“Cá nước” thời bình của lính “Bê hai chín”

“Cá nước” thời bình của lính “Bê hai chín”
TP - Bộ đội về làng. Cái tin ấy loan đi nhanh chóng. Chiều hôm trước, nhiều gia đình đã chuẩn bị cơm nước, chăn mền, chỗ ngủ cho bộ đội Đoàn B29. Nhưng nhà cô Lan thì… chẳng vui lắm...
“Cá nước” thời bình của lính “Bê hai chín” ảnh 1
Lính “Bê hai chín” giúp dân sửa nhà sau một trận lốc xoáy ở Phú Giáo (Bình Dương)

Nhà chật thế này, mỗi khi có khách lại phải nhường nhau chỗ nghỉ, nay ba bốn anh bộ đội về nhà mình, sinh hoạt chắc lại đảo lộn hết trời. Cái làng này (thuộc xã Tân Hiệp, Phú Giáo, Bình Dương) thiếu gì người có nhà cao cửa rộng, sao ông trưởng thôn cứ nhè nhà mình ra đón bộ đội?

Cô lặng lẽ, lạnh nhạt, khi thấy đồng chí tiểu đội trưởng dẫn ba chiến sỹ vào nhà. Phích nước ráo nhẵn chẳng còn một giọt nhưng cô cũng chẳng thèm kêu con gái xuống bếp đun nước…

Một câu nói đùa vô tình hay hành động nhỏ không đẹp mắt cũng gây nên sự hiểu lầm không đáng có của người dân. Trung úy Đoàn Mạnh Hùng kể về kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ ấy.

Hằng ngày cô Lan chẳng nói gì với bộ đội, nhiều lúc còn cắu bẳn vô cớ với mấy đứa trẻ. Việc nhà cửa, vườn tược… mọi thứ đều có bàn tay bộ đội tươm tất, vậy mà cô vẫn không ưng.

Rồi một đêm mưa gió, cô Lan bị sốt. Một chiến sỹ tức tốc đội mưa, băng bộ hàng cây số đi lấy thuốc về. Cô Lan tỉnh lại rưng rưng nước mắt cảm ơn bộ đội.

Đóng quân trên vùng sỏi đá khô cằn, tất cả cán bộ, chiến sỹ Đoàn B29 rất thấu hiểu nỗi vất vả của người dân “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Binh nhất Nguyễn Văn Hà tâm sự: “Tháng 9/2006, phân đội em được phân công ở nhà chú Năm tại ấp 2, xã Phước Sang.

Vừa đặt chân đến, cậu bé chục tuổi mừng tíu tít, cứ đòi khoác ba lô và đội mũ của chú bộ đội. Cô chú Năm nhường hẳn căn nhà mới xây cho bộ đội ở, còn gia đình sẽ ở căn nhà cũ, nhưng chúng em không chịu…

Ban ngày đi làm về, bộ đội luôn được cô chú đãi nước đá chanh. Tối tối, cứ ăn cơm xong, chú Năm lại mời bọn em sang nhà mới xem tivi và thưởng thức ngô luộc mới hái ngoài rẫy.

Mỗi lần nâng ly đá chanh mát lạnh, cầm bắp ngô nếp luộc thơm phức của cô chú Năm, em có cảm giác như mình đang sống ở quê nhà. Trước hôm đơn vị rút quân, cô chú Năm còn nấu cháo gà thết đãi để chia tay…

Ngày 19/3, Binh chủng Đặc công đã vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng, và kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống (19/3/1967 – 19/3/2007).

Bốn mươi năm qua, từng chiến sỹ đặc công và toàn Binh chủng đã khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thử thách nguy hiểm, luôn tập trung rèn luyện, nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao trong mọi tình huống, đặc biệt là trong tình hình mới.

Những con đường liên ấp, liên xã thẳng tắp, những mái nhà bị lốc xoáy được dựng lại, những lớp học mới sửa sang, mương rạch được khai thông khắp đồng… Lính “Bê hai chín” đi qua đâu, dân nhắc tới  các anh với một tình yêu trìu mến.

Ông Năm Xuân ở xã Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước) nhận xét: “Tôi thấy mấy chú bộ đội hiền khô à. Cuối năm ngoái, nhà tôi có đón mấy chú “Bê hai chín”, trông ai cũng dễ mến lắm. Chăm chỉ quá. Chú nào cũng khỏe, việc gì cũng làm được hết, lại rất kỷ luật, ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp… ”.

Thiếu tá Nguyễn Viết Khá, trợ lý chính sách - dân vận Đoàn B29, cho biết: “Bốn năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đoàn B29 đã ủng hộ các quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, đồng bào bị thiên tai được gần 300 triệu đồng; xây mới, sửa chữa 2 nhà tình nghĩa, 1 nhà đại đoàn kết trị giá 75 triệu đồng (đầu năm 2007 đã ủng hộ xây thêm 1 nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng); tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí trên 600 lượt người dân trị giá gần 10 triệu đồng; lao động giúp dân trên 48.890 ngày công sửa chữa và làm mới 80km đường liên ấp, liên xã …”.

40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (19/3/1967-19/3/2007) bộ đội Đặc công đã có 74 tập thể và 174 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Một trong những tập thể anh hùng ấy là Đoàn B29. Đoàn cũng đã được UBND tỉnh Bình Dương tặng 8 bằng khen cho các tập thể và 9 bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc làm dân vận. Binh chủng Đặc công đã đề nghị Bộ Quốc phòng khen thưởng Đoàn B29 về thành tích này.

Nhưng một phần thưởng cao quý hơn cả, đó chính là niềm tin, lòng yêu mến của người dân dành cho từng người lính “Bê hai chín”. Các anh thật xứng đáng với 16 chữ vàng truyền thống của Đoàn B29 Anh hùng: “Độc đảm kiên cường. Tự lực tự cường. Luồn sâu đánh hiểm. Đoàn kết chiến thắng”.

MỚI - NÓNG