Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên
TPO - Tại buổi giao lưu trực tuyến trên Tiền phong Online sáng nay 23/3,  với chủ đề “Nâng cao chất lượng Đoàn cơ sở và đoàn viên”, 6 Bí thư Đoàn xuất sắc đoạt giải thưởng 26/3 đều khẳng định như vậy.

8 giờ 30 phút sáng nay (23/3), 6 Bí thư xuất sắc được trao giải thưởng 26/3 đã có mặt ở trụ sở báo Tiền phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội). Những gương mặt rạng ngời, những cái bắt tay làm quen siết chặt cùng màu áo xanh truyền thống của Đoàn như làm bừng lên không khí sôi động của hội trường.

Đúng 9 giờ, chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu. Anh Phùng Kông Sưởng – Phó Bí thư Liên chi đoàn báo Tiền phong – đã giới thiệu những vị khách mời đến tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Về phía T.Ư Đoàn có chị Nguyễn Thị Hà - Ủy viên Ban Thường vụ; anh Doãn Đức Hảo – Phó ban Tổ chức TƯ Đoàn và một số cán bộ đại diện cho các ban T.Ư Đoàn.

Khách mời tham dự chương trình:

- Anh Nguyễn Tri Thức, sinh năm 1973 - Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM);

- Anh Nguyễn Quý Hợi, sinh năm 1983 - Bí thư Đoàn phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội);

- Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh, sinh năm 1982 - Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học - Đại học Huế;

- Anh Nguyễn Đức Phước, sinh năm 1976, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận);

- Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu, sinh năm 1983 - Bí thư Đoàn phường 8 Thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre);

- Anh Nguyễn Phi Trường, sinh năm 1971 - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng).

Buổi giao lưu bắt đầu:

Trần Kim Loan; Email: Kanguru7980@yahoo.com: Là Bí thư Đoàn giỏi, xin bạn cho hỏi làm sao để thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn? Các phong trào Đoàn hiện nay hình như chưa thu hút được đoàn viên, một số phong trào chỉ mang tính bề nổi chưa mang tính chiều sâu. Các bạn có thể chia sẻ thêm một số kinh nghiệm để thu hút đoàn viên địa bàn dân cư đến với tổ chức Đoàn?

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 1
Anh Nguyễn Đức Phước

Anh Nguyễn Đức Phước: Thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn có rất nhiều yếu tố khác nhau phù hợp theo vùng miền địa phương, đơn vị. Yếu tố quan trọng là cần thu hút thanh niên vào các hoạt độnng trọng tâm.

Kinh nghiệm của tôi ở chi đoàn cơ sở xã Vĩnh Hải là tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng cho thanh niên; tổ chức các hoạt động phong trào bề nổi như văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu... Các bạn thanh niên đã tham gia nhiệt tình và tự nguyện.

Ngoài ra, để thu hút thanh niên, Bí thư chi đoàn còn liên tục tìm đến động viên những đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn như giúp đỡ về vật chất, cho vay vốn, vận động đổi công giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành công việc. Đồng thời, chú ý thay đổi sinh hoạt phù hợp với sở thích thanh niên như tổ chức hoạt động trong các ngày lễ lớn như: 3/2, 26/3, 30/4, 19/5...

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng (nhóm TCM), tổ chức giải bóng đá phong trào, giải bóng chuyền, tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử của địa phương về Đảng, về Bác, tổ chức giới thiệu việc làm cho thanh niên nhất là việc làm ở các công trình tại địa phương như: xây dựng đường bê tông hoá nông thôn; nhà cộng đồng, nước tự chảy, xây dựng kênh mương cấp 3, đảm nhận phòng việc thanh niên như nhận rừng khoán quản, trồng cây,...

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 2
Anh Nguyễn Phi Trường

Anh Nguyễn Phi Trường: Để thu hút đông đảo đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn, vai trò của cán bộ Đoàn hết sức quan trọng. Trước hết, cán bộ Đoàn phải nắm được tâm tư nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, tổ chức những hoạt động phù hợp với nhu cầu chính đáng của họ.

Tổ chức Đoàn đến với thanh niên bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, luôn thay đổi hình thức hoạt động để thanh niên đỡ nhàm chán và hoạt động đồng có tính chất chiều sâu.

