Biến phế thải thành rô bốt

Biến phế thải thành rô bốt
TP - Từ phế liệu, nhiều bạn trẻ chưa đến 20 tuổi đã chế tạo thành rô bốt thông minh thay thế con người nạo vét kênh mương hay hoạt động trong phòng thí nghiệm độc hại.

> Nam sinh lớp 10 chế máy hút rác - cứu hộ

Thầy trò nhóm Nhật và Hồng bên sản phẩm rô bốt thông minh
Thầy trò nhóm Nhật và Hồng bên sản phẩm rô bốt thông minh.
 

Lê Văn Nhật và Trần Đình Hồng, học viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh chế tạo thành công rô bốt vệ sinh đường phố đa năng. Hai bạn trẻ này đang chuẩn bị vào TP Huế dự Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo bảo vệ môi trường.

Rô bốt do Nhật và Hồng chế tạo có thể thay thế con người làm nhiều việc như nạo vét đất cát, rác thải trên đường phố, kênh mương sau những ngày lũ lụt; hút bụi và lọc túi bụi; hút đinh và phế phẩm cơ khí trên đường bằng hệ thống nam châm dưới gầm…

Với nhiều tính năng có ý nghĩa thực tiễn, sản phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ của thanh thiếu nhi tỉnh Hà Tĩnh và giải ba Sáng tạo khoa học công nghệ thanh thiếu nhi toàn quốc lần VII (năm 2010 - 2011) tổ chức tại Hà Nội.

Theo Nhật, để hoàn thành Rô bốt phải mất hai tháng mày mò thử nghiệm. Nhật và Hồng tìm đến các bãi thu phế liệu mua lại mô tơ và các bộ phận điều khiển của máy, mang về cắt nối, sửa chữa. Nhật nói: “Ban đầu rô bốt chỉ có chức năng nạo vét, hút đất cát vào trong túi lọc. Sản phẩm hoàn thiện hơn nhờ việc gắn nam châm dưới gầm để có thể hút đinh và các phế liệu nhỏ trên đường”.

Ý tưởng tạo rô bốt của hai bạn Hồng, Nhật xuất phát từ thực tiễn môi trường ở miền Trung thường xuyên lũ lụt, mùa hè nóng bức, khói bụi cộng thêm nạn rải đinh trên đường. Một lần, đi xe máy từ Can Lộc lên TP Hà Tĩnh, Hồng bị dính đinh ngay giữa đường vắng. Ngay tối đó Hồng bàn với Nhật tìm nguyên liệu chế tạo rô bốt.

Thương thầy cô

Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1992, (xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) sẽ được trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn vì chế tạo thành công rô bốt thay con người làm thí nghiệm hóa học. Sơn cho biết, mình rất yêu các môn học thuộc lĩnh vực tự nhiên, đặc biệt là hóa học.

Tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo, bảo vệ môi trường được tổ chức tại Thừa Thiên Huế từ ngày 10 đến 11 - 10/2011, T.Ư Đoàn sẽ trao giải cho 80 đề tài, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ trên toàn quốc.

Trong quá trình học, Sơn theo thầy cô làm các thí nghiệm đơn giản. Thầy cô không được trang bị quần áo, khẩu trang chuyên dụng nên nguy cơ nổ dẫn đến tai nạn rất cao.

Sơn nghĩ sao không tạo rô bốt thay thế con người trong những công đoạn khó? Có kiến thức về điện, vật lý, Sơn tận dụng vật liệu phế thải tái chế thành rô bốt thông minh vào năm 18 tuổi.

Rô bốt của Sơn được lắp bộ vi xử lý và các con chíp điều khiển cánh tay hoạt động khá chính xác. Sau 3 tháng, Sơn đưa vào phòng thí nghiệm, rô bốt tự cầm các ống nghiệm thử phản ứng một cách chính xác. Để kiểm tra độ an toàn với nổ phản ứng, Sơn và thầy cô giáo đã thử cho các hóa chất tác dụng gây nổ nhỏ.

Kết quả, các ống nghiệm bị vỡ do phản ứng, nhưng rô bốt vẫn nguyên vẹn. Năm 2009, sản phẩm của Sơn được giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần VI tại Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...