Bí thư chi đoàn hiến đất xây trường

Bí thư chi đoàn hiến đất xây trường
TP - A Dũng - Bí thư chi đoàn Kon Rá, xã Đăk Tơ Lung (Kon Rẫy, Kon Tum) được cấp tấm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với diện tích 9.500m2, mỗi năm trồng mì (sắn) cũng thu được trên dưới vài chục triệu đồng.
Bí thư chi đoàn hiến đất xây trường ảnh 1

Bí thư chi đoàn A Dũng trước ngôi nhà đơn sơ của mình

Dù gia đình không khấm khá gì nhưng khi có chủ trương “Hiến đất xây trường”, anh hiến tặng luôn và đem sổ đỏ trả lại cho Nhà nước.

Làng Kon Rá, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) của người Xơ Rá nằm bên dòng sông Đăk Snghé, bao đời nay hơn 100 con người của làng chỉ quen sống với cái nương, cái rẫy còn chuyện học của con trẻ ít ai ngó ngàng tới.

Hiện nay, số con em của làng học lên đến lớp 12 đếm chưa hết một bàn tay (4 em). Chưa hề có ai học lên đến cao đẳng, đại học...

Cán bộ xã, cán bộ huyện đến làng mời bà con tới nhà rông vận động các hộ dân hiến đất xây trường học. Cán bộ nói rõ, nếu không tìm được nơi xây trường tại làng, thì số tiền khoảng 7,5 tỷ đồng này sẽ chuyển đến xã khác để xây dựng.

Nghe đến đây, Bí thư chi đoàn A Dũng liền giơ tay phát biểu: “Nơi dự kiến xây trường là đất của vợ chồng tôi, nếu thu hồi lại để xây trường tôi tình nguyện hiến tặng cho Nhà nước!”. Tiếng vỗ tay rầm rầm. Ngay sau lời hiến tặng đất xây trường, A Dũng đã mang ngay sổ đỏ, hồ sơ giấy tờ đất nộp lại cho cán bộ xã huyện.

A Dũng cho biết: “Mình là bộ đội phục viên mà. Giá như mình có “cái trình độ” thì cơ hội được phục vụ lâu dài trong quân đội là rất lớn. Bây giờ mình thấy thất học (học hết lớp 5) là quá thiệt thòi”.

Bí thư chi đoàn hiến đất xây trường ảnh 2
Mảnh đất A Dũng hiến nay đã được xây dựng trường học

Rồi anh tiếp lời: “Có trường lại ở gần làng, nhất định tụi nhỏ trong làng sẽ có điều kiện học lên cao, chứ không thiệt thòi như tụi mình ngày trước, phải đến trường xa cả chục cây-số”.

Vì chuyện học hành của con trẻ, A Dũng tặng mảnh đất bằng phẳng mà cha ông để lại bao đời nay, bây giờ anh cũng đang rất khó khăn về đất sản xuất, gia đình mất đi nguồn thu nhập chính. Nhưng không vì thế mà anh buồn, bởi “không được học “cái chữ” thì khổ lắm, không chỉ một mình khổ mà cả dân làng cùng khổ”.

Hơn 8 năm làm “thủ lĩnh” thanh niên, A Dũng đã xây dựng phong trào Đoàn thuộc diện mạnh nhất xã, nhất là văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao và hàng năm xây dựng được quỹ Đoàn 5-6 triệu đồng...

Theo A Dũng nhờ chi đoàn vững mạnh nên tình trạng thanh niên trong làng nhiều năm nay không hề gây gổ đánh nhau, không “chúi mũi” vào rượu chè mà quên tăng gia sản xuất, trong chi đoàn không vi phạm pháp luật...

già làng A Biuh nhận xét “Bí thư chi đoàn A Dũng cái bụng thật là tốt, có cái đầu nghĩ được thật xa, hiến tặng đất xây trường thì mai mốt đây trong làng sẽ có đứa học lên được cao đẳng, đại học cho mà coi...”.

MỚI - NÓNG