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh: Để thu hút được đoàn viên tham gia tổ chức trước hết phải đáp ứng được nhu cầu của họ. Người tổ chức cần phải nắm bắt được đoàn viên cần gì để xây dựng các chương trình hoạt động, lúc đó sẽ thu hút được đoàn viên tham gia.

Người thủ lĩnh Đoàn còn phải mềm dẻo trong việc tổ chức các hoạt động, không nên đưa các hoạt động dưới dạng mệnh lệnh bởi hoạt động Đoàn chính là chia sẻ và giao lưu với mọi người.

Anh Nguyễn Tri Thức: Hoạt động của Đoàn phải bám sát thực tế tại đơn vị. Ví dụ về nhiệm vụ chính trị của đơn vị, năng lực của các bạn đoàn viên thanh niên và khả năng tài chính của tổ chức Đoàn tại đơn vị.

Theo mình, quan niệm hoạt động Đoàn chỉ mang tính bề nổi là chưa thực sự chính xác bởi Đoàn có nhiều hoạt động mạng tính lâu dài. Thực tế về hoạt động Đoàn có thu hút được đoàn viên hay không phụ thuộc vào vai trò của người Bí thư Đoàn cơ sở.

Ví dụ: tất cả mọi hoạt động Đoàn phải đặt lợi ích của đơn vị của đoàn viên lên hàng đầu thì mọi hoạt động mới "sống" được và mang lại hiệu quả thiết thực.

Muốn Đoàn cơ sở phát triển mạnh thì không nhất thiết phải đi theo cứng nhắc các chỉ tiêu. Mình cần biết thế mạnh của mình để lựa chọn trọng tâm hoạt động.

Nguyễn Thanh Hoàng; Tỉnh Đoàn Thái Nguyên; Email: tckt_tdtn@yahoo.com

1. Theo bạn đối với cấp xã, phường, thị trấn bây giờ có cần Phó bí thư không?

2. Theo bạn, đoàn viên khối xã phường, thị trấn đi làm ăn theo mùa vụ thì cách thức quản lý như thế nào để vừa được con người và được phong trào? Hình thức sinh hoạt Đoàn ở cấp chi đoàn làm sao để lôi cuốn họ vào tham gia sinh hoạt?

Anh Nguyễn Đức Phước: Theo tôi, với cấp xã, phường, thị trấn cần phải có Phó bí thư Đoàn để hỗ trợ Bí thư tổ chức các hoạt động, phong trào Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở địa phương.

Số lượng đoàn viên cơ sở hiện nay rất đông, vì thế việc tổ chức họat động cho thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, chỉ một Bí thư không thể làm chu đáo và tốt được, sự hỗ trợ của Phó bí thư là rất cần thiết.

Ở địa phương của tôi, đến mùa trồng lúa, nho, hành tỏi... đa phần thanh niên đi làm ban ngày, chúng tôi tổ chức cho thanh niên sinh hoạt Đoàn vào buổi tối và tổ chức các hoạt động phù hợp với từng địa phương như hướng dẫn cho thanh niên các kiến thức về khoa học kỹ thuật như phòng trừ sâu bệnh trên nho hành tỏi và cách thức quản lý, chăm bón cây trồng...

Với hình thức này, thanh niên vừa làm việc nhà vừa tham gia sinh hoạt Đoàn để có thêm kiến thức phục vụ cho việc làm nông nghiệp.

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 3
Anh Nguyễn Quý Hợi

Anh Nguyễn Quý Hợi: Theo tôi, rất cần có Phó bí thư. Người Phó bí thư sẽ là người cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với Bí thư để cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương đạt được hiệu quả.

Đồng thời, việc có thêm Phó bí thư là để tạo nguồn cán bộ Đoàn tại cơ sở, đảm bảo sự ổn định của tổ chức khi có sự luân chuyển cán bộ. Vì đặc thù của phường xã thường có sự thay đổi đối với vị trí cán bộ chuyên trách, Bí thư Đoàn phường - xã do các yếu tố chủ quan và khách quan.

Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong bốn trọng tâm công tác của tổ chức Đoàn: nhiệm vụ củng cố kiện toàn tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu: Với đoàn viên làm ăn theo mùa vụ, chúng tôi có quy định giữa lãnh đạo tổ chức Đoàn với các bạn là 3 tháng về địa phương sinh hoạt một lần (theo định kỳ).

