Bí thư trẻ gần dân

Bí thư trẻ gần dân
TP - Ở huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, nhiều người dân thường gọi Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học bằng cái tên thân mật: “ông bí thư gần dân”.
Bí thư trẻ gần dân ảnh 1
Bí thư Nguyễn Thái Học tặng quà cho gia đình chính sách ở xã Emalâm

Cái tên bình dị ấy có được là nhờ mỗi tuần ông dành một đến hai ngày đi khắp lượt 11 xã, thị trấn trong huyện để đối thoại với dân.

Nguyễn Thái Học sở hữu khá nhiều cái nhất: 25 tuổi là một trong những luật sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó (1997).

Cũng trong năm đó, nhờ thành tích bào chữa nhiều vụ án, tránh oan sai cho nhiều người và là cán bộ Đoàn xuất sắc, Học được T.Ư Đoàn TNCS HCM bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; 30 tuổi (đang là Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn) được bầu làm Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên, là một trong những bí thư Tỉnh Đoàn trẻ nhất nước.

Năm 2006, khi 34 tuổi, Học được điều về làm Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, cũng là một trong số Bí thư Huyện ủy trẻ nhất nước.

Tôi biết Nguyễn Thái Học khi ông ra Hà Nội báo cáo điển hình tại Hội nghị sơ kết hai năm học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông là một trong ít người sau khi báo cáo được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh rất quan tâm.

Trong cái thời kinh tế thị trường này, khi công chức, dân thường chìm nổi với nỗi lo cơm áo, không phải ai cũng làm được việc như Nguyễn Thái Học:

Chỉ trong ba năm về làm Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, một huyện nghèo, trình độ dân trí thấp nhất nhì Phú Yên, Học đã tạo nếp cán bộ đảng viên của cả huyện thực hiện chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ. Và từ một huyện bị liệt vào danh sách “điểm nóng” của tỉnh, nay Sông Hinh trở thành điểm sáng…

Không để dân chờ cán bộ

Sang công tác Đảng ở một huyện như Sông Hinh lúc đó, phải lo bao nhiêu việc bộn bề, ông xoay sở thế nào?

Đó là thử thách và áp lực rất lớn. Bởi tình hình Sông Hinh khi đó rất phức tạp. Khi Đảng dự kiến đưa tôi về làm bí thư huyện ủy có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người nói thẳng, đưa bí thư Đoàn về đó khác gì cho vào chảo lửa, không trụ nổi đâu. Các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, tình trạng mất đoàn kết tại Sông Hinh đều rất nóng bỏng.

Trên tỉnh nhiều đồng chí lãnh đạo lão thành cũng lo cho tôi. Còn tại huyện, cũng có đơn thư đề nghị không nên đưa tôi về. Vì người ta cho rằng, ở huyện phức tạp như thế mà đưa một ông bí thư tỉnh Đoàn trẻ măng về làm sao lãnh đạo được. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người, bí thư Đoàn lâu nay chỉ ca hát, nhảy múa vui vẻ…

Ông làm thế nào vượt qua định kiến tâm lý “Đoàn chỉ ca hát” để cấp trên vẫn chọn?

Tôi nghĩ trước hết phải thể hiện tấm lòng và quyết tâm của tuổi trẻ. Nếu có tấm lòng và sự quyết tâm thì sẽ thu phục được mọi người.

Về nhận nhiệm vụ được một thời gian, tôi quan sát thấy một bộ phận cán bộ ở đây làm việc rất chểnh mảng. Đi muộn, về sớm là phổ biến. Chưa hết giờ làm việc đã thấy cán bộ ở hàng quán rồi. Cán bộ nhiều xã thì mỗi tuần đến “thăm” cơ quan vài lần lấy lệ, chờ ngày lĩnh lương. Họp Thường vụ Huyện ủy, tôi nêu vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong công việc của cán bộ. Thường vụ nhận định là có tình trạng đó.

Vậy ông chấn chỉnh bằng cách nào?

Tôi bàn trong Thường vụ, thống nhất ban hành một chỉ thị chấn chỉnh lề lối làm việc, lập lại trật tự, kỷ cương nơi công sở. Ngày 27/7/2006, ban hành chỉ thị. Thường vụ Huyện ủy yêu cầu, các đồng chí trong Thường vụ, huyện ủy viên phải gương mẫu thực hiện trước. Nếu ông nào không thực hiện sẽ xử lý kỷ luật.

Hội họp, giờ giấc phải nghiêm túc. Tiếp dân phải đúng lịch, đúng giờ, không để dân chờ. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải chấp hành nghiêm.

