Từ vụ ca sỹ Phương Thanh kiện một blogger

Blog không chỉ có 'đen' hay 'bẩn'...

Blog không chỉ có 'đen' hay 'bẩn'...
TP - Gần đây, người ta mới chỉ nói đến chuyện quản lý các blog có nội dung tuyên truyền không lành mạnh hoặc phản động, thì nay lại nảy sinh chuyện xúc phạm cá nhân trên blog- xử lý sao đây?

>> Khi blog không còn là chuyện riêng tư

Giọt nước tràn ly khi ca sĩ Phương Thanh khởi kiện vì bị bôi nhọ danh dự trên blog của một nhà báo tạm gọi là “tự do”. Sau đó, chủ nhân của blog này với tên ảo là Cô gái Đồ Long đã lên blog giải thích vì sao cô không thể làm phóng viên chính thức.

Cô cũng đưa ra một số bằng chứng nhận giải Báo chí cấp thành phố và toàn quốc, trong đó ở mục Đơn vị/Cơ quan công tác đều ghi báo Công an TP.HCM (đại diện báo Công an TP.HCM phủ nhận thông tin này).

Chưa biết ai “thắng” ai nhưng việc Phương Thanh đi kiện hoặc Cô gái Đồ Long bị kiện là bình thường. Nó trở nên nóng hơn chỉ vì liên quan tới blog. Bây giờ thì định nghĩa “nhật ký trên mạng” là một cái áo quá chật đối với blog.

Chưa xét đến quy mô, nhiều blog không khác mấy một trang web hay một tờ báo điện tử- chỉ có điều do chỉ một (vài) cá nhân điều hành. Nhiều công ty, tập thể cũng lập blog để quảng bá sản phẩm và giao dịch.

Việc kiểm soát blog đen theo chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Tử Quảng trả lời báo chí là hoàn toàn có thể. Blog nào “đen” sẽ được lọc ra để đưa vào tầm kiểm soát.

Từ đó suy ra, blog có nhiều người đọc, tầm ảnh hưởng xã hội rộng rãi đương nhiên sẽ được sự chú ý của cơ quan quản lý. Vì thế càng nổi tiếng, các blogger càng nên cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình. Nếu không muốn việc chơi blog ảnh hưởng đến cuộc sống thực.

Trong khi chủ nhân của blog Cô gái Đồ Long phải nhờ luật sư theo kiện, thì số người xem blog của cô càng tăng lên chóng mặt, từ 1,5 triệu trong vài ngày nay đã thành hơn 2 triệu.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chúng tôi chỉ xử lý, không quản lý

(Phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông)

Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc quản lý blog?

Chúng tôi chỉ là người xử lý chứ không phải người quản lý. Các nhà cũng đang nghĩ đến việc quản lý quản lý như thế nào nhưng hiện  cũng chưa đưa ra được nội dung cụ thể.

Khi đã có quy định rồi thì việc xử lý ra sao là việc của chúng tôi. Về blog, tuy nói là riêng tư nhưng khi đã chia sẻ với mọi người rồi thì nó trở thành thông tin công cộng - sẽ phải có sự quản lý.

Ý kiến của ông về việc một người dùng blog để nói xấu hoặc xúc phạm đến cá nhân hoặc cả một tập thể?

Không phải blog mà bất cứ thông tin nào mà xúc phạm, ảnh hưởng đến người khác đều không được phép dù viết trên blog hay bất cứ chỗ nào.

Nhưng nếu người viết blog cho rằng họ tự chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình trước pháp luật, việc quản lý về mặt nhà nước là thừa thì ông nghĩ sao?

Nếu không ảnh hưởng đến người khác, không ảnh hưởng đến xã hội, không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục thì... không vấn đề gì. Còn nếu anh nói xấu, hoặc nói những thông tin sai sự thật về người khác để người ta kiện thì Nhà nước, pháp luật phải can thiệp.

Bản thân ông có bao giờ xem blog hoặc viết blog?

Có thời gian tôi vào rồi. Nhưng chỉ trao đổi thông tin với người khác chứ tôi không đưa ra công cộng, tôi không mời nhiều. Sau đó tôi bận quá, không có thời gian, nên không cập nhật tiếp.

Ông thấy việc tồn tại của blog lợi hại ra sao?

Nếu biết phát huy mặt tốt thì nó rất có lợi. Đấy là một kênh thông tin rất hay, nhất là giữa bạn bè thân thiết, cần chia sẻ thông tin cá nhân trong một nhóm bạn thì rất hay, chứ nếu lợi dụng thành diễn đàn nói xấu hoặc đăng tải những thông tin độc hại thì không nên.

Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung trên các trang blog, nhưng trên thực tế thường chỉ có thể truy tìm và xử lý sau khi thông tin có vấn đề đã phát tán, ông nghĩ sao?

Cái này phải phối hợp nhiều thứ, từ vấn đề giáo dục định hướng. 

MỚI - NÓNG