Trong buổi gặp gỡ đó, chúng tôi chia sẻ với các bạn về những vất vả trong công việc, nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các bạn về tổ chức Đoàn.

Chúng tôi có những chương trình sinh hoạt riêng cho các bạn đoàn viên làm ăn xa địa phương như: giao lưu văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp…

Ha Giang Nam; Email: hgnam_hhpto@vnn.vn Trước đây tôi đã làm Phó bí thư chi đoàn được 5 năm rồi tại một đài viễn thông nhỏ ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Nhưng năm nay anh Bí thư chi đoàn đã làm lễ trưởng thành Đoàn và tôi lên thay anh ấy. Xin các đồng nghiệp hãy cho tôi một lời khuyên để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Bí thư chi đoàn.

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 4
Anh Nguyễn Tri Thức

Anh Nguyễn Tri Thức: Bí thư chi đoàn muốn thành công phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và đặc biệt phải tìm hiểu được tâm tư, tình cảm (ví dụ đoàn viên có tin vui thì Bí thư chi đoàn có thể vắng mặt nhưng nếu có tin buồn thì nhất định có mặt kịp thời để chia sẻ) của các bạn đoàn viên trong chi đoàn.

Ngoài ra, khi đưa ra chương trình hành động, Đoàn phải phải phù hợp với năng lực và tài chính của đơn vị.

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh: Bí thư chi đoàn cần đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, nên xem chi đoàn như một gia đình thứ hai vì mọi người đều công tác và sinh hoạt chung trong một đơn vị. Nếu có sự thấu hiểu và chia sẻ thì mọi hoạt động sẽ đạt kết quả cao. Không nên tách rời mình khỏi tập thể và cho mình cao hơn mọi người.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu: Trước hết, chúc mừng bạn đã nhận một vị trí mới - người đứng đầu chi đoàn. Tôi cũng từng như bạn. Tôi có một tâm sự với bạn về công tác ở cấp chi đoàn, có lẽ phần nào sẽ hỗ trợ bạn trong công tác quản lý chi đoàn.

Là cán bộ cấp chi đoàn phải tiên phong, đi đầu, làm gương cho đoàn viên. Bạn nên học tập và tiếp thu các kinh nghiệm của các đồng chí cựu Bí thư chi đoàn.

Đồng thời, bạn phải có những sáng tạo phù hợp với điều kiện tại đơn vị mình để phát huy thế mạnh của phong trào tại đơn vị bạn; biết tham mưu, đề xuất để cấp ủy địa phương thường xuyên hỗ trợ trong công tác quản lý đoàn viên thanh niên.

Anh Nguyễn Quý Hợi: Kế thừa những kinh nghiệm của người đi trước, tự tin dám nghĩ dám làm, phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí tập thể, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho bản thân.

Tôi tin rằng, nếu bạn thực sự có nhiệt tình công tác, nhiệt huyết với phong trào thanh niên thì bạn sẽ thành công.

Chúc bạn sẽ vượt qua những trở ngại ban đầu trên cương vị mới. Hãy luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.

Tiểu muội; Email: hixhix@yahoo.com

Em chưa tham gia hoạt động Đoàn bao giờ nhưng em thấy Đoàn là một tổ chức xã hội rất quan trọng. Tuy vậy, em nghe rất nhiều những câu thơ nói về Đoàn: tốt có xấu có. Những câu thơ không hay cứ được truyền miệng như thế thì hình ảnh người đoàn viên trong mắt em dần dần phai nhạt mất. Em mong các anh chị cho em một lời khuyên.

Anh Nguyễn Tri Thức: Trước tiên, anh xin cảm ơn Tiểu muội vì đã thấy Đoàn là một tổ chức xã hội rất quan trọng. Theo anh, em nên tham gia hoạt động Đoàn và qua đó chính em sẽ đính chính những thông tin chưa chính xác về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Là một bác sĩ, có người hỏi anh bí quyết để trẻ hơn so với tuổi của mình. Lúc đó, anh trả lời: Bạn hãy tham gia sinh hoạt Đoàn thì chắc chắn bạn sẽ trẻ (cười). Anh chúc Tiểu muội luôn trẻ, đẹp.

