Cá tính của 'dế'

Cá tính của 'dế'
Điện thoại di động trong thời buổi hiện nay không chỉ là phương tiện liên lạc, mà còn là vật dụng thể hiện tính thời trang cũng như cá tính của người sử dụng.
Cá tính của 'dế' ảnh 1
Hoài Thu với chiếc điện thoại "không đụng hàng" của mình.

Không ít người đang sở hữu những chiếc điện thoại thể hiện được "bản sắc riêng của mình".

Khi hãng Nokia ra mắt "Bộ sưu tập điện thoại thời trang L'Amour" thì nhiều người đã phải trầm trồ, mê mẩn trước vẻ đẹp của nó. Nhưng với một bộ phận không nhỏ những người chơi "dế", thì bộ sưu tập đó rất đỗi bình thường, không có gì "đặc sắc".

Hoài Thu, sinh viên Học viện Ngân hàng, một người thường xuyên "chăm chút thẩm mỹ" cho ĐTDĐ của mình, "hãnh diện" khoe: "Em đã mất hàng trăm nghìn chỉ để vẽ lên điện thoại của mình những hoa văn, hoạ tiết đặc biệt, sao cho "dế" của em không bị "đụng hàng" với bất cứ một chiếc điện thoại nào khác".

Thu cho biết rằng, cứ 3 tháng một lần, Thu lại đi vẽ điện thoại của mình một lần vào đúng dịp giao mùa. Mỗi mùa, Thu lại vẽ lên đó những loài hoa đặc trưng nhất.

Phong trào vẽ lên điện thoại di động bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội khoảng hơn một năm trở lại đây. Lúc đầu, nó cũng chỉ là sự thử nghiệm vô tình của một bà chủ một tiệm vẽ móng trên phố Nguyễn Hữu Huân, khi chị muốn "tân trang" lại chiếc điện thoại cũ của mình.

Tuy nhiên, khi vẽ lên, có nhiều khách hàng có vẻ thích thú, cũng muốn được vẽ giống như vậy nên cửa hàng của chị có thêm một chức năng mới - vẽ điện thoại.

Chị Nhung, chủ một cửa tiệm vẽ móng, kiêm vẽ điện thoại trên phố Hàng Gà, cho biết: "Khách hàng là những phụ nữ trung tuổi yêu cầu được vẽ rất cầu kỳ. Hoạ tiết có phần hơi "rườm rà", có đính nhiều hạt cườm, bột nhũ; còn lớp trẻ thì yêu cầu hình của mình phải độc".

Nhiều cô nàng thế hệ 8X, 9X đến yêu cầu chị vẽ những hình mà chị cũng chưa bao giờ nghĩ tới như Pikachu, gấu Pooh...

Đặc biệt hơn, có nhiều cậu thanh niên ăn mặc trông "rất ngầu" yêu cầu chị Nhung vẽ lên chiếc điện thoại của mình những hình "chẳng giống ai" như đầu rồng, tên ban nhạc hay thậm chí là vẽ cả "đầu lâu, xương chéo".

Hiện nay, nhiều cửa hàng bán điện thoại di động đã "câu khách" bằng cách tặng một phiếu vẽ "dế" khi mua một chiếc điện thoại.

Khi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập các dòng điện thoại của anh Nam, admin của một diễn đàn về điện thoại di động, mới thấy hết được niềm đam mê của người sưu tầm "dế" cổ.

Bộ sưu tập của anh được phân chia thành từng hãng, từng bộ riêng biệt và điều quan trọng là tất cả những chiếc điện thoại này đều còn sử dụng được.

Chúng ta có thể bắt gặp ở "bộ sưu tập" những chiếc điện thoại đời đầu xuất hiện ở Việt Nam như những chiếc Ericsson "cục gạch" hay Motorola Star - Tac từng một thời "làm mưa, làm gió" trên thị trường Việt Nam.

Nam tâm sự: "Mình từng phải mua những chiếc điện thoại "cổ lỗ sĩ" to bằng cục gạch với giá trên 1 triệu, mặc dù với giá đó có thể mua một chiếc "dế" màn hình màu, âm thanh nổi, vào wap ầm ầm".

Ngoài ra, nhiều người thích chơi điện thoại cổ vì một lẽ: họ có thể "độ" lại những con dế cũ, đã qua sử dụng thành những chiếc điện thoại có một không hai.

Như chiếc 8910 của anh Nam đang sử dụng đã được thay vỏ bằng inox, được khắc và chạm trổ hình Khuê Văn Các trông rất sang trọng và độc đáo. Hay như chiếc điện thoại Siemens SL45 trong bộ sưu tập của anh đã được thay bằng vỏ gỗ, ăngten được cắt đi, thay bóng màn hình mới...

Không những thế, những người đam mê điện thoại cổ còn tụ họp nhau lại, thành lập ra những câu lạc bộ chơi "dế" cổ như câu lạc bộ Motorola Star - Tac, Nokia 6310, Siemens SL45i...

Với vỏ điện thoại bằng gỗ Ebony, một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới với giá mỗi mét khối gần 17.000 USD, thân máy được làm từ hợp kim dùng để chế tạo xe đua công thức 1 và máy bay, mỗi chiếc điện thoại Mobiado của Thụy Sĩ có giá bán tại Việt Nam không dưới 1.700 USD.

Nhưng đó mới chỉ là những chiếc Mobiado "bình thường", nếu là trong bộ sưu tập Mobiado Limited Edition thì mỗi chiếc có giá hơn 3.000 USD, nhưng cũng có khá nhiều đơn đặt hàng ở Hà Nội gửi tới nhà phân phối AX Mobile (TP HCM) ngay từ khi những chiếc điện thoại này chưa về tới Việt Nam.

Nhưng giá của điện thoại Mobiado cũng chưa "thấm tháp" vào đâu so với Vertu. Một chiếc điện thoại Vertu rẻ nhất bán tại Việt Nam có giá 5.000 USD, còn đắt nhất là 23.000 USD.

T., một "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản của Hà Nội, người đang sở hữu một chiếc Vertu cho biết, ở Hà thành bây giờ, muốn trở thành đại gia thì ngoài xe hơi "xịn", cần có một con "dế" hiệu mới thể hiện được "đẳng cấp" của mình.

"Đẳng cấp" của T. nói chính là chiếc điện thoại Vertu Diamond mà anh đang dùng. Nó được mua tại Dubai sau một chuyến đi du lịch, có giá gần 50.000 USD. Chiếc điện thoại này được chế tác hoàn toàn bằng tay và được nạm trên 700 viên kim cương cùng với một số loại đá quý.

Ngoài ra, những người chơi "dế" tại Hà Nội cũng rất thích sưu tầm những chiếc điện thoại được hợp tác thiết kế bởi những hãng thời trang nổi tiếng mà trên thế giới chỉ có vài ngàn chiếc như Nokia 7270 Versace, Siemens Escada, Samsung Anna Sui...

Nhiều người còn thích sở hữu những chiếc điện thoại được mạ vàng 24K, được chế tác một cách tinh xảo.

Trên trang web ttvnol.com, một bộ vỏ "Kiệt tác lay động cảm quan" Nokia 8800 được mạ vàng 24K bán ở Hà Nội được "hét" với giá 1.800 USD, hay như chiếc V3i Gold được bán với giá 3.200 USD..., nhưng để sở hữu những chú "dế" này, nhiều người cũng đã phải trải qua một cuộc đấu giá khá căng thẳng...

Theo Phi Long
Lao Động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.