Một số cán bộ tưởng như trước đây, chỉ thị cứ ban hành còn mọi sự vẫn vậy, nên tỏ ra xem thường. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ tỏ quyết tâm nếu ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Đầu tiên là kỷ luật khiển trách một ông trưởng phòng, do ông này ra ngoài có hành vi thiếu lành mạnh trong giờ làm việc, một số  người khác vi phạm tương tự bị thông báo về cơ quan phê bình, kiểm điểm.

Từ đó, việc chấp hành giờ giấc làm việc tại các cơ quan công sở được thực hiện khá nghiêm túc. Có thể nói, làm được việc này là do tập thể Thường vụ trên dưới một lòng thống nhất hành động.

Sau lập lại trật tự, kỷ cương ở các cơ quan trong huyện, Thường vụ Huyện ủy bắt đầu làm đến cấp xã, bằng cách luân chuyển những cán bộ trẻ, có uy tín, được đào tạo cơ bản về xã làm bí thư, chủ tịch, để chấn chỉnh nề nếp làm việc ở cơ sở.

Trong hai năm luân chuyển cán bộ về làm bí thư, chủ tịch 8 xã (trên tổng số 11 xã, thị trấn của huyện). Và trong hai năm, thay 8 chủ tịch, 5 bí thư xã, do năng lực và phẩm chất đạo đức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông làm mạnh tay như vậy, có bị sức ép hay kiện cáo gì không?

Sức ép cũng có, thông tin xuyên tạc chống phá cũng có. Tôi còn nhận được thư đe dọa cả gia đình tôi nữa. Nhất là lúc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, có ý kiến nói rất ác ý.

Tuy nhiên, tôi làm tất cả vì cái chung, đến khi tình hình chuyển biến tích cực, Sông Hinh được lãnh đạo tỉnh đánh giá là huyện có nhiều bước đột phá trong công tác luân chuyển và trẻ hóa đội ngũ cán bộ.

Học tập sửa đổi lề lối làm việc dưới cờ

Còn chuyện chào cờ, làm thế nào ông yêu cầu tất cả cán bộ huyện và xã ở Sông Hinh đều chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ?

Bí thư trẻ gần dân ảnh 2
Một buổi chào cờ và học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ của cán bộ huyện Sông Hinh

Chủ trương này là quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy. Ngày 2/10/2006, chúng tôi phát động chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ Hai hàng tuần ở các cơ quan trong huyện. Mục đích cũng là để chấn chỉnh phong cách, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Đầu tiên tổ chức chào cờ điểm ở các cơ quan khối Đảng, mặt trận và các đoàn thể. Tất cả chào cờ tại một điểm do Thường trực Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo.

Trong mỗi buổi chào cờ đều có nội dung sinh hoạt dưới cờ gắn với việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ. Bắt đầu là học tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác Hồ. Sau đó, lần lượt là các bài viết của Bác Hồ, những mẩu chuyện về Bác Hồ… tuần nào cũng thế.

Từ đó, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cơ quan khối Đảng chuyển biến tốt. Sau đó, nhân rộng triển khai thực hiện ở tất cả các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở.

Khi ông yêu cầu cán bộ ở các cơ quan thực hiện chào cờ như vậy có gặp phải sự phản ứng nào không?

Khi phát động, nhiều người cũng phản ứng, họ không dám nói thẳng nhưng cũng bàn ra, tán vào, kiểu “đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột”, “thử xem duy trì được mấy ngày”… Nhưng đây là chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, có nghị quyết hẳn hoi nên ai cũng phải chấp hành. Bản thân cá nhân các lãnh đạo, cán bộ đảng viên phải gương mẫu, thực hiện trước.

Nay thì đã trở thành nề nếp, cứ sáng thứ Hai hàng tuần, cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở đều tham gia chào cờ Tổ quốc. Việc làm này đã trở thành nét đẹp đời thường: Văn hóa chào cờ đầu tuần và học tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ.

Từ cách làm của Sông Hinh, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo bắt đầu từ tháng 5/2009, các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của tỉnh Phú Yên sẽ chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ Hai hàng tuần.

Ông có nghĩ rằng, việc chào cờ như vậy rất dễ rơi vào hình thức không?

Sao lại hình thức. Tôi nghĩ đây là một cách triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sinh động. Đặc biệt tất cả đều học một cách nghiêm túc ở dưới cờ chứ không phải học tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kiểu phong trào. Hình thức học dưới cờ cũng là thể hiện sự nghiêm túc của cán bộ, đảng viên.

Ông nghĩ tác dụng của việc đó ở mức độ nào?

