Bẽ bàng nghề tiếp thị rượu bia

Bẽ bàng nghề tiếp thị rượu bia
Người quản lý chúng tôi cầm xấp giấy A4 viết nguệch ngoạc trên đó công dụng của các loại rượu, chỉ cho chín đứa tôi những mánh khóe ứng phó các tình huống khi khách hàng “bắt bí”.
Bẽ bàng nghề tiếp thị rượu bia ảnh 1
Những cô gái tiếp thị có ngoại hình xinh đẹp thường là mục tiêu săn đuổi Ngậm ngùi sau những ly biacủa các đại gia

Sau một buổi “tập huấn”, cô phân công chúng tôi về các quán nhậu trong thành phố làm việc. Lương của chúng tôi được trả bằng tiền hoa hồng trên mỗi chai rượu bán được. Vì thế, chúng tôi phải dụ được khách nếu không muốn cuối tháng buồn hiu hắt với cái túi trống rỗng.

Những cô gái tiếp thị có ngoại hình xinh đẹp thường là mục tiêu săn đuổi Ngậm ngùi sau những ly bia của các đại gia.

Đụng hàng

Hiên, Phương và tôi được phân công về quán nhậu khá lớn ở quận 7. Hiên hơn tôi hai tuổi, xinh xắn, trắng trẻo, nhìn mơn mởn cứ như gái mới lớn, chẳng bù với anh chồng quanh năm làm phụ hồ, da sạm nắng, những nếp nhăn hằn rõ trên gương mặt sần sùi, lam lũ.

Anh lầm lì, ít nói, hàng râu quanh mép xồm xoàm khiến vẻ mặt càng thêm bặm trợn. Vậy mà anh lại rất hiền, cưng vợ hơn trứng mỏng, đêm nào cũng ngồi chóc ngóc bên mép đường chờ đón Hiên.

Quán nhậu TT gần khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Q7 có không gian rộng, thoáng, những món ăn khá ngon nên dân nhậu thường xuyên đến đây. Khách lúc nào cũng đông nghẹt, trong khi nhiều quán gần đó lại èo uột.

Rượu của công ty chúng tôi gởi ở đây xếp dày trong tủ gỗ. Ông chủ quán khá trẻ, nhìn lớt phớt qua ba đứa tôi chẳng thèm hỏi han.

Chúng tôi luôn phải quét dọn, kê bàn ghế, bưng bê, chạy món ăn y như mấy đứa phụ quán, dưới con mắt xoi mói chẳng mấy thiện cảm của đám tiếp thị bia.

Sáu ông khách có vẻ sang trọng bước vào. Tôi chạy lại hỏi các ông dùng gì và không quên nhấn mạnh còn có “rượu thuốc”.

Hình như dân bia bọt khoái nhậu rượu hơn bia, nhất là thứ quý hiếm như “Dương Tửu”, có công dụng “tráng dương bổ thận” (theo lời rao của chúng tôi) khiến các vị rất thích dù giá khá cao.

Ông đầu hói bảo tôi mang rượu cho các anh nhấm thử. Sau khi gật gù khen ngon và nằng nặc đòi tôi uống một ngụm “giao lưu”, ông bảo tôi lấy thêm hai chai.

Tôi mừng khấp khởi vì gặp được khách sộp. Mấy nhỏ tiếp thị bia Tiger thấy tôi cứ chốc chốc chạy vào mang rượu ra thì nhìn theo hằn học, xầm xì gì đó với nhau.

Lát sau, một đứa da ngăm đen, mặt đanh đá, hàng chân mày đã nhổ trụi lũi, kẻ bằng chì nâu sậm hoặc xâm gì đó không rõ, ánh mắt sắc lạnh, ngoắt tôi ra một góc nói chuyện. Hai nhỏ khác lò tò chạy theo. Một đứa hất hàm: “Ê, mày bên tiếp thị rượu à?”.

Tôi gật đầu, hơi ớn ớn, linh cảm có chuyện chẳng lành, nhưng vẫn kênh mặt, ném ánh nhìn thách thức về phía chúng, cố che giấu sự sợ hãi trong lòng.

Con nhỏ bảo: “Mới vào làm được có mấy ngày mà định giành khách với tụi tao sao? Tụi bay không được chào hàng trước, chỉ khi nào tụi tao mời bia mà khách từ chối thì mới tới phiên tụi bay, coi liệu hồn mày đấy!”.

Cam chịu...

