Bố em bị thương ở đâu?

Bố em bị thương ở đâu?
TP - Có lẽ không bao giờ lớp tôi quên được bài học ngoại khóa của thầy!

> Sâu rộng và không ngừng nghỉ

Lớp đại học chúng tôi có nhiều bạn là con thương binh, liệt sĩ. Tôi là bí thư chi đoàn, cũng là con thương binh. Hôm đó, 27-7, chúng tôi tổ chức buổi lễ rất nghiêm trang, mời thầy chủ nhiệm đến dự.

Theo thông lệ, buổi lễ bắt đầu phần giới thiệu về ý nghĩa ngày thương binh liệt sĩ, điểm qua các bạn trong lớp là con thương binh, liệt sĩ; tặng quà, chia sẻ, phát biểu cảm tưởng... Chúng tôi ôm ghi ta hát những bài ca ngợi công lao những người đã hi sinh vì đất nước!

Buổi lễ bỗng chuyển hướng khi thầy chủ nhiệm không trịnh trọng phát biểu mà đi xuống phía lớp hỏi một bạn nam là con thương binh:

- Em có mẹ hay bố là thương binh?

- Thưa thầy, bố ạ.

- Học ở đây, nhà trường quan tâm con thương binh thế nào, em có hài lòng không?

- Dạ, em được miễn học phí, ngoài ra còn được nhận một khoản tiền vào cuối năm. Khi thi vào em được cộng điểm, vào học được ưu tiên ở ký túc xá. Em thấy nhà trường rất quan tâm thầy ạ.

- Bố em thương binh hạng mấy?

- Dạ… em không nhớ lắm…

- Bố bị thương ở chiến trường nào?

- Dạ…dạ…

- Hiện trên cơ thế bố em, vết thương nằm ở đâu, khi trái gió trở trời bố có đau không?

- Dạ…

Thầy dạy môn Logic. Thầy vẫn dùng các câu hỏi để thu nhận thông tin rồi kết luận chính xác không thể chối cãi. Thầy hỏi đến đó, bạn nam ấp úng, chúng tôi biết thầy đang muốn đưa câu chuyện đến đâu! Cả lớp im phắc. Trên khuôn mặt hằn in tuổi tác, gầy đanh nhưng rất đỗi hiền từ, thầy gần như khóc. Im lặng lúc lâu, thầy nói:

- Các em hát những bài ngợi ca chiến công cha anh. Các em làm lễ ồn ào và gọi đó là tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong khi cha mẹ các em - những người sinh ra các em, bị thương và chịu đau đớn thế nào thì lại không biết.

Các em nhớ mình được ưu tiên khi thi đại học, nhớ được miễn giảm học phí, nhớ những ưu tiên khác - nhưng lại quên bố, mẹ đau đớn thế nào khi mang thương tích. Cái đích của buổi lễ kỷ niệm này là gì, nó đã đạt được chưa?

Thầy lại im lặng, nén nỗi buồn.

Tôi thay mặt cả lớp xin lỗi thầy và coi buổi hôm đó là bài học sâu sắc của cả lớp, mong thầy đừng buồn nữa.

Ra trường tôi tiếp tục làm cán bộ Đoàn, bài học giản dị và sâu sắc đó vẫn luôn nhắc nhở tôi tránh bệnh hình thức, vô cảm! Cũng qua buổi lễ đó, trong đời tôi ghi nhớ sâu đậm một người thầy dạy chữ, dạy người đáng khâm phục, đáng kính!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.