Bé gái xem điện thoại, ông bố trẻ lấy đũa vụt liên tiếp vào tay

Nếu muốn con không chơi điện thoại thì chính bố mẹ cũng cần không dùng điện thoại quá đà. Ảnh: Như Ý.
Nếu muốn con không chơi điện thoại thì chính bố mẹ cũng cần không dùng điện thoại quá đà. Ảnh: Như Ý.
TP - Giờ ăn cơm, bé gái mải mê với chiếc điện thoại. Thấy bát cơm còn nguyên, người bố giật lại chiếc điện thoại. Cô con gái òa khóc nhưng không ai dỗ. Một hồi quát nạt không được, ông bố trẻ lấy đũa vụt liên tiếp vào tay cô bé. Tiếng khóc ngày một to hơn...   

Chỉ mới bắt đầu vào hè đã có không ít những vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em: Bị xâm hại, lạm dụng tình dục, đối xử bạo lực; bị đuối nước, tai nạn giao thông, nghiện game... đến nhập viện. Trong số này có một tỷ lệ lớn trẻ em bị “bỏ rơi”, dẫn tới những hậu quả đau lòng. Vậy làm thế nào để trẻ em có một mùa hè an toàn? 

Bài 1: Khi điện thoại thông minh thành “bảo mẫu”

Trong một quán ăn nhỏ ven đường ở Hà Nội, hai vợ chồng trẻ đang ăn cơm rang thì cô con gái nhỏ vẫn mải mê với chiếc điện thoại. Thấy bát cơm còn nguyên, người bố giật lại chiếc điện thoại. Cô con gái òa khóc nhưng không ai dỗ. Một hồi quát nạt không được, ông bố trẻ lấy đũa vụt liên tiếp vào tay cô bé. Tiếng khóc ngày một to hơn...

Khi con thích đành phải chịu

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em ham mê điện thoại di động hiện nay. Theo một khảo sát nhỏ của phóng viên Tiền Phong, cứ khoảng 10 gia đình được hỏi thì có 7 - 8 bậc phụ huynh lựa chọn phương án đưa điện thoại để con chơi. Là dân văn phòng, nhưng do tính chất công việc, trung bình khoảng 18h, chị Vân Anh (28 tuổi, Hà Nội) mới rời công sở để về nhà.

Về nhà con trai chị như cái “đuôi” lẽo đẽo đằng sau, dù chị có cả đống việc phải làm như nấu nướng, dọn dẹp, thậm chí tiếp tục phải trực. Chồng chị hay đi công tác dài ngày, lại không có ông bà ở cùng, không đủ điều kiện thuê người giúp việc, chị phải cáng đáng hết mọi việc.

“Những lúc nấu cơm hay bận trực là tôi thường đưa cho con chiếc điện thoại để nó ngồi yên một chỗ. Nếu không thì không làm được gì”, chị Vân Anh chia sẻ. Con trai chị chỉ thích xem các video trên youtube nói về trẻ em, hoạt hình chứ không thích game. “Đặc biệt, cháu thích các clip tiếng Anh cho trẻ em”, chị Vân Anh nói.

29 tháng tuổi, con chị Vân Anh đã biết hết bảng chữ cái tiếng Anh, tiếng Việt, biết đọc, biết đếm từ 1-100 bằng tiếng Anh. Chị kể, nếu nhìn thấy đồ vật gì, con chị sẽ bật ra bằng tiếng Anh, chị phải hỏi thêm bằng tiếng Việt thì mới nói được. “Mọi người nghĩ là tốt nhưng tôi thấy không tốt tí nào. Người Việt phải biết tiếng Việt trước. Chắc tại con tôi xem điện thoại quá nhiều”, chị Vân Anh nói, và đồng ý với nhận định, hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay đều cho con trẻ dùng điện thoại di động khi bận. “Tôi cũng sợ lắm. Bất đắc dĩ mới phải cho dùng thôi. Giá như có người trông là tôi không cho con chơi đâu”, chị Vân Anh nói.

Cùng chung nhận định, chị Bình Minh (Hà Nội) thừa nhận, khi bận việc thường cho hai cậu con trai (sinh đôi) dùng điện thoại, tuy nhiên, có hạn chế về thời gian. “Mỗi ngày tôi chỉ cho dùng khoảng 10 – 15 phút rồi tịch thu luôn. Chủ yếu lúc ăn cơm xong, bố mẹ vào facebook thì chúng nó cũng thích xem”, chị Minh nói. Theo chị Minh, trẻ con rất thích điện thoại, nên việc lấy lại điện thoại từ tay trẻ con là cả một vấn đề, thậm chí phải có biện pháp “cưỡng chế”.

Chị Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) đã có hai con, trong khi công việc lại nhiều. “Khi con thích đành phải chịu, phải đáp ứng thôi. Vì smartphone có quá nhiều thứ hấp dẫn”, chị Hà nói. Chị Hà cũng thừa nhận, đó là hành động không tốt cho sự phát triển của trẻ, nhưng công việc quá bận, nhiều khi con đòi mẹ chơi cùng nhưng không thể dứt ra được đành phải dỗ bằng điện thoại di động.

