Bốn nữ sinh ước mơ làm lãnh đạo

Bốn nữ sinh ước mơ làm lãnh đạo
TPO - “Tại sao giới trẻ Việt Nam lại không thể đi đầu tại châu Á? Chúng tôi sẽ chứng minh cho bạn bè trong khu vực năng lực, trí tuệ của sinh viên Việt Nam”.
Bốn nữ sinh ước mơ làm lãnh đạo ảnh 1
Từ trái qua phải: Phạm Thu Hằng, Hà Hồng Hạnh, Trần Thị Lê Dung, Hoàng Hạnh Dung.

Bốn cô gái Trần Thị Lê Dung, Phạm Thu Hằng, Hoàng Hạnh Dung, Hà Hồng Hạnh được chọn tham gia diễn đàn Sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 8, khẳng định như vậy.

Năng động

Nếu nhìn vào thành tích học tập và một lần trực tiếp “đối chất” với họ, bạn sẽ đồng ý với Hội đồng giám khảo khi chọn 4 cô gái đại diện cho Việt Nam tham dự diễn đàn Sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 8, được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm 2007.

“Tôi mong muốn trở thành doanh nhân thành đạt và đang hoạch định cho mình con đường để đạt được ước mơ ấy” - Hoàng Hạnh Dung (sinh năm 1986), sinh viên khoa Kinh tế Đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết. Con đường ấy, theo Dung, là không ngại “va chạm” với cuộc sống để cọ xát, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Đang là sinh viên năm thứ 3, Dung đã cộng tác dẫn chương trình cho “Bếp Việt” của Đài truyền hình Việt Nam và “Khám phá” của VietNamNet Tivi. Cô còn là Trưởng ban đối ngoại CLB sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Ngoại thương.

Tiếng Anh “nói như... gió”, hiện đang học năm cuối cũng tại Đại học Ngoại thương, Phạm Thu Hằng đã “có chân” tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hằng được nhận vào làm tại Trung tâm Trọng tài quốc tế chỉ với bảng điểm, bài kiểm tra và phỏng vấn (chưa có bằng đại học).

Thời gian ở trường, Hằng đã sáng lập, đồng thời là Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực, giữ chức Chủ tịch CLB Tình bạn ở Hải Phòng, Phó Chủ tịch CLB Nhà doanh nghiệp tương lai 2002 – 2003...

Cô cũng là người “ẵm” về giải thưởng Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển thủ đô năm 2004 và Sinh viên Khởi nghiệp 2005 do Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức.

Trong khi đó, đạt điểm cao nhất trong vòng phỏng vấn tuyển chọn (tất cả bằng tiếng Anh), Trần Thị Lê Dung vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, đã lao vào thi ngay cao học ngành ứng dụng ngôn ngữ.

Dung hiện là Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường, Bí thư Chi bộ sinh viên của trường, Chủ nhiệm CLB tiếng Anh... Cô từng đoạt giải nhất cuộc thi “Hướng tới ASEM V”, nhiều bằng khen của Đoàn về tham gia các phong trào tình nguyện...

“Năng động, tham gia các tổ chức giúp sinh viên chúng tôi trưởng thành”, Hà Hồng Hạnh, nữ sinh Đại học Bách Khoa Hà Nội thổ lộ. Giỏi ngoại ngữ, được nhận học bổng, Hạnh còn là “đầu tàu” của CLB E - ClubCLB Điện ảnh.

Hạnh cũng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Đoàn trường, Chi hội trưởng liên chi Hội sinh viên khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Hàng đầu châu Á, sao không?

Giống nhau ở sự năng động, học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, 4 cô gái đại diện cho giới trẻ Việt Nam cùng với 24 sinh viên đến từ các nước Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore, sẽ “tập” làm lãnh đạo. Họ sẽ bàn bạc, đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề “nóng”, liên quan lĩnh vực kinh tế và môi trường, đang tồn tại ở châu Á hiện nay.

“Tuy lần đầu tham dự nhưng chúng tôi hoàn toàn tự tin khi được đại diện cho giới trẻ Việt Nam tham dự diễn đàn khu vực này. Bằng những sáng kiến, chúng tôi sẽ chứng minh với bạn bè châu Á rằng, giới trẻ Việt Nam đủ năng lực, chung tay giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay” - Phạm Thu Hằng khẳng định.

Để làm được điều đó, hai nữ sinh Ngoại thương đã lập tức bắt tay nghiên cứu, tìm tòi chuẩn bị cho chủ đề “Vai trò của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đối với châu Á”.

“Giới trẻ Việt Nam đang xích gần lại hơn với giới trẻ thế giới và khu vực. So với các bạn, tính chủ động của sinh viên Việt Nam chưa được phát huy nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không đủ tầm giải quyết các vấn đề bức xúc đang tồn tại trong khu vực” - Trần Thị Lê Dung nhận định.

Nếu không có gì thay đổi, Lê Dung và Hà Hồng Hạnh sẽ nghiên cứu chủ đề “Các thách thức chính của châu Á trong việc bảo vệ và quản lý nguồn nước”. Các bạn dự định đưa ra những đề xuất cho vấn đề này thông qua nghiên cứu thực trạng nước sinh hoạt ở Việt Nam và các nước trong khu vực.  

MỚI - NÓNG