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 5
Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh: Rất nhiều người hỏi mình có lúc nào cảm thấy chán và muốn bỏ Đoàn hay chưa và mình đã trả lời chỉ cần nhìn thấy các bạn đoàn viên nhiệt tình và vui vẻ trong các hoạt động thì không nghĩ cảm thấy chán hay muốn bỏ Đoàn.

Khi tham gia các hoạt động với các bạn sinh viên, mình cảm thấy có một gia đình thứ hai mà ở đó các anh chị em sống với nhau rất tình cảm.

Mình nghĩ Tiểu muội nên tham gia vào Đoàn, tham gia các hoạt động có thể trực tiếp hoặc là gián tiếp qua theo dõi thông tin để có cái nhìn chính xác hơn về Đoàn.

Anh Nguyễn Quý Hợi: Bạn hãy tham gia vào các hoạt động Đoàn tại chính nơi bạn sinh sống. Thực tiễn hoạt động sẽ là câu trả lời tốt nhất cho bạn. Tôi chúc bạn sẽ sớm được kết nạp vào Đoàn và trở thành một tuyên truyền viên tích cực, góp phần làm tô đậm thêm hình ảnh tốt đẹp của người đoàn viên trong mắt tất cả mọi người.

Tran Ngoc Tu; Email: Trantu@yahoo.com Ban thu phac hoa ve vi tri cua nguoi doan vien trong 10 nam toi duoc khong? Chuc cac ban suc khoe va thanh dat

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh và Nguyễn Tri Thức: Theo chúng tôi, vị trí của người đoàn viên trong 10 năm tới tùy thuộc vào bản thân của chính người đoàn viên. Ví dụ: kiến thức, sức khỏe, kỹ năng công tác đoàn, nhiệt huyết và ham muốn cống hiến cho Đoàn...

Quan trọng là những yếu tố đó phù hợp với thực tế xã hội tại thời điểm đó.

Anh Nguyễn Phi Trường: Đất nước đang trên đường đổi mới, Đảng và Nhà nước có nhiều quan tâm tới công tác thanh niên, trình độ nhận thức của đội ngũ đoàn viên ngày càng cao.

Tôi nghĩ trong thời gian tới vị trí của người đoàn viên sẽ được nâng lên, có vị trí quan trọng và mang tầm chiến lược, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng như vai trò xung kích của mình.

Anh Nguyễn Đức Phước: Theo tôi, 10 năm tới, người đoàn viên có vị trí vai trò hết sức quan trọng trong việc hội nhập, phát triển kinh tế cùng đất nước.

Anh Nguyễn Quý Hợi: Đoàn viên là thanh niên ưu tú. 10 năm nữa là thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập với tốc độ nhanh chóng. Điều đó đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn với đoàn viên.

Như Bác Hồ đã nói: Muốn có Chủ nghĩa xã hội phải có con người mới Xã hội chủ nghĩa. Đoàn viên nói riêng và thanh niên nói chung phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng về mọi lĩnh vực, “vừa hồng vừa chuyên”.

Họ chính là những người quyết định vận mệnh của đất nước, là lực lượng đi đầu, thực hiện mọi nhiệm vụ phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Phương Ly; Email: phuonglyqn@gmail.com Là sinh viên, tham gia công tác đoàn thể thường mất rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thế nhưng hiện nay, chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp với các cán bộ Đoàn. Theo anh chị, cần có những chế độ mới nào để động viên các cán bộ Đoàn Hội trong trường đại học?

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 6
Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh: Theo mình biết đã có Chỉ thị 61 của Thủ tướng ban hành năm 2005 về các chính sách hỗ trợ cho cán bộ Đoàn, Hội.

Ngoài ra, các đơn vị cũng có các chính sách hỗ trợ thêm cho các cán bộ Đoàn - Hội, đặc biệt là sinh viên được ưu tiên trong việc cộng điểm rèn luyện và xét học bổng.

Mình nghĩ rằng, cái được lớn nhất của sinh viên khi tham gia hoạt động Đoàn là tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Điều đó có ích cho các bạn sau khi ra trường.

Thuy Anh thuyanhzoan@.yahoo.com Hiện nay các trường Đại học đang chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ. Xin hỏi Thuần Anh, bạn có thể đưa ra một số giải pháp để tổ chức tốt việc sinh hoạt chi đoàn cho đoàn viên? 

