Biết lắng nghe để xóa khoảng cách trong gia đình

Biết lắng nghe để xóa khoảng cách trong gia đình
TPO - Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn chia sẻ với các bạn trẻ và phụ huynh như vậy trong chương trình Đối thoại trẻ số 8, được Đài truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp trên VTV6 tối qua, 24/8.
Biết lắng nghe để xóa khoảng cách trong gia đình ảnh 1
Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn trò chuyện với các bạn trẻ trong chương trình Đối thoại trẻ số 8. Ảnh: Lê Thơm.

Xoay quanh chủ đề: “Khoảng cách thế hệ trong gia đình”, khách mời của chương trình Đối thoại trẻ số 8 - Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn, người gần gũi với các bạn trẻ qua chương trình “Cửa sổ tình yêu”, được phát sóng thường xuyên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bày tỏ sự thông cảm với các bậc phụ huynh khi có những ý kiến chưa đồng tình với giới trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, anh cho rằng, trong quan hệ giữa các thế hệ tất yếu có sự khác biệt, nhưng khác biệt để chung sống chứ không phải để chê bai. Quan trọng là cha mẹ, con cái phải biết lắng nghe và suy ngẫm.

Vị khách mời đã cùng các bạn trẻ gỡ rối nhiều tình huống khó xử trong cuộc sống.

Con trai tôi mới học lớp 8 nhưng lại yêu cô bé lớp 9. Tôi rất lo và không biết phải khuyên giải con thế nào. Xin anh Đinh Đoàn cho lời khuyên?

Anh Đinh Đoàn: Đôi khi chúng ta quên rằng, mình từng có thời trẻ. Chắc chị còn nhớ thời trẻ của mình rất đẹp và được nhiều bạn trai để ý?

Nếu “khơi” đúng mạch, nhiều người sẽ thừa nhận: “Ừ nhỉ, ngày xưa mình cũng có thích một anh bạn lớp 9 nhưng không dám thổ lộ, chỉ biết viết thư để dưới ngăn bàn thôi. Ngày đấy trẻ con ấy mà....”.

Khi kể về mình như vậy, có nghĩa họ đã đứng ở vị trí của con và có cái nhìn thông cảm, chia sẻ chứ không phải là ép buộc phải làm theo ý mình. Khi hiểu được điều đó, cha mẹ sẽ có cách hợp lý để khuyên răn con.

Mình có cởi mở thì người khác mới dám chia sẻ. Người mẹ nên ngồi với con, kể rằng, "ngày xưa bố con vui tính lắm...", hay những chuyện tương tự. Người con sẽ thấy “sao hôm nay mẹ khác thế” và dễ dàng chia sẻ quan điểm. Như thế mới là một cuộc nói chuyện thật sự, hai bên biết lắng nghe để thấu hiểu và gần nhau hơn.

Từ nhỏ bố mẹ đã cho em ở riêng một phòng có đầy đủ tiện nghi, nhưng bố mẹ đi làm suốt ngày, tối về thì ngủ. Muốn chia sẻ với ai, em chỉ có thể gọi điện thoại hoặc chát trên mạng. Em thấy khoảng cách giữa với cha mẹ ngày càng xa dần?

Anh Đinh Đoàn: Cứ nói đến khoảng cách thế hệ, hình như người ta nghĩ ngay đến mâu thuẫn. Trước tiên, mình phải tự lo cho mình. Sự bận rộn của cha mẹ thực ra phần lớn vì con cái. Nghĩ được như thế sẽ bớt trách móc cha mẹ đi.

Với lại, bố mẹ cũng rất cần sự quan tâm của con. Chúng ta cần nghĩ cho mình, nghĩ cho người khác nhiều hơn, sẽ thấy nhẹ nhõm.

