'Bão trắng' cuốn tuổi teen

'Bão trắng' cuốn tuổi teen
Chưa bao giờ nạn ma túy lại hoành hành và trở thành nỗi khiếp đảm cho người dân TP Đồng Hới (Quảng Bình) như lúc này, nó được ví như cơn "bão trắng" đang quét qua đây...

Mất thời gian khá lâu, tôi mới quen được B.- một dân "bay" tuổi teen rất sành điệu ở TP Đồng Hới.

B. biết nhiều chuyện, tham gia nhiều hội nhóm, có bạn bè là những người chơi ma túy như cơm bữa.

Theo lời B. bất cứ đâu và lúc nào, dân nghiện đều có thể chích ma túy. Một số điểm tập trung như Công viên Nhật Lệ, xóm "Ma Cao", khu vực ga Đồng Hới...

Nếu trời mưa thì chỉ cần tạt vào dưới mái hiên, hơn 1 phút cho thao tác đổ bột vào xi-ranh, bẻ ống nước cất rút nước và chích. Ở thành phố bé nhỏ này, dân nghiện trở thành nỗi khiếp đảm cho dân thường.

Đúng 0 giờ, điện thoại của tôi đổ chuông liên hồi, đầu bên kia, B. cười sảng khoái: "Qua ngày mới rồi anh nờ, anh muốn xem thì ra sông với tụi em". Sau mấy giờ đồng hồ đảo lượn bằng xe máy và làm vài chai sương sương, nhóm của B. chọn bãi cỏ bên bờ sông Nhật Lệ xinh đẹp làm bãi đáp.

Tiếng "roạc" xé bao đựng kim tiêm và tiếng bẻ ống nước cất nghe lách cách. Đèn đường hắt ánh vàng nhợt nhưng cũng đủ rọi những mũi kim đang cắm trên cánh tay gầy guộc của đám trẻ. Giây phút cho những cơn phê đã đến.

'Bão trắng' cuốn tuổi teen ảnh 1
Đầy rẫy kim tiêm dính máu dọc bờ sông Nhật Lệ

Người dân gọi khu Công viên Nhật Lệ là "thiên đường giảm eo không yên ả".

Khi nghe hỏi, chị L. giật bắn người: "Khiếp lắm! Mang giày cẩn thận nhưng vẫn ngại, khi đi phải hết sức chăm chú. Nhiều lúc gặp tụi nó chích mà rợn cả người".

Công viên kéo dài theo bờ sông Nhật Lệ nhưng người chăm tập thể dục cũng chỉ dám quanh quẩn, chen chúc trên những con đường bê tông thuộc địa phận phường Đồng Mỹ.

Trong khu vực này, dân chích ma túy xem nơi đặt tấm bia "Cảng Nhật Lệ - Di tích lịch sử quốc gia" là một điểm lý tưởng. Chắc chắn khu bia này bị chính quyền địa phương bỏ quên lâu lắm rồi vì không hề có dấu hiệu của sự dọn dẹp.

Trên nền gạch và đế chân bia dày đặc bơm tiêm, vỏ ruột..., trong chừng 1m2 mà tôi đếm có hơn 50 cái. Nhìn nhiều cái nằm chỏng chơ, giơ mũi kim còn tươi vết máu mà rùng mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Lâm Phương: “Nạn ma túy đang ngày càng phức tạp, số lượng người nghiện tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Sự tham gia phòng chống của các cấp, ngành vẫn chưa quyết liệt, thờ ơ mặc dù đã có rất nhiều văn bản, chỉ thị. Chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng nhanh trung tâm cai nghiện tập trung và xem xét mua sắm máy móc xét nghiệm ma túy”.

Mới đây, cả huyện Lệ Thủy xôn xao bởi thông tin lực lượng công an bắt quả tang 5 học sinh của các trường THPT trên địa bàn đang "chơi" ma túy trong khuôn viên Trung tâm VHTT huyện.

Đây quả là sự kiện gây chấn động không những trong huyện mà cả tỉnh Quảng Bình. Bởi theo Công an huyện, trước nay Lệ Thủy không có người sử dụng ma túy tại địa bàn, chỉ có một số con nghiện sử dụng khi đi làm ăn nơi khác.

Sự thật là trong một đám cưới tại xã An Thủy, lúc mọi người đang vui cười chúc tụng thì có một cậu nam nhi "mặt búng ra sữa" (sau này xác định ở TP Đồng Hới lên) thản nhiên kéo áo chích.

Bà con tròn mắt lúng túng không biết xử trí sao. Lúc lực lượng công an đến thì cậu này đã kịp "biến".

Nỗ lực đơn độc

Thượng tá Nguyễn Viết Xuân - Trưởng phòng PC17, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: "Ở Quảng Bình, dân nghiện chủ yếu là sử dụng heroin; họ vừa mua sử dụng vừa bán kiếm lời, chuyền tay nhau theo kiểu có qua có lại.

Từ đầu năm đến nay đã bắt được 26 vụ. Nhiều gia đình có con nghiện nhưng cứ bênh vực, đến lúc con nghiện nặng thì cầu cứu. Cũng không mấy ai hiểu rõ về ma túy. Có trường hợp đã giữ được 2 năm sau cai nhưng chỉ một cuộc nhậu, do bạn bè rủ rê, khích bác lại thành công cốc".

Năm 2000, Quảng Bình được xem là địa bàn "trắng" về ma túy nhưng đến tháng 6.2007 đã có 776 đối tượng liên quan và nghiện ma túy.

Đây là những con nghiện có hồ sơ quản lý tại cơ quan công an, còn trên thực tế thì số lượng nghiện lớn hơn nhiều, chủ yếu tập trung ở TP Đồng Hới.

Trong quá trình thu thập thông tin, nhiều người cho rằng cứ nhắc đến ma túy là mọi trách nhiệm đều dồn cho cơ quan công an. Trong khi theo luật thì đó là trách nhiệm của toàn thể xã hội, nhất là của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và gia đình.

Đặc biệt, trách nhiệm cai và sau cai cho người nghiện, sử dụng ma túy thuộc về Sở Lao động - Thương bình và xã hội, nhưng xem ra Sở này ở Quảng Bình "không thể làm được gì" vì chỉ có một cán bộ mà phụ trách toàn mảng tệ nạn xã hội kiêm luôn xóa đói giảm nghèo.

Trước tình hình tệ nạn xã hội gia tăng trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động xã hội vào đầu năm 2006 với tổng vốn hơn 30 tỉ đồng.

Dự kiến cuối năm 2007 trung tâm sẽ được đưa vào sử dụng, nhưng hiện vẫn chưa "ra môn ra khoai" do chưa hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng. Như thế có nghĩa là đến nay Quảng Bình vẫn chưa có một trung tâm cai nghiện nào, dù nạn ma túy đang hoành hành dữ dội.

Việc cai nghiện diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy chạy, nhà nào có tiền thì đưa con đi cai tại các trung tâm ở Hà Nội, TP.HCM trong thời gian ngắn, khi về địa phương lại đâu vào đấy. Chưa kể hiện nay, Quảng Bình cũng chưa hề có nơi làm xét nghiệm ma túy, cơ quan công an làm việc chỉ dựa trên hiện trường

Theo Thanh niên

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.