Nguyễn Hữu Thuần Anh: Khi chuyển sang hình thức tín chỉ, mô hình chi đoàn có sự khác biệt so với hình thức niên chế. Để tổ chức tốt việc sinh hoạt này, cần bám sát vào thực tế của đơn vị, vào nhu cầu của đoàn viên.

Hình thức hoạt động theo mô hình CLB đội nhóm (ví dụ: theo sở thích, theo ngành học, theo nhu cầu...) sẽ thu hút được nhiều đoàn viên sinh viên tham gia.

Trong sự phát triển của các phương tiện công nghệ thông tin như hiện nay, cần áp dụng việc quản lý đoàn viên sinh viên và tổ chức các hoạt động có sự trợ giúp của internet.

Ví dụ: thành lập và quản lý các diễn đàn dành cho sinh viên ở trường, qua đó nắm bắt được những tâm tư tình cảm, cũng như nhu cầu của sinh viên; hoặc triển khai các hoạt động, các công văn qua e-mail để kịp thời và nhanh chóng hơn.

Nguyễn Sơn Trường, 26 tuổi, Hà Nội: Xin hỏi chị Nguyễn Thị Hà. Chị đánh giá thế nào về đội ngũ Bí thư Đoàn cơ sở hiện nay? T.Ư Đoàn có biện pháp gì để nâng cao trình độ cho đội ngũ Bí thư Đoàn cơ sở?

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 7
Chị Nguyễn Thị Hà

Chị Nguyễn Thị Hà: Nếu so sánh với thời điểm ban hành nghị quyết số 02 của BCH T.Ư Đoàn khóa 8 về công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới (2003) thì hiện nay số Bí thư Đoàn cơ sở trên cả nước có trình độ ĐH-CĐ nhiều hơn, độ tuổi trung bình cũng trẻ hơn.

Đa số Bí thư Đoàn cơ sở đều nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao, biết vượt qua khó khăn trong quá trình chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn đoàn viên thanh niên trong học tập, lao động, công tác và tham gia hoạt động xã hội; biết hướng dẫn chi đoàn tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với hoàn cảnh địa phương và đối tượng thanh niên.

Hiện nay, T.Ư Đoàn xác định công tác đào tạo bồi dưỡng đối với Bí thư Đoàn cơ sở là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng. Sắp tới, sẽ thực hiện việc đào tạo này theo chương trình đào tạo chức danh đối với riêng Bí thư đoàn cơ sở.

Cùng với nội dung này, T.Ư Đoàn đang xây dựng đề án “1000 công chức trẻ về công tác ở xã, phường” trình Chính phủ nhằm đưa lực lượng sinh viên đã kinh qua công tác đoàn ở trường ĐH về các địa phương.

Triển khai đề án “Thủ lĩnh trẻ tương lai” đối với lực lượng chỉ huy đội giỏi nhằm phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ gần nhất cho đoàn.

Tuy nhiên, đối với Bí thư Đoàn cơ sở việc trưởng thành, lớn lên từ các hoạt động của phong trào là yêu cầu cần thiết. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đối với Bí thư Đoàn cơ sở thì việc tự học hỏi, tự trau dồi kiến thức cho mình cũng là một biện pháp quan trọng.

Nguyễn Thị Lệ: Thưa chị Hà, tại sao học sinh phải từ 16 tuổi trở lên mới được kết nạp vào Đoàn?

Chị Nguyễn Thị Hà: Việc quy định thanh niên 16 tuổi mới được kết nạp Đoàn đã được ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 9 thông qua nhằm thực hiện đúng Luật thanh niên mà Quốc hội đã thông qua.

Đồng thời đây cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng người đoàn viên trong thời kỳ mới, vì ở độ tuổi 16 trở lên thì trình độ văn hóa, nhận thức xã hội của người thanh niên được nâng lên, mới có khả năng hướng dẫn thanh niên và tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn.  

Nguyễn Song Toàn; Email: SongToan3756@yahoo.com

1. Các chi đoàn thôn ở xã bạn hiện nay sinh hoạt thế nào? Theo bạn, để duy trì sinh hoạt chi đoàn thường xuyên, định kỳ, điều cốt yếu nhất là gì?

2. Đoàn kết, tập hợp thanh niên nông thôn hiện nay còn nhiều nan giải. Theo bạn, yếu tố nào là then chốt để công tác này đạt kết quả tốt hơn?