Biết lắng nghe để xóa khoảng cách trong gia đình ảnh 2 Mặc dù khoảng cách thế hệ là không thể không có nhưng cần phải tôn trọng sự khác biệt về khoảng cách mới có thể tạo nên một gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững với mọi thành viênBiết lắng nghe để xóa khoảng cách trong gia đình ảnh 3

Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn

Tuy nhiên, dù bận đến mấy, bố mẹ cũng cố gắng giành thời gian quan tâm, nói chuyện, trao đổi với con. Suy cho cùng, tài sản của bố mẹ chính là con cái. Khoảng cách chỉ có thể xóa nhòa khi hai bên biết nói, biết lắng nghe, biết tôn trọng và thấu hiểu.

Cha mẹ và em có khoảng cách lớn trong quan điểm về tình yêu và tình bạn. Em có bạn trai nhưng cha mẹ không chấp nhận và em bị kiểm soát ngặt nghèo về thời gian. Em cảm thấy căng thẳng và ngột ngạt quá…

Anh Đinh Đoàn: Thay đổi góc nhìn đi, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm. Phải thấy rằng, chúng ta có bố có mẹ - điều mà không ít người đang ao ước mà không được.

Trong trường hợp này, bạn có thể duy trì tình cảm với bạn trai nhưng phải tạo dựng được niềm tin cho bố mẹ bằng kết quả học tập, hành động, suy nghĩ…

Bạn đừng đi sớm về khuya. Thay vì ngồi quán uống cà phê, hãy về nhà bạn chơi để… “một công đôi việc”. Hai bạn hãy “liên kết” với nhau và thuyết phục bố mẹ từ từ bằng những hành động cụ thể, thay vì gân cổ chống lại và bỏ chạy.

Em đang bị áp lực rất lớn vì bố mẹ thường đi xem bói rồi bắt em làm theo nhưng điều không muốn…

Anh Đinh Đoàn: Không tin là rất tốt, nhưng làm cho người khác tin mình thì tốt hơn. Thử một lần không làm theo xem sao và chứng minh là mình đúng. Đôi ba lần như thế, gia đình em sẽ gác sang một bên chuyện bói toán.

Trong gia đình, anh có bất đồng quan điểm với bố mẹ không?

Anh Đinh Đoàn: Tôi không đồng ý với bố mẹ khoảng 90% các vấn đề trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà để xảy ra mâu thuẫn.

Ví dụ, bố mẹ tôi muốn: “Con ơi, về quê mà lấy vợ. Vợ quê hiền lành”; Hay: “Thôi, đừng có làm cái nghề làm đâu trăm họ này nữa. Mình tư vấn, họ làm được thì không sao, chứ không làm được thì lại trách. Thôi về làm thầy giáo cho chắc ăn...”.

Trong những trường hợp như thế, mình không nên bác bỏ ngay khi các cụ đưa ra ý kiến, mà cứ cười nói, dạ vâng. Lựa khi các cụ bình tâm trở lại, thì nhẹ nhàng tâm sự để các cụ thấy ý kiến của mình là có lý.

Anh có bao giờ sợ “dao sắc sẽ không gọt được chuôi?”

Anh Đinh Đoàn: Bạn có bao giờ thấy bác sĩ ốm không? Bác sĩ cũng là người và tôi cũng vậy.

Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, nếu ở gia đình khác mâu thuẫn thế hệ diễn ra gay gắt hơn, thì ở nhà tôi nó sẽ nhẹ nhàng hơn vì tôi có những hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Giao lưu với các bạn trẻ trong chương trình này, Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư cho rằng: Các bạn trẻ hãy chọn cho mình một quan điểm ngay từ đầu và kiên trì trong cuộc sống.

Ngày trước, mình cũng bị gia đình cấm đoán chuyện tình yêu, trải qua bao khó khăn, mệt mỏi, cuối cùng vẫn thuyết phục gia đình và lấy được nhau mà đến bây vẫn giữ được mối quan hệ tốt với gia đình hai bên.

Lê Thơm ghi

MỚI - NÓNG