Hai ngày liên tiếp, chúng tôi không dám mở miệng mời rượu của công ty mình, trong khi vẫn phải ra rả “chào” bia giúp họ. Tôi để ý thấy tụi nó toàn tiếp thị khách uống bia Tiger, Heineken, hoặc Sài Gòn... tuyệt nhiên không đá động đến rượu của chúng tôi.

Nhiều khách dễ chịu thì khoát tay “cái gì cũng được, miễn không phải... nước ngọt”, còn với ai yêu cầu được uống rượu, họ lấy hàng của quán mang ra. Chúng tôi cảm thấy họ “chơi” không đẹp nên rất ấm ức.

Phương bảo: “Chị à! không bán được rượu thì mình chẳng có tiền, hay là xin chuyển quán khác? Tụi này dữ lắm, mình đấu không lại đâu”.

Phương còn đi học, ngày lên giảng đường, chiều mang bụng đói lọc cọc đạp xe từ trường Đại học KHXH&NV sang tận Q7 tiếp thị rượu, đến 21 giờ đêm mới về ký túc xá ở Q1.

Trước đây, Phương từng xin dạy thêm, ba, bốn lần bị mấy “trung tâm ma” lừa quịt tiền, đi rửa chén thì bị chủ xài xể, ép công... nhiều lúc em tủi thân buồn rớt nước mắt!

Nghĩ tới lũ em đen trũi ở nhà thiếu ăn, thiếu mặc; cái dáng tần tảo của mẹ lọ mọ quanh năm ven hồ lạnh xúc ốc đổi gạo; bước chân cha liêu xiêu dưới mưa vác từng bao lúa mướn..., Phương thấy chút đắng cay, nhẫn nhịn của em bây giờ có thấm vào đâu so với nỗi khổ ấy!

Tôi chợt hiểu vì sao em thường đắn đo, tằn tiện mỗi khi chi tiêu. Cũng bởi em cảm nhận đồng tiền của cha mẹ nhuốm mồ hôi, nước mắt của sự nhọc nhằn, hy sinh, khiến em không cho phép mình bó gối ngồi than thân trách phận trước thất bại.

Có lần, ông chủ quán nhậu thấy Phương mặc đồ “lúa” quá thì phàn nàn rằng sao công ty tụi em không sắm đồng phục cho nhân viên, đi làm phải trang điểm mới “hút” khách chứ...

Hôm sau, tôi thấy mặt em son phấn lem nhem, cách trang điểm vụng về hệt cô gái quê tập tành làm người lớn. Em nhìn tôi cười ngượng nghịu.

Nụ cười hồn hậu, trong sáng, không vướng bận những lo toan, khác với cái dáng còm nhom, tất tả bưng bê của em, như gom về mình những trách nhiệm...

Ba đứa tôi định về công ty nói rõ tình hình “bia, rượu” nơi chúng tôi đang căng như sợi dây đàn.

Song chúng tôi lại sợ bị đánh giá là mới đi làm vài ngày mà không biết cách hòa hợp, chẳng chịu khó, ưa gây sự với người ta... nên chọn giải pháp im lặng.

Không thể cứ mãi luồn cúi như thế! Tôi nghĩ và tỏ ra lì lợm, bỏ ngoài tai lời cảnh cáo của sắp nhỏ bán bia. Tôi tiếp tục chào mời khách và bán được rượu. Tụi Tiger nhìn tôi với vẻ tức tối!

Khuya, khi bàn ăn chỉ còn lèo tèo vài khách, chị quản lý của nhóm Tiger đẹp như người mẫu, cỡi Dylan tới kiểm tra các em mình làm việc.

Sáu đứa Tiger mặc đồng phục bó sát, bộ váy cũn cỡn ngang đùi, xúm xít bên chị “kể tội” tôi. Chị nhìn tôi chằm chằm rồi nhếch mép cười.

Lát sau, chị trao đổi gì đó với ông chủ trẻ. Có lẽ không cưỡng lại được sự quyến rũ của người phụ nữ này, anh ta nhiệt tình gật đầu lia lịa, ánh mắt nhìn chị đắm đuối. Chị ra về, nhiều quý ông ngẩn người nhìn theo.

Quán đóng cửa, chúng tôi mỗi đứa rẽ một hướng. Phương vội vã nhoài mình trên chiếc xe đạp cũ về ký túc xá.

Đường vắng, cái âm thanh rè rè từ chiếc radio nhà ai phát ra bài hát “bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đạp xe hai mươi cây số, thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm…”.