Tác dụng giáo dục rất lớn. Từ việc làm như vậy tác động đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên để họ có ý thức hơn với công việc hàng ngày. Ngoài ra, hình thức sinh hoạt cũng phong phú: Trong buổi chào cờ, lãnh đạo huyện có những nhận xét, đánh giá về công việc tuần qua của cán bộ. Có vấn đề gì cần nhắc nhở thì nhắc luôn, hoặc có việc gì cần rút kinh nghiệm thì cũng nói luôn, để cán bộ, đảng viên kịp thời sửa đổi, nhất là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với dân… Rồi định hướng luôn công việc của tuần tới.

Với dân, không thể hứa suông

 “Trong một lần đi đối thoại, một giáo dân nói sẽ phát biểu trong vòng 10 phút, nhưng mới 06 phút đã xin thôi vì muốn tiết kiệm thời gian và gửi lại nội dung đã chuẩn bị cho lãnh đạo. Tôi cầm 4 trang đánh máy từ tay người giáo dân thấy tất cả đều đã được sử dụng trước 1 mặt, mặt còn lại người giáo dân tự đánh máy chữ những nội dung kiến nghị đến lãnh đạo. Người giáo dân đã dạy tôi một bài học về tinh thần tiết kiệm: Cán bộ lãnh đạo phải biết tiết kiệm thời gian, giấy mực. Đúng là quần chúng nhân dân là người thầy vĩ đại mà cán bộ, đảng viên…”.

Nguyễn Thái Học, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh

Trong báo cáo điển hình tại hội nghị sơ kết hai năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Trung ương, ông báo cáo là ông cùng lãnh đạo huyện thường xuyên đối thoại với dân?

Khi tôi về nhận nhiệm vụ ở huyện, đơn thư phản ánh, khiếu nại tố cáo của dân khá nhiều. Người dân rất bức xúc, họ muốn nêu những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên.

Có hôm, tôi đang họp dân lên đòi gặp, bỏ họp gặp dân thì không được, nên tôi cũng rất áy náy. Nhiều người dân ở xã miền núi rất xa, họ đến mong được gặp lãnh đạo huyện nhưng lại về không, nên càng áy náy.

Từ thực tế đó, tôi bàn với anh em trong Thường vụ Huyện ủy phải trực tiếp đối thoại với dân. Phải về gặp dân, nghe dân phản ánh. Từ đó, Thường vụ thống nhất ra nghị quyết định kỳ mỗi quý một lần, lãnh đạo huyện về đối thoại với dân ở các xã, thị trấn. Riêng tôi cứ ngày 15 hàng tháng là tôi dành để tiếp công dân. 

Đến nay, sau hai năm thực hiện, lãnh đạo huyện đã có bảy đợt với 77 lượt đối thoại với dân ở 11 xã, thị trấn, tiếp xúc với gần 4.000 người dân, thu nhận được gần 1.000 nội dung phản ánh lớn nhỏ của nhân dân.

Ông thu được gì qua những lần đối thoại ấy?

Việc đối thoại với dân ở Sông Hinh nay đã thành nền nếp. Lãnh đạo huyện đối thoại với dân trong xã. Còn lãnh đạo xã về đối thoại với dân ở thôn, buôn, khu phố.

Qua tiếp xúc đối thoại với dân, người dân cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến cán bộ, đời sống người dân ở địa phương. Từ đó, lãnh đạo huyện giải quyết và xử lý được rất nhiều việc.

Những vấn đề bức xúc nổi cộm trong dân được phát hiện và giải quyết kịp thời hơn, đơn thư khiếu kiện giảm hẳn. Số đơn thư khiếu nại tố cáo giảm hơn 40% so với trước đây.

Bản thân cán bộ lãnh đạo thì được gần dân. Còn dân thì được gặp lãnh đạo để bày tỏ chính kiến của mình. Lãnh đạo gặp dân trở thành nghĩa vụ thường xuyên phải làm. Từ đó giúp việc chỉ đạo, điều hành sát thực tế hơn.

Ông có thể kể một ví dụ cụ thể mà ông giải quyết được từ đối thoại với dân?

Ở xã Sơn Giang, dân tố cáo lãnh đạo có tiêu cực về đất đai: Bí thư Đảng ủy xã có nhà lại xin cấp thêm đất. Nhưng nhiều năm qua không xử lý được. Đến nỗi người dân mất niềm tin cho rằng: Cán bộ huyện bao giờ cũng bao che cho cán bộ xã. Qua tiếp xúc đối thoại, lãnh đạo huyện hứa với dân sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay. Kết cục dân tố cáo đúng, ông bí thư bị cách chức.

Cách chức bí thư, dân lại tố cáo ông chủ tịch ăn chặn tiền quản lý trồng rừng, tiền điện. Lãnh đạo huyện hứa sẽ cho lập đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý sớm. Nhưng đến lần đối thoại sau, dân vẫn không thấy xử lý. Dân hỏi vì sao, đề nghị trả lời rõ với dân. Không khí buổi đối thoại trở nên căng thẳng.

