung căn nhà của bệnh binh Nguyễn Văn Cào ở xã Hòa Khánh Tây là như thế. Căn nhà vốn đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn vì nằm cạnh bờ kinh nước đen ngòm, phía sau là những vuông tràm nhỏ. Mái nhà bằng tranh cũ ngả màu đen chằng chịt dây leo và xiêu vẹo với những cây cột chống có thể sập bất cứ lúc nào.

Ấy vậy mà nó  là nơi trú ngụ của người cựu chiến binh bệnh tật 75 tuổi và cháu gái 10 tuổi bị câm từ nhỏ. Mái nhà thấp nên ai cũng phải lom khom,  muốn ngồi cũng không có chỗ vì căn nhà chỉ duy nhất có một chiếc giường sập xệ. Lâu lâu, những chiếc xe Honda đi qua đường tung một nắm bụi mù mịt màu đỏ vào trong căn nhà bé nhỏ.

Ông Cào cho biết: “Hai ông cháu tôi không có đất đai, hiện sống nhờ tiền trợ cấp mỗi tháng 300.000 đồng”. Chị Võ Thị Tuyết khóc, nắm tay ông: “Cháu hứa là sẽ cùng chính quyền cất một căn nhà tình nghĩa cho bác trước lễ kỷ niệm 30/4 này. Khi có nhà mới, sẽ mời Báo Tiền Phong về chứng kiến”. Ông Cào cũng không cầm được nước mắt: “Căn nhà này đang dựng nhờ trên miếng đất của xã.

Đã 4 năm nay chúng tôi gửi đơn đi khắp nơi nhưng không được giải quyết. Xin cám ơn Đảng, chính quyền và Báo Tiền Phong đã giúp đỡ gia đình”. Anh Trần Thanh Loan (SN 1958) là thương binh 2/4 nhà ở khu Sò Đỏ, thị trấn Hậu Nghĩa hiện đang sống trong một căn nhà tình nghĩa được tặng năm 2000.

Năm 1972 anh xung phong đi bộ đội. Những năm trên chiến trường anh mang trên người hàng chục vết thương. Về quê, anh bị ngơ ngơ ngẩn ngẩn do sức ép bom đạn nên vợ đã ly dị, bỏ lại đứa con trai. Con trai anh nay 20 tuổi, hàng ngày đi làm thuê và không nề hà bất cứ việc gì để lấy tiền nuôi cha, nuôi thân. 

Cũng nhận được một sổ tiết kiệm tình nghĩa của Báo Tiền Phong là bà Nguyễn Thị Sâm (73 tuổi) ở khu B, thị trấn Hậu Nghĩa. Con trai duy nhất của mẹ là Phạm Văn Kính đã hy sinh năm 1987. Bà Đào Thị Thẩm, hàng xóm của mẹ Sâm cho biết: “Bà cụ tội nghiệp lắm, chồng chết, con hy sinh.

Thời gian gần đây mắt bà ấy bị mờ dần và mù hẳn. Không còn con cháu, nên hàng xóm chúng tôi thường qua lại giúp đỡ bà ấy trong lúc tắt lửa tối đèn”. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền nắm tay mẹ Sâm, chúc mẹ luôn khoẻ mạnh. Vào trong căn nhà tuyềnh toàng vách được ghép bằng những tấm gỗ vụn chúng tôi trao tặng một sổ tiết kiệm cho mẹ Võ Thị Hoàng (SN 1936).

Mẹ là con dâu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ràng và là vợ của anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Liếu. Nhận sổ tiết kiệm từ tay nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, mẹ Hoàng rưng rưng: “Tôi thực sự cảm động và cám ơn báo đã quan tâm đến gia đình chúng tôi”.

Về xã Đức Lập Thượng, chúng tôi đến trao cho ông Nguyễn Văn Sống (SN 1950) và bà Võ Thị Ngoan (SN 1946) mỗi người một sổ tiết kiệm. Mẹ Ngoan có con trai độc nhất là anh Phan Văn Vũ (SN 1964, hy sinh năm 1986 tại chiến trường K). Ông Nguyễn Văn Sống là bộ đội năm 1968 từng tham gia chiến đấu ở Đoàn 10.

Năm 1971, ông bị thương nên được đưa ra Miền Bắc an dưỡng. Năm 1972 anh về trung đoàn 1, quân khu Hữu Ngạn. Năm 1974 anh là Trưởng Ban tác chiến huyện đội Đức Hòa rồi về công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự Long An. Hiện ông Sống là thương binh 4/4, năm 2000 gia đình ông được trao tặng một căn nhà tình nghĩa.

Ngồi dưới gốc cây sơ ri xanh mát trong khu vườn, nhà thơ Dương Kỳ Anh trao số tiền tiết kiệm. Ông Sống tâm sự: “Gia đình chúng tôi cũng làm từ thiện mấy năm nay nên tôi rất hiểu và cám ơn tấm lòng của Báo Tiền Phong. Đây là tờ báo thu hút được độc giả với những thông tin trung thực, dũng cảm”.

Rời Đức Hòa, chị Võ Thị Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện và anh Nguyễn Văn Minh – Phó phòng Tổ chức LĐTBXH huyện Đức Hòa cứ nắm tay nhà thơ Dương Kỳ Anh thật chặt: “Mong rằng những lần sau chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Báo Tiền Phong đối với những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của huyện”.

MỚI - NÓNG