3. Là Bí thư chi đoàn xã, bạn có phụ cấp gì không? Nếu chưa có, theo bạn có cần không và nên làm cách nào?

4. Hiện nay Đoàn ta đang tiếp tục triển khai chương trình Rèn luyện đoàn viên. Theo bạn, việc này có thiết thực đối với thanh niên nông thôn không hay còn hình thức?

5. Bạn có đồng tình với việc thay vì "Rèn luyện đoàn viên", chúng ta nên thực hiện Chương trình "Rèn luyện Bí thư Chi đoàn".

Chúc bạn tiến bộ, trưởng thành!

Anh Nguyễn Đức Phước: Chi đoàn thôn ở xã thường hoạt động theo nội dung được xây dựng hàng tháng, theo những ngày lễ, Tết, ngày mùa vụ, gắn với từng chủ đề...

Để duy trì hoạt động chi đoàn thường xuyên, định kỳ, điều cốt yếu là: tổ chức các hoạt động sơ kết, đánh giá kết quả sinh hoạt của đoàn viên và chi đoàn, hiểu được những khó khăn của đoàn viên và tổ chức Đoàn, đồng thời phân loại đoàn viên, kịp thời động viên, khen thưởng đoàn viên tham gia tích cực trong các hoạt động Đoàn cơ sở thường kỳ.

Để tập hợp thanh niên nông thông tham gia hoạt động Đoàn, yếu tố quan trọng nhất là nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên; hiểu được tâm tư nguyện vọng của thanh niên, để có những hoạt đồng phù hợp, thu hút họ tham gia.

Hiện tại Bí thư chi đoàn xã như tôi chưa có phụ cấp. Việc phụ cấp cho Bí thư chi đoàn xã là việc làm cần thiết để động viên, đồng thời hỗ trợ tiền xăng xe đi lại trong sinh hoạt.

Theo tôi, để có phụ cấp cho Bí thư chi đoàn cơ sở cần kiến nghĩ với các cấp các ngành nhất là Hội đồng nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ.

Chương trình "Rèn luyện đoàn viên" rất thiết thực với đoàn viên ở nông thôn, để đoàn viên nhận thức về chính trị, về Đảng, Đoàn, đất nước, về quê hương; giúp đoàn viên nhận thức về hành động.

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 8
Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu

Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu: Theo tôi biết, cả nước mới có tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện được việc hỗ trợ phụ cấp cho Bí thư chi đoàn. Riêng đơn vị tôi chưa có. Nhưng, trong quá trình họat động của chi đoàn, hàng tháng chúng tôi đều trích quỹ họat động Đoàn của phường để cấp cho các đồng chí Bí thư chi đoàn 40.000 đồng/ tháng.

Tôi nghĩ, cấp phụ cấp cho Bí thư chi đoàn rất cần thiết, ít nhiều cũng hỗ trợ được các bạn yên tâm công tác. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên đối với cấp chi đoàn tại đơn vị tôi.

Hiện nay, Đoàn đang tiếp tục triển khai chương trình Rèn luyện đoàn viên. Thay vì "Rèn luyện đoàn viên" chúng ta nên thực hiện Chương trình "Rèn luyện Bí thư chi đoàn"?

Anh Nguyễn Quý Hợi: Chúng ta không nên thay chương trình “Rèn luyện đoàn viên” bằng chương trình “Rèn luyện Bí thư chi đoàn”, vì đội ngũ Bí thư chi đoàn là lực lượng nòng cốt, nền tảng thường xuyên được tập huấn kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện công tác tập hợp đoàn kết thanh niên.

Muốn như vậy, đội ngũ Bí thư chi đoàn phải thường xuyên gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Chương trình “Rèn luyện đoàn viên” có phạm vi triển khai tới từng đoàn viên một giúp các bạn rèn luyện cả về nhận thức và hành động, sẽ có hiệu quả thiết thực sâu rộng hơn là chương trình “Rèn luyện Bí thư chi đoàn”.

Chương trình “Rèn luyện đoàn viên” áp dụng cho bất cứ ai là đoàn viên, chứ không riêng một đối tượng nào, không phân biệt là cán bộ hay đoàn viên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hay một người đoàn viên bình thường.

