Bè nhóm “chọc thủng” tình bạn sinh viên

Bè nhóm “chọc thủng” tình bạn sinh viên
TP - Đến lớp, ngồi tập trung theo nhóm, chơi theo nhóm, nói chuyện theo nhóm... Sự đoàn kết, gắn bó giữa bạn bè đang bị rạn nứt dần bởi kiểu “chia bè kết nhóm”, diễn ra khá phổ biến trong giới sinh viên.
Bè nhóm “chọc thủng” tình bạn sinh viên ảnh 1

Sinh viên rất cần được sống trong tình bạn trong sáng  (Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh)

Đột ngột xin từ chức lớp trưởng sau ba năm đương nhiệm, P.A khiến cho cả tập thể K50 (ĐHKHXH&NV) ngỡ ngàng. Hỏi lí do, P.A chỉ lắc đầu cười buồn: “Mình không đủ năng lực để quản lí và lãnh đạo lớp, để gắn kết các thành viên lớp lại với nhau”.

P.A chia sẻ: “Lớp mình nhìn bề ngoài thì khá ổn nhưng trong nội  bộ rất có vấn đề. Mọi người không thực sự đoàn kết, mà chia thành từng nhóm. Các phong trào đoàn hội, các cuộc giao lưu…chẳng bao giờ nhận được sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình của mọi thành viên lớp. Nói ra thì thật đáng buồn nhưng tuy đã gần hết năm thứ ba, lớp mình vẫn chưa một lần cùng nhau đi chơi tập thể...”.

Đến giảng đường K50..., chỉ cần tinh ý một chút, bạn có thể dễ dàng nhận ra sự phân tầng, phân nhóm ở đây. Hai bàn phía trên là những dân VIP, học hành ngất ngưởng, điểm cao chót vót, thầy cô đều quen mặt biết tên.

Xóm giữa thuộc hạng thường thường bậc trung, cái gì cũng bình bình, làng nhàng... Mấy bàn dưới tề tựu lại thành “xóm nhà lá”, bao gồm những tay “tùy tiện có tiếng”, mặc sức tung hoành trốn tiết, ngủ gật, buôn chuyện, ăn quà... Theo lời Hà, một cư dân của “xóm nhà lá”, xóm được thành lập đã lâu, khoảng từ giữa năm thứ nhất, và định cư cho đến tận bây giờ. Mỗi xóm trong lớp sở hữu một địa phận bất di bất dịch. Cư dân trong các xóm gần như yên vị trong các địa phận riêng rẽ ấy.

Cũng chơi theo phe cánh, song lớp của Giang (ĐHLĐXH) lại “chia bè” theo cách khác. Một phe là những dân “sành điệu”, quần áo “thời trang”, di động  “đời mới”, xe máy “xịn”. Một bên là những “con nhà nghèo”, tối ngày tất tả làm thêm trang trải học hành.

“Những cuộc vui hay chuyến đi chơi do các cá nhân “sành điệu” khởi xướng, nhóm “bình dân” chẳng hào hứng tham gia. Ngược lại, dân “sành điệu” cũng nhìn bọn mình với con mắt không mấy thiện cảm”... một thành viên phe “bình dân” thật thà kể.

Sự phân tầng, phân nhóm tuy không công khai nhưng bộc lộ khá rõ nét. Mọi người ai cũng đều ngầm hiểu. Các chiến hữu “cùng chung một chiến hào” rất cởi mở với thành viên của “phe mình”, còn  với những người khác chỉ đối xử theo kiểu xã giao, thậm chí lạnh nhạt và hờ hững. 

Chia thành “phe”, chơi theo “nhóm”, sinh viên nhiễm luôn cái tâm lí “cục bộ”, “cá nhân chủ nghĩa”... Và nhóm nào biết nhóm đấy. Đến lớp, nhóm tập trung “buôn dưa lê, bán dưa hấu”. Rảnh rỗi nhóm tụ tập đi chơi. Tất cả thường chỉ diễn ra trong phạm vi “nội bộ”.

Một tập thể lớp thống nhất bỗng nhiên bị xé lẻ, bị phân tán. Những phong trào, hoạt động ở phạm vi rộng hơn, kêu gọi sự tham gia của cả lớp dường như nằm ngoài sự quan tâm của các nhóm.

Song, khi quyền lợi của nhóm nào bị xâm hại, chiến tranh lạnh  nhất định sẽ nổ ra. Nhóm này săm soi nhóm kia, xét nét từng li từng tí. Đặc biệt, nếu chẳng may một thành viên nhóm nào đó dính scandal, y như rằng nó trở thành đề tài “hot”, được đem ra bàn tán sôi nổi trong các nhóm còn lại.

Mỗi lớp đại học có trung bình từ 50 -100 người. Quen hết được nhau đã khó, gần gũi- thân thiết với nhau lại càng khó hơn. Không ít trường hợp học cùng lớp, ngày ngày ngồi chung một giảng đường, nhưng khi gặp nhau bên ngoài  thì tỏ ra hoàn toàn xa lạ.

Hương (ĐHSPHN) thú thật: “Học đại học đã  hơn 3 năm, nhưng để nhớ hết các bạn trong lớp thì mình chịu. Có bạn mình nhớ mặt mà chẳng nhớ tên. Có bạn thậm chí chưa nói chuyện bao giờ”.

Thời tín chỉ, thực trạng này càng phổ biến. Bởi lẽ, thời gian, địa điểm học thay đổi liên tục, số sinh viên theo học ở từng môn, từng giảng đường cũng luôn dao động. Những sinh viên cùng lớp khó có cơ hội gặp nhau thường xuyên. Sợi dây liên kết giữa họ vốn đã mong manh nay lại càng yếu ớt. Thủy (K52 ĐP, ĐHKHXH&NV) tâm sự:

“Tiếng là học cùng lớp nhưng mỗi người lại đăng kí một lịch học khác nhau, tùy  từng điều kiện cụ thể. Thế nên, suốt cả tuần họa chăng lớp mình chỉ tề tựu đông đủ trong một buổi sinh hoạt hiếm hoi nào đó”.

Viếng thăm những nơi ở tập thể của sinh viên, tôi cũng được lắng nghe những điều không mấy vui vẻ xoay quanh chuyện “bè phái, vây cánh”. Thu (K50QL, ĐHKHXH&NV) lo lắng:

“Mình vừa chuyển đến làng sinh viên được hơn một tháng. Vì là nhân mới nên làm gì cũng phải khúm núm, khép nép...Ở chưa được bao lâu song cũng kịp nhận ra hai phe đối nghịch trong phòng. Mình hoang mang lắm vì chẳng biết nên theo ai, nên chống lại ai, nếu sống theo kiểu trung lập thì chắc chắn sẽ bị “cô lập”.

Tình bạn thời sinh viên vốn luôn được trân trọng, ngợi ca bởi chính sự chân thành và trong sáng. Nhưng, những tình cảm đẹp đẽ ấy sẽ đi về đâu khi mà tình trạng “chia bè, kết cánh” đang ngày càng phổ biến trong giới sinh viên?

MỚI - NÓNG