Bất giác, tôi nghĩ đến Phương, cô bạn đồng nghiệp chịu thương chịu khó. Lẽ nào nhạc sĩ sáng tác ca khúc này tặng riêng cho em?

Bẽ bàng nghề tiếp thị rượu bia ảnh 2
Các cô tiếp thị ngồi giải lao trong lúc chờ khách

Ngậm ngùi...

Như mọi ngày, hôm sau chúng tôi vẫn đến trước 5 giờ chiều để quét dọn, bưng bê, phụ quán. Ông chủ không cần mướn nhiều người chạy bàn, trừ rửa chén, mọi việc đã có đội ngũ tiếp thị chúng tôi làm.

Tôi đang cắm cúi lau lại chiếc bàn đổ bầy hầy thức ăn thì chủ quán ngoắt tôi lại. Không hiểu có chuyện gì, tôi thấy Phương, Hiên đứng đó mặt cúi xuống buồn xo.

Ông chủ cất giọng trầm trầm: “Tụi em chẳng cần làm ở  đây nữa! Bên tiếp thị bia Tiger đã ký hợp đồng dài hạn với quán anh rồi.

Anh nhận thấy hai bên tiếp thị không hòa hợp, làm cùng một chỗ thế nào cũng có chuyện choảng nhau cho coi! Ngay cả mấy bộ đồng phục cho nhân viên, công ty tụi em lo còn chưa xong thì nói gì đến hợp đồng...”.

Thảo nào hôm nay nhìn tụi bia Tiger vẻ mặt hả hê đắc thắng, nếu tôi đoán không lầm thì có lẽ sau buổi trò chuyện và bị tác động bởi “người đẹp” tối qua, ông chủ đã quay ngoắt 180 độ.

“Loại” chúng tôi đi, nhóm bia Tiger bớt một đối thủ có nguy cơ làm giảm doanh số bán bia hằng đêm của họ, ông chủ cũng chẳng lỗ lã gì.

Người phụ trách nhóm chúng tôi vẻ mặt cau có, khó chịu. Anh ta phàn nàn rằng do chúng tôi gây sự nên công ty bị mất nơi làm ăn “béo bở”. ở quán khác chắc gì chúng tôi bán được rượu.

Quả đúng như vậy! Ba đứa tôi được đưa về quán ăn chật chội ở Q4, đứng rã giò, mời mỏi miệng khách nào cũng lắc đầu từ chối.

Hai đêm liên tục chúng tôi không bán được chai rượu nào, nhóm tiếp thị bia Sài Gòn ở đây thấy tội nghiệp quá, giúp chúng tôi “chào hàng”, chèo kéo nhưng vẫn không khá hơn. 

Bà chủ quán sồn sồn, mập phục phịch, chiếc cổ nọng thịt đeo sợi dây chuyền tổ chảng như trưng ra sự thừa mứa, giàu sang. Bà lừ cặp mắt ti hí, môi đỏ chót lè nhè: “Các em để rượu đó rồi về đi, khách nào muốn uống nhân viên của tôi bán giúp cho, chứ đứng đầy ra đó choán cả lối đi”.

Thấy bà cũng chẳng dễ chịu gì, chúng tôi giữ ý tứ hơn, không dám ngồi đâu đó trong quán để tránh cho bà cảm giác chúng tôi phiền toái.

Và bẽ bàng

Lúc vắng khách, chúng tôi lân la sang sạp báo ven đường gần đó mua vài tờ ngồi đọc giết thời gian. Hứa, nhân viên tiếp thị bia Tiger lân la bắt chuyện.

Cô có thân hình đầy đặn, vòng một khá hấp dẫn, ăn nói nhỏ nhẻ và đôi mắt to tròn đen láy, ánh nhìn như hút hồn khiến bất cứ quý ông nào cũng khó lòng cưỡng lại lời mời uống bia để chiều người đẹp. Tôi chặc lưỡi: “Xinh như Hứa chắc bán bia đắt như tôm tươi nhỉ?”.

Hứa rầu rầu: “Cũng chua lắm chị à! Con Mi duyên dáng, khôn lanh, mới làm được bốn ngày bị thằng cha xỉn sàm sỡ, không kiềm chế được nó “tặng” gã một cái tát trời giáng! Gã khùng lên chửi rủa om sòm, nhục mạ bọn tiếp thị chỉ toàn là “gái bán...”!

