Cà phê "suất" ở làng đại học

Cà phê "suất" ở làng đại học
Nghe sinh viên (SV) kháo nhau về quán cà phê "suất" ở làng đại học (ĐH) Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM, lân la dò hỏi, cuối cùng cũng tìm được đến đúng địa chỉ cần tìm.
Cà phê "suất" ở làng đại học ảnh 1
"Đào" đang chuẩn bị cho lần tiếp khách mới. Ảnh: Thanh Niên

Không ngờ rằng ngay trong khu văn hóa của những cử nhân tương lai lại nghiễm nhiên tồn tại một quán cà phê "mát trời ông địa" nhớp nhúa như thế...

Con đường 621 từ xa lộ Hà Nội dẫn vào Ký túc xá ĐH Quốc gia cát bụi mịt mù, trên tường nhà, lá cây đều bám đầy bụi. Có lẽ cũng được ngụy trang bởi lớp bụi dày cộm như thế nên quán cà phê nói trên đã "trụ" rất lâu trên con đường này mà không ai hay biết ngoài cánh... SV.

Theo hướng dẫn của một tay chơi "siêu hạng" ở làng đại học, chọn ngay quán Thanh Tuyền để thưởng thức sự khác biệt của cái gọi là "cà phê suất".

18h, quán có vẻ đông khách, vài tốp SV tan học lần lượt tấp vào. Quán chia làm hai gian, một mới một cũ, xung quanh tường là những ánh đèn màu leo lét mờ ảo chớp nháy liên hồi theo điệu nhạc xập xình nhưng hơi lạc điệu so với không gian chật chội trong quán.

Ngồi chưa ấm chỗ, một cô gái độ 17 tuổi, dáng hao gầy sấn tới: "Anh uống gì?". Đặt ly cà phê với ấm trà nóng xuống bàn cho khách, cô gái nhẹ nhàng ngồi lên chiếc ghế cạnh.

Buôn chuyện đúng 1 phút, theo kinh nghiệm của tay guide đã hướng dẫn, khách vào thẳng vấn đề: "Không còn chỗ nào thoải mái hơn sao em?". "Có chứ, nếu anh thích thì có thể vào trong ngồi ghế mềm", vừa trả lời, cô gái vừa giải thích thêm: "Ngồi ở đây chỉ có một người thôi, còn nếu vào ngồi ghế mềm thì có thể ngồi hai người vui hơn. Trong đó vẫn còn một ghế đó anh, mình vào hén?".

Gật đầu rồi khẽ cười một cái. "Nhưng anh thích ngồi với ai trong 4 tụi em?", cô đưa tay chỉ sang các cô gái trong trang phục rất "thô sơ" đang ngồi õng ẹo ở một góc bàn. "Với em chứ ai", khách đáp ngay không chút do dự.

Thế là cô kéo tay khách vào sâu trong quán, tiến đến 2 bộ bàn ghế salon đen đã ngả màu được đặt hướng ngược vào trong, tạo nên một góc khuất mà các cô gọi là "cõi riêng".

Nói là bộ bàn ghế cho sang, chứ thật ra đó chỉ là một cái ghế để hờ ở góc nhà kèm theo chiếc bàn nhựa sần sùi, bẩn thỉu đến khó nhìn. Trên tường thì nhầy nhụa, vằn vện bởi những cái gì đó rất kinh tởm và phảng phất mùi vô cùng khó tả.

Cà phê "suất" ở làng đại học ảnh 2
Quán cà phê Thanh Tuyền - nơi lui tới của nhiều SV. Ảnh: Thanh Niên

"Mùi vị của cà phê suất đây sao?", ý nghĩ vừa ập đến trong đầu thì T., tên cô gái tiếp tôi nãy giờ, bước ra với chiếc khăn giấy ướt trên tay. T. sà vào lòng rồi đưa chiếc khăn giấy xoa đều lên mặt khách, "thi triển" hàng loạt động tác "khiêu chiến" khiến khách bị choáng trong 3 giây mới lấy lại bình tĩnh.

Móc sẵn 50 nghìn đồng đưa cho T. vì theo luật của quán, ai ngồi ghế mềm thì phải đưa trước 50 nghìn đồng. Thỉnh thoảng lại có người quỵt, hoặc trở quẻ đòi lại tiền sau một suất kéo dài 45 phút. "Cà phê suất" là thế nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó.

Mỗi ngày một "đào" ở đây phải tiếp 5 đến 6 khách "ghế mềm", đa số là SV và dân lao động. "Tụi em có nhiệm vụ chiều chuộng khách từ A đến Z, làm sao cho khách thích thì thôi, rồi lấy khăn giấy lau chùi "quét dọn" sạch sẽ cho khách là OK".

Phía sau là một "đôi sam" đang bám chặt nhau trên ghế. Thỉnh thoảng tiếng sột soạt, cười đùa nham nhở. Sau "công đoạn cuối cùng", tay khách đứng dậy bước ra khỏi bàn, rồi một anh bạn ham vui khác lại nhảy vào trám chỗ. Cứ thế, cứ thế "cõi riêng" cứ nhộn nhịp người ra kẻ vào và "đồng nghiệp" của T. phải làm việc cật lực.

Cả quán có 5 tiếp viên, hầu hết đều là người miền Tây, làm ở đây không ai có lương, sống được là nhờ tiền suất tiếp khách. Chủ quán một nửa, "đào" một nửa. Ngày đắt thì kiếm khoảng hơn trăm nghìn đồng, ngày ế thì vài chục nghìn đồng.

Các "đào" còn có dịch vụ đi với khách sau giờ tan ca, khi ấy các "đào" có thể tự do thoải mái vì tung tăng "ngoài vùng phủ sóng" của ông chủ. "SV hay ra đó uống cà phê lắm, có đứa thì "làm" thiệt, có đứa chỉ vì tò mò muốn vào xem thử người ta làm gì ở trỏng", một SV nội trú ở Ký túc xá ĐH Quốc gia tiết lộ.

Đoạn đường này chỉ gần 200 mét mà có đến hơn chục quán cà phê nằm san sát nhau và rất tối. "Ở môi trường học tập văn hóa mà lại có nạn cà phê đen tối như thế thì chẳng khác gì nọc độc giết dần giết mòn lối sống của tụi nhỏ. Không hiểu sao nó tồn tại lâu như thế mà chẳng thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì cả?", một người dân lớn tuổi sống gần đó bức xúc nói.

Theo Trí Quang
Thanh Niên

MỚI - NÓNG