Bóng áo xanh trên “cánh đồng Ma”

Bóng áo xanh trên “cánh đồng Ma”
TP - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc, thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán (Yên Bái) nơi được Huyện Đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng Thanh niên 2008.

Chuyện kể rằng: Vào khoảng đầu những năm 60 thế kỷ trước, có một số hộ người Dao định canh ở vùng này, nhận thấy đây là khoảng đồi bằng phẳng, với chiều rộng lý tưởng nên họ bắt đầu khai hoang để làm ruộng nước.

Song không hiểu sao, cứ làm được một đến hai vụ thì một số thành viên trong gia đình họ lại bị ốm đau liên miên và trong vùng còn xảy ra nhiều dịch bệnh như tiêu chảy, mắt đỏ, các bệnh ngoài da...

Vì vậy, họ lại dắt díu nhau sang xã Nậm Lành (Văn Chấn) để sinh sống. Sau khi người Dao đi, người Mông lại chuyển đến. Oái oăm thay, khi lúa chuẩn bị cho thu hoạch thì những người trực tiếp canh tác lại đau ốm thường xuyên, thậm chí có một số người chết.

Cả người Dao lẫn người Mông đều cho rằng, nếu cứ tiếp tục canh tác trên những thửa ruộng này thì con “ma rừng” sẽ bắt con cháu của họ chết dần, chết mòn. Vì vậy, họ cho đây là cánh đồng “ma” và đã dần rời xa đồng ruộng không nuối tiếc.

Cho đến nay, cánh đồng này đã hoàn toàn bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không ai còn dám bước chân vào khai hoang, lập ruộng. Chưa hết, vào đầu năm 1996, một cán bộ xã Túc Đán lên đây khai hoang 1ha ruộng cho thu hoạch được một vụ.

Bóng áo xanh trên “cánh đồng Ma” ảnh 1

Cùng nhau đào đất đắp bờ cho những thửa ruộng bậc thang

Sang vụ thứ hai, vị này tiếp tục khai hoang thêm thì con trai ông chết không rõ nguyên nhân. Vì vậy người Mông, người Dao nơi đây càng tin rằng, cánh đồng Nậm Tộc đúng là có “ma”!

Bởi nỗi sợ hãi “truyền đời” ấy nên đồng bào chỉ còn biết lên rừng kiếm kế sinh nhai, phát nương làm rẫy lần hồi qua ngày khiến cuộc sống của họ vốn dĩ đã nghèo đói lại càng nghèo đói và lạc hậu hơn.

...Đến những chiến sĩ tình nguyện “đuổi” ma

Đầu năm 2008, sau một số lần khảo sát, nhận thấy đây là cánh đồng rộng (khoảng 10ha), bằng phẳng, màu mỡ lại thuận lợi về nguồn nước từ khe Nậm Tộc để canh tác lúa, huyện Trạm Tấu đã giao cho Huyện Đoàn phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, tổ chức phát động các đoàn viên thanh niên tình nguyện từ các Đoàn xã ra quân, khai hoang nhằm tăng thêm diện tích ruộng nước, tăng năng suất và sản lượng lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây; đồng thời cũng để xóa bỏ những đồn thổi về cánh đồng “ma” đang tồn tại trong tiềm thức của người dân bấy lâu nay.

150 đoàn viên thanh niên đến từ các Đoàn xã trong toàn huyện đang tỏa đi các ngả, phát quang cây cối, đào rãnh đắp bờ, tạo thành những thửa ruộng bậc thang. Niềm hứng khởi đã xua tan đi những mệt nhọc trên khuôn mặt các chiến sỹ trẻ tình nguyện.

Các bạn trẻ không chỉ giúp dân khai hoang ruộng nước mà còn làm sáng tỏ mọi đồn đại, dị nghị về một cánh đồng “ma” từ bao lâu nay: Nguyên nhân chết của một số người thôn Tống Trong không phải do cánh đồng “ma” gây nên mà chính do những tập tục sinh hoạt lạc hậu, ăn ở không vệ sinh, nên xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, lại xa trung tâm y tế, không được cứu chữa kịp thời mà dẫn đến có người tử vong.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện Đoàn Trạm Tấu- Lương Mạnh Hà, cho biết: “Để khai hoang thành công, tạo thành những thửa ruộng bậc thang cho bà con canh tác, Huyện Đoàn đã chia kế hoạch thực hiện thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1-6/3 là khai hoang phát cây cối, đắp bờ, tạo thửa, cày nền ruộng để bà con làm ngô.

Giai đoạn 2 sẽ phát động vào chiến dịch tình nguyện hè năm 2008 để triển khai gieo cấy vụ mùa”. Chỉ trong mấy ngày đầu của Tháng Thanh niên, các chiến sỹ tình nguyện đã vượt qua khó khăn, khai hoang được 10ha ruộng nước.

Theo người dân cho biết, mỗi ha lúa ruộng bậc thang sẽ cho thu trên 4 tấn thóc. Như vậy, 10 ha mỗi vụ sẽ cho thu hoạch thêm 40 tấn thóc nên bà con nơi đây rất phấn khởi, đặc biệt là tuổi trẻ trong xã mừng lắm vì đã có thêm đất để canh tác.

Anh Giàng A Trư- một hộ dân trong thôn cho biết: “Vì thiếu đất canh tác nên đời sống bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nghe tin Đoàn thanh niên phát động khai hoang ruộng nước ở đây, mình cũng tham gia để có thêm đất gieo cấy, có thêm lương thực để ăn”. 

- Nếu được Nhà nước cấp đất ở đây, Trư có làm ruộng không?

- Có chứ!

- Không sợ “ma” à?

- Ma ư? Đã được cán bộ đuổi đi rồi!

MỚI - NÓNG