Bảy năm đi tìm đứa con mất tích và đoạn kết có hậu

Bảy năm đi tìm đứa con mất tích và đoạn kết có hậu
TP - Tóc đã nhiều sợi bạc, những nếp nhăn chạy dài trên gương mặt già nua, chân bước qua bậc cửa nhà cũng khó khăn, vậy mà cách đây mấy năm người đàn bà này đã lặn lội sang đất nước Trung Hoa ngàn trùng xa xôi để tìm đứa con gái bị lừa bán.

Trong ngôi nhà tồi tàn ở  thôn Thắng Trí, xã Minh Trí huyện Sóc Sơn – ngoại thành Hà Nội, bà kể  cho tôi nghe hành trình kéo dài gần ba nghìn ngày ở xứ người. Câu chuyện thỉnh thoảng lại ngắt quãng vì bà Nguyễn Thị Lan không sao kìm được tiếng khóc…

Bà già vào nhà thổ tìm con gái

“Ở làng quê tôi, nghèo lắm, quanh năm chỉ làm lụng cật lực trên 5 sào ruộng khoán mà vẫn túng thiếu. Ngoài ra lúc nông nhàn, mấy mẹ con vào rừng chặt củi nhưng vẫn phải chạy ăn từng bữa liên miên. Cùng quẫn quá, tôi bỏ ruộng đi buôn. Nhưng vốn mỏng nên chỉ buôn kiểu cò con.

Lên Yên Bái buôn sắn, qua Phú Thọ buôn chè, rồi lại về quê buôn hoa quả sang Hà Nội bán. Lặn lội thân cò bao nhiêu năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo, tôi quyết định lên biên giới Lạng Sơn rồi lần hồi qua Trung Quốc đi buôn…”

Sau một chuyến đi dài, bà trở về làng. Vừa bước vào nhà bà Lan đã nghe tin dữ như sét đánh ngang tai: Mây - cô con gái mới 15 tuổi đã mất tích. Bà Lan rụng rời chân tay, trong đầu quay cuồng với biết bao nhiêu câu hỏi không lời đáp: “Mây đi đâu? Ai bắt cóc con mình?”.

Cả gia đình chia làm nhiều hướng đi tìm Mây nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chẳng hiểu sao trong cơn tuyệt vọng, bà Lan lại có linh cảm: Con mình  đang ở Trung Quốc. 

Tin vào linh cảm đó, bà nảy ra ý định mà nhiều người cho là “điên”: Sang Trung Quốc tìm con. Bỏ lại những lời can ngăn, vào một buổi sáng u ám, bà Lan cùng con trai lên đường.

Đi sang đất nước Trung Quốc rộng mênh mông, không một người thân thích, hành trang chỉ vài bộ quần áo với mội ít tiền, nhưng người mẹ mất con ấy chẳng chút lo sợ. Lòng bà dấy lên niềm hy vọng lớn.

“Tôi bảo với con trai, gắng mà là chịu đựng, tiền hết thì còn đôi bàn tay, không sợ chết đói  xứ người” -  Bà Lan nói, mắt nhìn xa xăm.

Hai mẹ con đến huyện miền núi Dấn Phình, tỉnh Quảng Đông, bà cùng con trai tìm đến các khu chợ, đứng đó hàng giờ liền để nhìn mặt các cô gái trẻ ra vào nơi đây.

Nhìn giờ này qua giờ khác,  ngày này qua ngày khác, gặp người Việt Nam nào họ cũng hỏi: “Có thấy Mây ở Sóc Sơn đâu không?”. Hai mẹ con chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Có lần, bà Lan nhìn thấy một số cô gái Việt Nam đang bị “giam lỏng” trong những ngôi nhà tối mịt. Bà không thể vào đó để tìm con, nên cứ thẫn thờ đứng ngoài đường ngó.

Vẫn chẳng thấy bóng dáng của Mây đâu. Tiền và cả niềm hi vọng cũng cạn dần. Hai mẹ con tìm việc làm thuê. Con làm phụ hồ, mẹ đốn củi, gánh nước… để có tiền sống qua ngày, tiếp tục cuộc “mò kim đáy biển”.