Nguyen Khanh Kien, 27 tuoi, TPHCM: Phong trao hien mau trong thanh niên hien nay len manh nhung chua phat huy het tiem nang vi nhieu ban tre sau khi hien mau bi phat hien cac loai benh rat hoang mang, trong khi do do nguyen tac "giau kin" nen co mot du luan khong hay ve cac ban, bi don thoi nao la mai dam, nao la HIV, nghien chich... Doan phai lam gi de lam minh mach nguon du luan nay va giai phap doi voi nhung ban tre khong may bi hat hien benh sau khi hien mau?

Anh Nguyễn Tri Thức: Khi đi hiến máu mà phát hiện bệnh có nghĩa là trước đó bạn không khám sức khỏe định kỳ. Nếu thông qua hiến máu mà phát hiện người hiến máu mắc một bệnh nào thì đó là điều may mắn cho bạn, bởi vì sau đó, bạn sẽ được tư vấn điều trị và theo dõi đúng theo quy trình chuyên môn.

Trong đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 9 có một phong trào "Đồng hành với thanh niên trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần" và phong trào này chắc chắn sẽ giúp "giải oan" cho những trường hợp như bạn vừa nêu.

Những trường hợp đó không thể làm cho phong trào hiến máu tình nguyện trong đoàn viên thanh niên chưa phát huy hết tiềm năng. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều và rất nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ nhưng giọt máu nghĩa tình, giọt máu của lòng nhân ái từ các bạn Đoàn viên thanh niên.

Tôi mong rằng, bạn hãy tiếp tục tin tưởng và tham gia vào phong trào hiến máu tình nguyện.

Hoàng Hải; Email: igla9999@yahoo.com.vn Gửi anh Nguyễn Phi Trường. Là Bí thư Đoàn của Quân đội, anh đã có những biện pháp tổ chức nào để xây dựng mối liên kết chặt chẽ, gắn bó giữa đoàn viên thanh niên địa phương và các đoàn viên trong tổ chức Đoàn của đơn vị mình nhằm phát triển kinh tế và xây dựng môi trường văn hoá trên địa bàn đơn vị đóng quân?

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 9
Anh Nguyễn Phi Trường

Anh Nguyễn Phi Trường: Thực hiện một trong những chức năng nhiệm vụ của quân đội là đội quân công tác góp phần xây dựng địa bàn văn hoá an toàn. Từ đặc điểm đóng quân của đơn vị và nhiệm vụ của quân đội giao trong những năm qua đoàn cơ sở đã có một số những hoạt động có tác dụng góp phần xây dựng đơn vị và môi trường văn hóa địa bàn, xin trao đổi để các bạn tham khảo:

1. Để làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ đơn vị và đoàn viên địa phương, chúng tôi đã tổ chức các tổ đội tuyên truyền viên trẻ, xây dựng các kịch bản tuyên truyền, và tuyên truyền ở các địa bàn, đơn vị đóng quân.

2. Để tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị và góp phần xây dựng địa phương, chúng tôi tổ chức các hoạt động sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường của đơn vị mời đoàn viên tham gia tạo việc làm cho đoàn viên địa phương; mở lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ Đoàn, sử dụng thiết bị tin học mời đoàn viên địa phương tham gia.

3. Khi tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, mời các tổ chức đoàn của địa phương tham gia, coi họ là một thành viên của đoàn cơ sở.

4. Phối hợp với đoàn địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc thiếu niên nhi đồng, phối hợp với địa phương xây dựng đội thanh niên xung kích để bảo vệ địa bàn.

Qua các hoạt động tạo sự gắn bó đoàn kết quân dân, tiếp lửa truyền thống của thanh niên quân đội cho thanh niên địa phương ngược lại, thanh niên quân đội cũng nhận được từ thanh niên địa phương sự ấm áp, thân thiện thắm tình quân dân.

Mình xin hỏi bạn Hiếu. Mình tin chắc việc duy trì tổ chức sinh hoạt và hoạt động thanh niên ở các chi đoàn đường phố của phường bạn đang gặp nhiều khó khăn. Mình nêu đề xuất này để bạn tham khảo xem có phù hợp không nhé.

Đó là, bạn nên trao đổi với các phường bạn và tổ chức cho các chi đoàn của phường mình kết nghĩa với các phường khác. Ví dụ 4 chi đoàn phường bạn kết nghĩa với 4 chi đoàn ở 4 phường khác. Từ đó các bên duy trì chế độ đăng cai sinh hoạt, giao lưu định kỳ. Bạn thấy hình thức này thế nào và có lợi ích gì?

Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu: Cảm ơn phương pháp mà bạn đã cung cấp cho tôi trong việc giúp chi đoàn sinh hoạt thường xuyên. Tôi xin tiếp thu và về thực hiện tại đơn vị.

Tôi nghĩ, đây cũng là một giải pháp cho công tác duy trì sinh hoạt chi đoàn thường xuyên để thu hút tập hợp thanh niên.

Nguyễn Thúy (minhthuy@yahoo.com): Sinh viên bây giờ, kể từ năm đầu học Đại học đã lo lắng: "Sau này ra trường làm gì?". Nhưng đó là câu họ tự hỏi chính mình, hoặc đem ra bàn tán với nhau. Sẽ thật tốt nếu các anh chị Bí thư Đoàn  có thể giúp họ trả lời câu hỏi "muôn thuở nhưng không bao giờ cũ" đó. Ý kiến của các anh chị về việc này thế nào?

Chị Nguyễn Hữu Thuần Anh: Theo mình, câu trả lời chính là các bạn. Nếu các bạn chuẩn bị tốt những hành trang (kiến thức, một vài kinh nghiệm...) thì mình nghĩ là việc sẽ tự tìm đến các bạn.

Bên cạnh đó, các bạn cũng cần chủ động tìm kiếm những công việc phù hợp với chuyên môn và khả năng của mình.

Thực tế cho thấy, những bạn từng tham gia hoạt động Đoàn thì có lợi thế hơn khi đi xin việc vì họ tự tin hơn, thể hiện được bản lĩnh.

Phương Ly; Email: phuonglyqn@gmail.com Gửi anh Nguyễn Phi Trường: Anh là một cán bộ Đoàn có nhiều sáng kiến đem lại nguồn lợi cho tổ chức. Vậy, theo anh, cần có những giải pháp nào để nhân rộng hoạt động tạo nguồn lợi đó cho các địa phương, đơn vị khác?

Anh Nguyễn Phi Trường: Mỗi Đoàn cơ sở có những thế mạnh riêng, để tạo được nguồn quỹ cho đoàn các giải pháp phải đạt được các mục tiêu: Một là hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị. Hai là xây dựng được tổ chức vững mạnh phát triển. Ba là rèn luyện được đoàn viên.

Do đó, giải pháp phải bám sát nhiệm vụ và chủ trương của thủ trường đơn vị, nắm chắc được khả năng của tổ chức đoàn mình để phát huy thế mạnh; cán bộ Đoàn phải nắm bắt đựơc tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của đoàn viên từ đó tổ chức tập hợp đoàn viên hưởng ứng tham gia;

Đoàn cũng mạnh dạn đề xuất các chương trình hành động, các phong trào phù hợp để đoàn viên cống hiến và thể hiện khả năng của mình.

Bí thư Đoàn giỏi phải thở cùng nhịp với thanh niên ảnh 10
Thay mặt Ban Biên tập báo Tiền phong anh Nguyễn Ngọc Nam đã tặng hoa các vị khách đến tham dự cuộc giao lưu

10 giờ 51, dù còn rất nhiều câu hỏi muốn trao đổi nhưng do thời gian có hạn, chương trình giao lưu trực tuyến đã khép lại.

Thay mặt đơn vị tổ chức, anh Nguyễn Ngọc Nam - Phó Tổng biên tập báo Tiền phong - cảm ơn những vị khách mời đã nhiệt tình trả lời, cũng như trao đổi thẳng thắn các vấn đề bạn đọc nêu ra. 

Anh Nguyễn Ngọc Nam mong muốn, sau cuộc giao lưu hôm nay, nhiều vấn đề "nóng" được đoàn viên, thanh niên trong cả nước trao đổi sẽ đượccác cán bộ Đoàn cơ sở và T.Ư nghiên cứu xem xét, nhằm đưa những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ lên tầm cao mới.

Thay mặt Ban Biên tập báo Tiền phong anh Nguyễn Ngọc Nam xin cảm ơn và chúc sức khỏe các vị khách mời, các bạn đọc đã tích cực tham gia đặt câu hỏi, theo dõi buổi trực tuyến.

Video clip: Giao lưu trực tuyến với 6 Bí thư Đoàn xuất sắc đoạt giải thưởng 26/3

 

MỚI - NÓNG