Buổi chào cờ 30/4 tại Trường Sa

Buổi chào cờ 30/4 tại Trường Sa
TP - Ấn tượng không bao giờ quên mà 12 nhà báo trẻ chúng tôi cũng như 60 đại biểu thanh niên của Việt Nam thực hiện Hành  trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, có được là buổi chào cờ trên đảo Phan Vinh anh hùng đúng ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, 30/4/2009.

Đảo Phan Vinh là điểm dừng đúng ngày thống nhất đất nước 30/4 trong chuyến Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương của chúng tôi đến thăm 12 điểm đảo trong quần đảo Trường Sa. Đây không phải là lựa chọn ngẫu nhiên của lãnh đạo hai đơn vị tổ chức Quân chủng Hải quân (QCHQ) và T.Ư Đoàn.

Buổi chào cờ 30/4 tại Trường Sa ảnh 1

Cùng hát bên cột mốc bia chủ quyền đảo Phan Vinh.  Ảnh:  Hữu Vinh

Rạng sáng hôm ấy, những thành viên trên tàu HQ 957 thuộc Lữ đoàn 126 không phải chờ sự nhắc nhở thường lệ: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” nữa. Chiều hôm trước, lời nhắc của Thượng tá Đỗ Minh Tuấn – Trưởng ban thanh niên QCHQ, thành viên Ban tổ chức chuyến đi, qua loa phát thanh truyền tới từng phòng nghỉ: “Đúng năm giờ 30 phút sáng, chúng ta sẽ ăn sáng tại tàu, sau đó xuống thuyền lên đảo Phan Vinh và dự lễ chào cờ”…

Sáu giờ, đoàn bắt đầu xuống xuồng cứu sinh di chuyển vào đảo. Do đảo được bao bọc bởi rạn san hô rộng, nên tàu 957 phải neo đậu khá xa. Gió giật, sóng cấp 6, 7 báo hiệu cơn mưa sắp đến, hai thuyền cứu sinh đưa đoàn đại biểu vào đảo phải chật vật di chuyển vượt qua những con sóng ngang. Tôi may mắn được phân công đi trước cùng lãnh đạo Đoàn trên thuyền CQ cao tốc. Mất chừng 10 phút, tôi đã dạo xong một vòng trên đảo.

Rưng rưng dưới bóng quốc kỳ

7 giờ 45 phút, lễ chào cờ bắt đầu. Đoàn đại biểu cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh sắp hàng trên khoảng sân rộng chừng 100 m2 có những tán bàng vuông che mát. Mọi người nghiêm trang hướng về lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên cột mốc chủ quyền và khẩu lệnh chào cờ, cùng lời bài hát Quốc ca vang lên thật hùng tráng trước sóng gió biển khơi.

Mắt của nhà báo Lê Đức Dục (báo Tuổi Trẻ) đỏ hoe. Những đồng nghiệp và các đại biểu thanh niên khác đứng bên cạnh tôi cũng rưng rưng. Họ vừa hát vừa lấy tay lau nước mắt. Một bầu không khí thiêng liêng hiếm có làm dâng trào trong những người đến từ đất liền những cảm xúc đặc biệt. Trân trọng và biết ơn những chiến sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo.

Nguyễn Quang Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP Hải Phòng, đại diện các đại biểu phát biểu cảm tưởng:

“Trong chuyến hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, đoàn đại biểu của T.Ư Đoàn TNCS HCM vinh dự có mặt trên đảo Phan Vinh, hòn đảo mang tên người anh hùng. Trong giờ phút trang trọng và đầy ý nghĩa này, dưới ngọn cờ vinh quang của Tổ quốc, giữa vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước, tuổi trẻ VN nguyện đoàn kết, xiết chặt tay nhau, phát huy bản chất cách mạng kiên cường của dân tộc, xung kích tình nguyện, sáng tạo xây dựng và bảo vệ tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa…

Tuổi trẻ VN mãi mãi ghi ơn những chiến công oanh liệt, những cống hiến hy sinh của lớp lớp thanh niên VN trong công cuộc bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc; và nguyện ra sức lao động, học tập để xây dựng đất nước VN giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh đó…”.

Đại tá Đinh Gia Thật - Phó Chủ nhiệm Chính trị QCHQ, Trưởng đoàn, trích  dẫn lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi ông còn là Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng tham dự lễ mít-tinh kỉ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa ngày 7/5/1988, như gửi gắm lòng quyết tâm của tập thể cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng hải quân đang gánh vác trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển:

Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào của cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc thân yêu của chúng ta” .

Buổi chiều sau buổi lễ chào cờ, cả đoàn rời đảo Phan Vinh muộn hơn dự kiến vì  mưa to và sóng lớn. Khi ngồi trên tàu, Bí thư T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi - Phó trưởng đoàn công tác vẫn còn bồi hồi cảm xúc trước sự kiện chào cờ lịch sử ấy. Anh gợi ý cho tôi tập trung vào sự kiện này trong bài viết của mình.  

Đêm hôm đó, con tàu 957 vượt sóng êm ả. Nhìn thấy nhà báo Phạm Thu Hà - Báo Sinh viên Việt Nam đang đứng trầm ngâm cạnh boong tàu nhìn về hướng đảo Phan Vinh, tôi tiến lại và hỏi Hà có điều chi tâm sự. Hà bảo: “Anh đừng phá em. Để em suy nghĩ tí”. Tôi đoán Hà vẫn chưa hết cảm xúc trước buổi chào cờ trên đảo sáng nay nên đề nghị cô nhà báo xinh xắn này viết cho tôi vài dòng cảm xúc.  Hà lắc đầu… tiếp tục với những suy tư riêng. Tuy nhiên một lúc sau Hà sang phòng tôi và đưa mảnh giấy cô viết tay và tôi thoáng thấy mắt cô gái vẫn còn ươn ướt.

Hà viết: “Mỗi sáng thứ Hai tôi chào cờ trên avatar, của blog nhưng hôm nay (30/4) tôi lại chào cờ trên đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. Chỉ cần nhắc đến Trường Sa thôi đã để đủ là keyword làm nghẹn lòng giới trẻ. Cô bạn Phú Yên đứng bên cạnh tôi hát qua câu đầu của bài Quốc Ca thì bật khóc. Chưa bao giờ giai điệu về Tổ quốc, xúc cảm  về quê hương xứ sở lại dâng lên mạnh mẽ đến thế”.

Phóng viên trẻ Xuân Hoàng của Vietnamnet cũng vào phòng và cho tôi thêm vài dòng cảm xúc: “Không phải ai cũng có thể tham dự buổi chào cờ trên đảo như hôm nay. Tận mắt tôi trông thấy lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên đỉnh cột mốc chủ quyền đảo Phan Vinh. Biết bao xương máu của các chiến sĩ đã đổ xuống và những cống hiến quên mình của tập thể cán bộ, chiến sĩ đang gánh vác nhiệm vụ giữ chủ quyền biển, đảo của quần đảo Trường Sa nói riêng và Tổ quốc nói chung”.

Đối với những nhà báo trẻ như chúng tôi, có lẽ đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời.   

MỚI - NÓNG