Con nhỏ nghe sốc quá, khóc một trận đã đời rồi nghỉ luôn! Em chẳng biết trụ nổi được bao lâu”.

Bốn ông khách bước vào quán, mặt đỏ rần, mồm nồng hơi men, hình như đã uống ở đâu rồi thì phải. Hứa lật đật chạy lại hỏi các anh dùng gì. Một ông cột tóc đuôi gà, mắt xếch, mũi tẹt, hàng ria mép rung rung như râu dê, nhìn Hứa từ đầu đến chân rồi cất giọng tỉnh bơ:

- Ở đây có bia CARLSBERG không em?

- Dạ, chỉ có Tiger thôi anh ạ! - Hứa thành thật.

- Tiger sao đủ “đô”? - ông bẻ lại.

Hứa cười gượng, ngớ người ra chẳng biết khách muốn ám chỉ điều gì. Mấy ông ngồi cùng bàn cười hô hố: “Sao em “nai” hay quá dzậy? CARLSBERG nghĩa là cho anh ráng lấy sức bế em ra giường đó, dân tiếp thị bia bọt mà không biết sao? Đùa tí thôi, rót bia cho các anh đi!”.

Hứa cúi gằm đỏ mặt. Đang lúc khui bia, một ông nắm lấy tay em mân mê. Hứa nhẹ nhàng rụt tay bảo bàn kia có khách gọi, rồi lẻn ra sau quán ngồi...

Tôi nhớ lại lời kể của cô bạn từng quản lý một nhóm tiếp thị. Câu chuyện không có hình ảnh thiên thần như tôi vừa bắt gặp, mà là những giọt nước mắt tủi nhục từ sự dễ dãi, cả tin của một số cô gái trẻ vốn quen với cuộc sống ruộng đồng nhưng muốn nhanh chóng thoát nghèo.

Lên thành phố mưu sinh, các em dễ choáng ngợp trước vẻ từng trải, giàu sang của các quý ông. Có chút nhan sắc, được các đại gia săn đón, tưởng sắp đổi đời, nhiều em làm tiếp thị một vài tháng đã xin nghỉ với lý do “anh ấy bảo em ở nhà, lương em bao nhiêu ảnh chu cấp hết”.

Và khi đã bướm chán ong chường, mấy ông bỏ mặc các em bơ vơ, tiếp tục trò chơi “bao trọn gói” với một bóng hồng khác.

Đau đớn, uất hận nhưng trót lỡ có thai ngoài ý muốn, các em đành âm thầm tự mình đi “giải quyết”. Nhiều em không đủ can đảm phá bỏ đã đến khóc lóc, năn nỉ bạn tôi xin làm tiếp để có tiền... nuôi con. 

Ba đứa tôi nhìn nhau ngán ngẩm. Có lẽ món ăn ở đây dùng rượu không phù hợp nên gần một tuần trôi qua mà chúng tôi chẳng bán được chai nào. Hiên nản quá đã nghỉ. Tôi và Phương ráng thêm ít hôm rồi cũng bỏ.

Vài ngày sau, chúng tôi quay lại công ty xin nhận lương trên số rượu bán được trước đó. Anh phụ trách muốn quịt tiền công của chúng tôi nên bảo: “Không lương bổng gì hết, nghỉ ngang là mất trắng!”.

Chúng tôi thanh minh rằng quán bên Q4 rất ế ẩm, không thể mất thời gian ngồi đó trơ mắt nhìn khách và dù sao chúng tôi cũng làm được gần một tháng... Năn nỉ ỉ ôi mãi cũng chẳng thuyết phục nổi anh, chúng tôi đành ngậm ngùi tay trắng ra về.

Phương buồn ứa nước mắt. Bước chân em nặng nề, thất thểu. Bao vất vả, cố gắng của những buổi chạy bàn bơ phờ mà bụng đói cồn.

Những đêm khuya lạnh đạp xe về một mình đường vắng, mưa Sài Gòn đổ bất chợt, em ngồi co ro nấp bên mép đường, nghĩ tới những lần khách có cử chỉ sàm sở em đều khôn khéo “mọc gai tự vệ” để giữ mình.

Mơ ước sắm cho lũ em mỗi đứa một cái áo mới bây giờ đã xa vời. Phương ơi! Tôi muốn nói với em rằng, đồng tiền lương thiện bao giờ cũng đắng cay, nhọc nhằn như thế đấy!

Theo Công an TP HCM

MỚI - NÓNG