Bất an với nạn bạo hành, quấy rối tình dục trên xe buýt

Bất an với nạn bạo hành, quấy rối tình dục trên xe buýt
TP - Ngày 17/10, gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TPHCM, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ bày tỏ sự bất an với nạn bạo hành trong gia đình, bạo lực học đường và nạn quấy rối tình dục trên xe buýt khiến nạn nhân suy sụp, có người tìm đến cái chết như là một sự giải thoát.
Bất an với nạn bạo hành, quấy rối tình dục trên xe buýt ảnh 1

Một bức ảnh được cho là quấy rối trên xe buýt gây “bão mạng” trong thời gian gần đây.

Bà Nguyễn Ngọc Long, chi hội trưởng phụ nữ khu phố 2 (phường 7, quận 3) thừa nhận xe buýt hiện nay tuy giá vé rất rẻ nhưng phụ nữ e ngại sử dụng vì phương tiện này rất bất tiện và nhiều nguy cơ với chị em, đặc biệt là nguy cơ bị quấy rối, sàm sỡ.

Dẫn chứng về câu chuyện này, bà Phương Thị Bích Phụng, chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng chống tội phạm khu phố 4 (phường 15, quận 4) nói: Con gái tôi 12 -13 tuổi, trước đi học bằng xe buýt, nay vì sợ quấy rối, lạm dụng, cháu chuyển sang đi xe ôm nữ. Xe buýt hiện nay không phù hợp với các bé gái. Các cháu phản ánh rất nhiều về nguy cơ và thực tế bị quấy rối tình dục.

Theo ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT), phụ nữ, trẻ em gái là các đối tượng xe buýt quan tâm phục vụ. Vừa qua, TPHCM đã thay mới hơn 500 xe buýt cũ trong tổng số hơn 3.000 xe buýt đang hoạt động. Trên xe buýt mới có gắn thiết bị thông tin rao trạm, hệ thống camera an ninh, hệ thống cảnh báo nạn móc túi, quấy rối…     

“Trung tâm khuyến cáo các chị em khi bị đe dọa trấn lột, quấy rối… thông báo cho trung tâm theo đường dây nóng 1022 để yêu cầu công an can thiệp. Hệ thống camera nối với trung tâm điều hành trực tuyến”, ông Ân cho biết thêm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thừa nhận tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt có một phần lỗi của HĐND TPHCM, đó là đã có nghị quyết về phát triển xe buýt song chưa giải quyết tận gốc vấn đề quấy rối, lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em trên xe buýt. Góp phần giải quyết tình trạng này, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng thành phố đã đặt hàng với Đoàn Thanh niên đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khi phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo đó, các đoàn viên thanh niên có mặt trên xe, giúp đỡ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em chống lại nạn quấy rối, lạm dụng trên xe buýt.

Chưa được bảo vệ

Bà Nguyễn Thị Thanh Luận, chủ tịch Hội Phụ nữ quận Thủ Đức nói tình trạng bạo lực gia đình đang rất phổ biến, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho phụ nữ, trẻ em. Nhà nước tuy có quan tâm nhưng nhiều chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sống.

“Các nạn nhân ngại không dám lên tiếng, chỉ biết cam chịu. Một số chị em đến các cơ sở khám chữa bệnh, bác sỹ dễ dàng nhận ra các thương tổn là do bị bạo hành nhưng nạn nhân không thừa nhận vì lo ngại. Rất mong các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành”, bà Luận tha thiết.

Theo BS Lê Thị Mỹ Châu (Sở Y tế), TPHCM bố trí phòng khám, đào tạo nghiệp vụ cho các y bác sỹ tiếp cận bệnh nhân khai thác thêm những tổn thương về tinh thần mà trong thời gian hoảng loạn nạn nhân không chia sẻ. “TPHCM cũng tổ chức các nhà lánh nạn; phối hợp công an để đảm bảo an toàn cho các nạn nhân”, bà Châu cho biết.

Bà Nguyễn Ngọc Toàn (ngụ Gò Vấp), phụ huynh học sinh trường THPT Võ Thị Sáu lo ngại: Thực trạng bạo lực học đường đang rất nghiêm trọng. Không chỉ nam sinh mà nữ sinh cũng chọn nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Ở trường các cháu cá biệt lập nhóm đe dọa, xa lánh, ghép ảnh bậy bạ rồi đưa lên mạng bêu xấu, đón đường, chặn đánh, lột quần áo bạn để quay phim, chụp ảnh tung lên mạng khiến các nạn nhân hoang mang, lo sợ, có cháu nghĩ quẩn tìm đến cái chết.

“Luật hình sự không áp dụng hình phạt đối với thiếu niên. Luật trẻ em cũng ưu ái nên thủ phạm nhỏ tuổi càng lộng hành hơn”, bà Toàn bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Đào, chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 1 (phường 13, quận Bình Thạnh) cảnh báo: Mới bước vào năm học, TPHCM đã có 3 trường hợp học sinh tự tử, trong đó quận Bình Thạnh có 2 em. Cán bộ tư vấn trường học tuy có nhưng chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, trong khi lĩnh vực này cần bác sỹ tâm lý.

Theo bà Lương Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2), một trong các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do học sinh không có chỗ vui chơi, chưa được đào tạo kỹ năng sống.

“Trường học quy định không được đánh học sinh nhưng có khi ở gia đình các em bị đánh rất nhiều. Chào cờ đầu tuần hỏi em nào bị đánh, hầu hết các em giơ tay lên. Đó là sự khập khiễng về cách giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Nếu gia đình và nhà trường cùng quan điểm, dứt khoát các cháu sẽ tốt hơn”, bà Liễu nói.

“Trung tâm phải thường xuyên nhắc nhở thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên. Tôi từng đi xe buýt, có lần, tôi đề nghị tiếp viên đến trạm thì dừng lại cho tôi xuống. Tiếp viên gắt: Bà muốn xuống thì đứng dậy đi, sao cứ ngồi nói hoài. Phụ nữ lớn tuổi như tôi chưa đến trạm bắt đứng rất dễ ngã. Cách phục vụ như vậy dễ gây nản lòng hành khách”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TPHCM

MỚI - NÓNG