Hễ có chút tiền, bà Lan lại bắt xe đi tìm Mây. Trong vốn tiếng Trung ít ỏi, bà có mấy câu nói nhiều đến thuộc lòng: “Xê hu hen tao” (Xe đi đâu). Mà nhiều khi cũng chẳng cần biết xe đi đâu, bà cứ lên đó ngồi, rồi lại xuống một vùng đất mới, lại tìm đến chợ, lại hỏi thăm rồi lại thất vọng ra về. Cái vòng luẩn quẩn ấy  cứ lặp đi lặp lại bao nhiêu lần bà cũng không nhớ nữa.

Quảng Đông rộng lớn là thế nhưng bước chân của hai mẹ con đã gần như đi khắp cả tỉnh. Từ Giàng Xây sang Giàng Cóng, từ Giàng Trám Cóng sang Mào Bình, từ Dấn Phình lên Hà Xủi rồi Vằn Thầu, Lồ Tình, Giàng Khay…

Họ đã tới những nơi núi cao đèo sâu, những bản làng heo hút trong thung lũng, những khu chợ vùng cao họp trong mây khói...Đến đâu, gặp người Việt Nam nào bà Lan cũng hỏi một câu quen thuộc: “Có thấy Mây ở Sóc Sơn ở đâu không?”. Bà lại nhận được những cái lắc đầu.

Có lần nghe nói ở làng nọ có một cô gái Việt Nam mà theo miêu tả rất giống Mây. Bà lặn lội tìm đến nhưng khi gặp được cô gái mới biết đó không phải con mình.

Tuyệt vọng, bà đánh liều vào tận các nhà thổ tìm con. Trong các căn phòng chật hẹp, bẩn thỉu nhiều cô gái Việt Nam đang phải ngày đêm “tiếp khách”. Bà tìm cách lọt vào đó nhưng bị bọn bảo kê đuổi ra. Anh con trai phải đóng giả khách làng chơi để tìm em gái nhưng vẫn không tìm được tung tích của Mây.

Tiền hết. Bà Lan và con trai buộc phải xin ăn nhờ, ngủ nhờ. Trong cuộc hành trình dài dằng dặc đó, hai mẹ con đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người dân Trung Quốc tốt bụng.

“Nếu không có họ, hai mẹ con tôi đã thành ma ở xứ người” -  Bà Lan nói, nước mắt đã chảy trên gương mặt nhăn nheo tự lúc nào.

2.250 ngày và trò đùa của  số phận

Đi mãi, đi mãi, đến một ngày cậu con trai nản chí. Bà đành để con ở lại làm thuê, còn mình lại thân già rảo bước  trên những con đường rừng sâu hun hút.

Có lần, đang đi bà Lan choáng váng khi thấy một cô gái bị đánh đập rất giống Mây. Cô gái Việt Nam bất hạnh đó bị nhà chồng đánh sau nhiều lần tìm cách trốn nhưng bất thành. 

Bà Lan lại gần và thở phào khi nhận ra đó không phải là con gái mình, nhưng rồi lòng bỗng trĩu nặng: “Biết đâu ở một nơi nào đó, Mây đang bị hành hạ như thế”.

Ngày đi, khi màn đêm ập xuống có lúc bà phải nằm ngoài đường, nằm dưới gốc cây, nằm trong lều chợ…Có lúc ăn tạm miếng bánh mì, đi xin ít cơm nguội, uống tạm ngụm nước lọc cho  qua ngày để tiếp tục chặng đường dằng dặc như hành trình lên Tây Trúc thỉnh kinh.

Thỉnh thoảng, bà gặp bọn cướp đường, nghiện ngập nhưng rồi chúng cũng để cho bà đi vì người mẹ đi tìm con này chẳng có gì để mất. Đi hết tỉnh Quảng Đông, rồi sang Quảng Tây, Phúc Kiến…mà Mây vẫn như bóng chim tăm cá.

Có những lúc Mây ở khu chợ Lường Xay, cách mẹ có mấy bước chân nhưng khi bà đến Mây lại về nhà. Linh tính cho biết con gái mình đang ở rất gần, bà Lan cứ ngồi trước cổng chợ Lường Xay chờ…Số phận thật khéo đùa, lúc bà thất vọng đi nơi khác thì Mây lại xuống chợ!

Không chịu nổi những ngày tháng làm thuê cùng cực trên đất khách, người con trai trở về nhà, một mình bà lại đi tìm Mây trên đất Trung Quốc hơn 1 tỷ dân. Có những lúc, vì không có giấy tờ, bà bị trả về nước. Nhưng nỗi thương nhớ con lại khiến người mẹ này ngay sau đó lại tìm cách sang Trung Quốc.