“Có lúc mạng chậm, con khóc giãy đành đạch. Mình thấy trẻ con thành phố nhiều khi hay cáu gắt cũng vì lý do này. Công nghệ phát triển quá nhanh, trong khi bố mẹ và trẻ chưa có kỹ năng ứng xử với công nghệ nên mới gây ra những thứ dở khóc dở cười”, chị Hà nói.

“Nếu muốn con không chơi điện thoại thì chính bố mẹ không nên dùng điện thoại. Nếu người lớn có thời gian tạo nhiều trò chơi, chơi cùng con là chúng sẽ quên điện thoại ngay. Điện thoại là con dao hai lưỡi nên tốt nhất phụ huynh phải cố gắng dành thời gian cho con thôi”, chị Hà nêu quan điểm.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ và sinh lý đứa trẻ

Quanh vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội kể câu chuyện của chính gia đình chị. Con gái chị năm nay 17 tuổi, được phép sử dụng thiết bị thông minh từ năm 15 tuổi sau khi ký với chị thỏa thuận dài 2 trang, trong đó có nhiều “điều khoản” như không được “block” mẹ, không được nói bậy, không xem clip nhạy cảm và một ngày chơi quá 1 tiếng là bị tịch thu thiết bị.

“Từ năm lớp 9 bố đã mua điện thoại thông minh cho dùng, nhưng bị mình tịch thu ngay sau đó”, chị Hương kể. Theo chị Hương, dù đã 17 tuổi, nhưng nếu con chị dùng “nhố nhăng” là bị thu ngay. “Mình nuôi con thấy không có gì quá khó khăn. Nhà mình không có người giúp việc, các bà đều không ở cùng. Nếu nghĩ cho con thì mọi thứ đều sắp xếp được”, chị Hương nói. Theo chị, phụ nữ nước ngoài ít khi vì sự “bận” mà cho con chơi điện thoại nhiều như bố mẹ Việt.

“Theo nghiên cứu gần đây, điện thoại thông minh có thể gây chứng chậm nói cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ chơi điện thoại thì sẽ ngồi yên một chỗ. Vì thế, các cha mẹ thường lấy điện thoại ra dỗ con để làm việc khác. Rõ ràng là họ quan tâm đến công việc của bản thân mình hơn là sự phát triển của trẻ”, chị Hương nói.

Theo chị, nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế đã chứng minh những ảnh hưởng của điện thoại thông minh đến não bộ trẻ. Bản thân chị đã chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc, như có em bé sau 1 năm chơi điện thoại thì mắt từ 10/10 giảm còn 3/10. Có em bé chơi điện thoại nhiều đêm nằm la hét ầm ĩ.

“Riêng việc các bé vào mạng, xem các clip nhạy cảm thì rất phổ biến. Chỉ đến khi con nói bậy hay làm bậy thì bố mẹ mới tá hỏa”, chị Hương nói và cho rằng, trước khi có điện thoại thông minh, chúng ta vẫn có hàng ngàn cách truyền tải và khám phá tri thức, dạy dỗ con cái. Hơn nữa, điện thoại không giúp trẻ nâng cao kĩ năng sống mà chỉ khiến chúng lười hoạt động, lười tư duy.

“Lợi ích của việc sử dụng điện thoại là có nhưng không đáng để chúng ta phải hy sinh nhiều thứ của trẻ như tính năng động, kĩ năng khám phá cuộc sống, kĩ năng tự xử lý các vấn đề tâm lý. Rõ ràng điều đó lợi bất cập hại”, chị Hương khẳng định.

Về vấn đề này, một bác sĩ chuyên ngành Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103 khẳng định, việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển sinh lý của đứa trẻ như giảm sự tập trung, hay cáu giận..., thậm chí, có thể gây ra chứng lười vận động, bệnh tự kỷ, không có kỹ năng giao tiếp. Và đã có không ít trẻ em phải nhập viện vì nghiện game.

(Còn nữa)

Đầu năm 2016, Công ty marketing SuperAwesome (Anh) công bố nghiên cứu dựa trên thói quen của 1.800 trẻ em độ tuổi 6 đến 14 tại các thị trường ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng 87% trẻ em khu vực sử dụng smartphone, trong đó hơn một nửa đang sở hữu một chiếc smartphone.

Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ em tại Mỹ ở cùng độ tuổi. SuperAwesome cũng cho biết trẻ em tại Đông Nam Á sử dụng smartphone chủ yếu để chơi game, trong đó 70% trẻ em chơi game trên smartphone trong thời gian rảnh, cao hơn tỷ lệ tại Mỹ.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của tổ chức Kaiser Foundation năm 2015 cho thấy, trẻ em sử dụng smartphone, máy tính bảng nhiều gấp 4 đến 5 lần thời lượng cho phép, đôi khi gây nên những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tâm sinh lý, khả năng học hỏi của trẻ em, làm chậm sự phát triển của giác quan vận động và thị giác; ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp; tăng khả năng mắc các chứng bệnh về tâm thần; khiến trẻ em hung hăng hơn; thiếu đi các kỹ năng cộng đồng...

MỚI - NÓNG