Bộ đội Cụ Hồ cứu nạn

Bộ đội Cụ Hồ cứu nạn
TP - Thượng tá Nguyễn Xuân Lương - Phó Chỉ huy, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ cho hay: Ngay từ khi có chỉ thị cứu nạn vụ sập cầu Cần Thơ, BCH quân sự thành phố đã họp khẩn cấp triển khai lực lượng tác chiến.
Bộ đội Cụ Hồ cứu nạn ảnh 1
Dựng lều bạt cho lực lượng cứu hộ y tế

Lúc 8 giờ 30 phút, thượng tá Lương và một số cán bộ chiến sĩ đã có mặt tại hiện trường vụ sập cầu với ngổn ngang đổ nát và tiếng kêu cứu, gào thét kinh hoàng.

Từ hiện trường báo về Chỉ huy trưởng và Bộ Chỉ huy triển khai ngay phương án cứu nạn, sau 20 phút các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy đã có mặt trên 30 người sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Cùng lúc này, các lực lượng thuộc Thành đội như BCH quân sự các quận huyện và các lực lượng dân quân, dân phòng, tự vệ đã nhanh chóng triển khai với 300 người cùng với 74 cán bộ, chiến sĩ thuộc BCH Thành đội, được các tàu cứu nạn, ca nô, tàu gỗ mã lực lớn của Thành đội đưa sang hiện trường.

Họ bắt tay ngay vào việc phong tỏa khu vực quanh hiện trường, bến tàu qua lại hai bờ sông Hậu sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các  lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Những chiếc lều bạt, nhà lều bạt được dựng lên trong tư thế tác chiến tại khu vực cầu sập với các phương tiện, dụng cụ, y cụ trong tình trạng sẵn sàng sơ cứu thương, vận chuyển người bị thương qua sông đưa đi cấp cứu.

Bỏ dở cuộc họp từ Hà Nội, đại tá Chỉ huy trưởng Thành đội Vũ Cao Quân chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu nạn và quay về Cần Thơ khẩn cấp.

Không đến phòng làm việc, đại tá Quân đã tức tốc ra thẳng ca-nô đợi sẵn chạy sang hiện trường cùng anh em chỉ huy tác chiến.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 27/9 có 5 thi thể nhân đầu tiên đã được các lực lượng quân sự Thành đội Cần Thơ đưa ra khỏi đống đổ nát vận chuyển về Bệnh viện 121.

Bộ đội Cụ Hồ cứu nạn ảnh 2
LLVT giúp dọn dẹp đống đổ nát

Thời khắc rất quan  trọng này đã phá vỡ sự sợ hãi, lo âu về đống sắt bê tông sụp đổ khổng lồ về mặt tâm lý và hành động dũng cảm bằng trái tim, sự gan dạ của những người lính Cụ Hồ, tiên phong mở đầu cho việc bằng mọi giá phải cứu người, lấy thi thể người đã chết như lời Chỉ huy trưởng ra lệnh.

Công việc cứu nạn tiếp tục trong ngày 27/9 và đêm trắng 27, 28/9  các lực lượng cứu nạn Thành đội Cần Thơ đã tìm lấy thêm 4 thi thể nạn nhân trước khi có sự phối hợp của các lực lượng quân khu và các lực lượng khác tham gia.

Tại hiện trường, bộ đội, tự vệ, dân quân phân ca trực 24/24,  mỗi ca 20 người, thời gian 2 giờ đồng hồ, ăn uống nghỉ ngơi tại chỗ. Các đồng chí chỉ huy thay nhau 2 người mỗi ca cùng có mặt trong mọi tình huống.

Dưới sông, tàu cứu nạn của Thành đội mang số hiệu ST 750 và một ca nô, một tàu gỗ lớn như con thoi cùng các phương tiện khác đưa người và nạn nhân qua sống bất kể là ngày hay đêm.

Tại hiện trường, anh Tiền Ngọc Vĩnh- Bộ đội thuộc BCH quận đội Ninh Kiều kể: Suốt mấy ngày qua anh em làm việc hết mình. Đêm hôm không ngủ được nữa vì khu trại đã nghe nặng mùi thối rữa nồng nặc.

Các chuyện gia Philippine khoan lỗ cho mình lặn xuống hy vọng mong manh tìm thấy thi thể công nhân...

Mặc dù mệt đừ, mất ngủ và phải thức làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhưng tự đáy lòng anh em mọi gian khổ không là gì nếu chưa tìm thấy thêm anh em công nhân.

Chia sẻ khó khăn, đau thương với gia đình các nạn nhân, Thành đội đã phát động trong toàn lực lượng ủng hộ một ngày lương và trích từ quỹ phòng chống thiên tai của đơn vị 40 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp các gia đình công nhân bị nạn.

Cứu nạn với tất cả trách nhiệm của người chiến sĩ nhân dân

Bộ đội Cụ Hồ cứu nạn ảnh 3
Đại tá Nguyễn Trọng Nhu. Ảnh : Hồng Lĩnh
Tại hiện trường vụ tai nạn, đại tá Nguyễn Trọng Nhu, Cục phó cục cứu hộ cứu nạn (Bộ quốc phòng), kiêm Phó văn phòng UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã trả lời PV báo Tiền phong xung quanh việc cứu người trong thảm họa sập cầu Cần Thơ.

Thưa đại tá, việc cứu nạn đang được tổ chức như thế nào?

Chúng tôi đã huy động các lực lượng Quân khu 9, nhà thầu, lực lượng các ngành chức năng ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Ngay từ bây giờ có thể khẳng định 87 người bị thương còn sống là do công tác cứu nạn và cấp cứu kịp thời. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức phối hợp rất tốt, linh hoạt, từ cứu nạn đến cấp cứu.

Với một lực lượng bị thương nhiều như thế, trong khi việc hiến máu chưa kịp thời, chúng tôi đã sử dụng lượng máu dự phòng của quân đội. 

Phương pháp tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện ra sao?

Ngay trong tối 26/9, tôi đã yêu cầu phía nhà thầu của Nhật Bản dựng lại hiện trường trên máy vi tính cho tôi xem. Các giả thiết sập cầu được thực hiện trên máy tính nhằm xác định người bị nạn tập trung hướng nào nhiều nhất. Việc tìm kiếm các nạn nhân là khẩn trương nhưng phải thận trọng, bảo đảm an toàn.

Với một khối lượng hàng ngàn tấn đổ nát lộn xộn như thế đã làm cho công tác tìm kiếm hết sức khó khăn. Cách làm của chúng tôi chủ yếu vẫn là khoan cắt từng vùng để tìm kiếm nạn nhân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo khắc phục vụ tại nạn thảm khốc này đã túc trực liên tục, mỗi ngày họp giao ban từ 2 – 3 lần.

Đại tá nhận xét về vai trò của lực lượng quân đội trong tìm kiếm cứu nạn?

Lực lượng quân đội lúc cao nhất lên đến 615 người, hiện thường xuyên túc trực gần 300 người, tập trung cao độ cả ngày lẫn đêm. Hệ thống y tế của các đơn vị Cần Thơ, Quân khu 9, bệnh viện 121, Thành đội, Công binh đã được huy động.

Toàn bộ những người chết đều do lực lượng quân đội đưa ra. Lực lượng quân đội đã làm việc với tất cả trách nhiệm và tấm lòng của người chiến sỹ vì nhân dân.

MỚI - NÓNG