Tôi hỏi ủy ban thì cũng chưa lập đoàn thanh tra. Tôi xin lỗi dân và hứa nếu lần đối thoại sau mà chưa làm rõ, xử lý được thì tôi xin từ chức. Dân đồng tình vỗ tay rần rần.

Kết quả, ông chủ tịch bị đình chỉ công tác. Thanh tra huyện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Tôi nghiệm ra rằng muốn dân tin phải bằng việc làm cụ thể, chứ không thể hứa suông với dân được.

Tuần nào ông cũng đi đối thoại với dân, thời gian đâu điều hành công việc chung của huyện?

Mỗi tuần tôi dành một đến hai ngày để đi đối thoại với dân, còn lại dành thời gian điều hành công việc chung. Tôi nghĩ ở cơ quan làm việc thì cũng là làm vì dân, xuống đối thoại với dân cũng là phục vụ dân. Mà xuống đối thoại, nghe dân phản ánh chỉ giúp việc chỉ đạo, điều hành của mình sát dân hơn thôi. Như thế thì tại sao lại không đối thoại với dân?

Làm bí thư nhưng ông lại đi đối thoại, giải quyết những sự vụ cụ thể. Như vậy lãnh đạo Đảng có làm thay công việc của chính quyền?

Bí thư trẻ gần dân ảnh 3
Người dân xã Sơn Giang đối thoại với Bí thư Học

Tôi nghĩ là không. Khi đi đối thoại, bao giờ cũng có lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn của UBND đi cùng. Dân thắc mắc phản ánh lĩnh vực nào, cán bộ phụ trách có trách nhiệm trả lời.

Kết thúc buổi đối thoại với dân, lãnh đạo huyện có kết luận chỉ đạo chung vừa thể hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, vừa giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực vì lợi ích chung của người dân. Như vậy, đâu phải mình trực tiếp giải quyết công việc của chính quyền.

Thực tế, nhiều địa phương cũng triển khai việc đối thoại với dân, nhưng thường “đầu voi, đuôi chuột”, điều gì khiến Sông Hinh thực hiện được đều đặn, nền  nếp?

Tôi nghĩ, trong quá trình triển khai chỉ đạo thực hiện bất cứ việc gì, muốn thành công thì bản thân người lãnh đạo phải gương mẫu. Nếu không gương mẫu, nói ai nghe.

Bản thân lãnh đạo cũng phải giữ mình, phải làm gương. Ngay như tiếp khách, ít khi tôi ra quán xá, mà đều tiếp ở nhà ăn Huyện ủy; gần ba năm làm bí thư ở huyện miền núi mỗi khi về nhà ở thành phố Tuy Hòa tôi đâu dùng xe công, mà đều đi xe đò. Tôi không làm gì mà quy định của Đảng, luật pháp không cho phép.

Xin cảm ơn ông!

Chống bệnh thành tích

Bí thư trẻ gần dân ảnh 4
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học
Trong lãnh đạo, điều hành là phải nói thẳng, nói thật và làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm. Những năm trước đây số tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) được đánh giá là trong sạch vững mạnh (TSVM) chiếm tỷ lệ cao từ 75-80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 80%...

Trong 2 năm 2007-2008, với tinh thần đánh giá thực chất chất lượng TCCSĐ, đội ngũ cán bộ đảng viên, số TCCSĐ đạt TSVM chỉ còn trên dưới 30%, số đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chưa đến 50%.

Nhiều đồng chí lãnh đạo từ huyện đến cơ sở trước đây được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi đánh giá thực chất có trên 10% chưa hoàn thành nhiệm vụ, gần 50% số các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy tự đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải tất cả là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từ thực trạng chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện còn nhiều yếu kém, qua khảo sát đánh giá thực chất huyện đã công khai tỷ lệ này với trên dưới 20% học sinh yếu kém ở các cấp học và gần 800 em học sinh không biết đọc, biết viết hoặc đọc không thông, viết không thạo…

Tất cả những việc làm đó đều với suy nghĩ là phải nhìn nhận đánh giá thực chất để có hướng phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó phải lập lại trật tự kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, 2 năm qua huyện Sông Hinh đã tiến hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 47 cán bộ, đảng viên, tăng gần 50% so với cả nhiệm kỳ trước. Trong đó phần lớn là cán bộ cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch các xã, cán bộ có chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

(Theo báo cáo của Huyện ủy Sông Hinh)

Bá Kiên thực hiện

MỚI - NÓNG