Đến một ngày, soi vào hồ nước ven đường, thấy tóc đã nhiều sợi bạc, nét mặt hằn lên những nếp nhăn, bà thẫn thờ ngồi nhẩm tính và giật mình: hôm nay là ngày thứ 2.250 mình đi tìm con trên đất khách. 2.250 ngày, 7 năm đằng đẵng. Sức tàn, lực cạn. Bà bỏ cuộc, trở về nhà trong nỗi tuyệt vọng.

Đoạn kết có hậu và niềm tin của người mẹ

Vào một buổi sáng sau đó 3 năm, bà đang ngồi ngoài sân thì thấy một người phụ nữ  gầy đen bước đến trước mặt và reo lên trong nước mắt: “Ôi, mẹ ơi! Con là Mây đây, con đã trở về, mẹ làm sao mà già nhanh thế”.

Bà không tin vào mắt mình nữa: Con gái mình đây sao, cô bé xinh tươi mơn mởn ngày nào sau 10 năm đã trở thành một thiếu phụ gầy đét như xác ướp. Hai mẹ con ôm nhau khóc.

Mây kể lại câu chuyện “mất tích” 10 năm của mình. Ngày đó, bà Lan vẫn còn đi buôn chuyến ở biên giới Lạng Sơn. Một hôm bà Đào Thị Đồi hàng xóm đến gặp Mây bảo: “Cháu có muốn đi lên với mẹ không cô đưa đi”. Mây xa mẹ lâu ngày, tưởng thật, đồng ý.

Tối  hôm đó, mụ Đồi dẫn Mây đến gặp một gã đàn ông. Gã đàn ông đưa Mây lên ôtô lao đi trong đêm tối. Khi trời sáng, Mây thấy mình ở một nơi xa lạ mà người ta nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng cô  không thể hiểu. Mây biết mình bị lừa.

Gã đàn ông lừa cô cũng “đánh bài ngửa”: “Mày sẽ bị chúng tao bán, hoặc là vào nhà thổ hoặc là đi làm vợ người ta, cho mày chọn”. Sau đó, Mây bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ với giá tương đương 7 triệu đồng Việt Nam.

Mây làm vợ xứ người nhưng thực chất là bị đối xử như nô lệ. Mỗi khi cô  nhớ nhà đòi về thì nhà chồng lại cho uống một thứ nước “nhờ nhờ vàng vàng”. Uống xong thứ nước ấy, Mây quên hết tất cả, cô lại tiếp tục sống những tháng ngày tủi nhục.

Có lần đi chợ, gặp một người phụ nữ  có vẻ từng trải từ Việt Nam qua giao hàng, Mây kể hết hoàn cảnh của mình. Người phụ nữ  bảo: “Em bị họ lừa rồi, cái  nước nhờ nhờ vàng vàng ấy đó là thứ thuốc quên, em uống vào sẽ không nhớ nhà nữa.

Nếu họ cho uống nước ấy thì bí mật đổ đi, ra đây chị chỉ đường cho mà trốn”. Mây về làm theo lời chị kia và trải qua nhiều chặng đường khổ ải, cuối cùng cô về được nhà mình.

Mây tố cáo bà hàng xóm lừa bán mình năm xưa. TAND thành phố Hà Nội xử phạt Đào Thị Đồi 5 năm tù giam và phải bồi thường cho Mây 30 triệu đồng.

Phiên toà xử xong, Mây lặng lẽ bỏ vào miền Nam làm thuê. Bởi mỗi ngày ở lại làng quê là mỗi ngày Mây lại thấy dâng lên nỗi buồn tủi, lại thấy hoài nhớ  cái tuổi trăng rằm đầy hứa hẹn của mình ngày nào.

Lần này, bà Lan cũng không thể vào miền Nam tìm Mây. Nhưng lần đầu tiên trong suốt cuộc trò chuyện, tôi thấy người mẹ ấy nở nụ cười tươi: “Cho đến bây giờ con gái tôi vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường 30 triệu đồng.

Gọi là bồi thường thế thôi, chứ chẳng có gì có thể bồi thường được 10 năm con gái tôi sống như địa ngục ở xứ người, 7 năm tôi lang thang trên đất Trung Quốc. Tôi mất 7 năm tuy không tìm được Mây nhưng tôi lại tìm được một niềm tin: Trong cõi đời này, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo chú ạ”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.