Các thủ lĩnh Đoàn hiến kế

Đại biểu dự hội nghị tham quan dây chuyền sản xuất thanh niên tại Tổng Cty 28, Tổng cục Hậu cần, sáng 3/11. Ảnh: Nguyễn Minh
Đại biểu dự hội nghị tham quan dây chuyền sản xuất thanh niên tại Tổng Cty 28, Tổng cục Hậu cần, sáng 3/11. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Chiều 3/11, tại TPHCM, hơn 130 đại biểu đến từ T.Ư Đoàn, cơ quan chính trị, cán bộ chuyên trách công tác thanh niên, thủ lĩnh Đoàn các đơn vị kinh tế trong Quân đội đã cùng trao đổi thẳng thắn về những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Đổi mới và sáng tạo

Thiếu tá Lê Quang Hòa, Trợ lý Thanh niên Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, một trong những điểm sáng của tuổi trẻ Viettel là đã cụ thể hóa các phong trào của T.Ư Đoàn và Thanh niên Quân đội vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của một đơn vị sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước và ở thị trường quốc tế. Thời gian qua, dấu ấn về sự đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của những người trẻ ở Viettel đã được minh chứng với các phong trào “Tuổi trẻ Viettel chinh phục những đỉnh cao” và “Sáng tạo trẻ”. 6 tháng đầu năm 2015, toàn Tập đoàn đã có hơn 3.100 sáng kiến, ý tưởng mang lại giá trị làm lợi tạm tính là 665 tỷ đồng. 

Ở nhà máy Z129 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), với nòng cốt là Đội khoa học kỹ thuật trẻ, nhờ sự đồng hành thiết thực của tổ chức Đoàn mà ĐVTN nhiệt tình tham gia sân chơi nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều công trình, sáng kiến nổi bật, mang đậm dấu ấn sáng tạo của tuổi trẻ và làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng mỗi năm. “Năm 2013, chúng tôi thực hiện 92 công trình thanh niên, phát huy 52 sáng kiến cải tiến thì chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 124 công trình thanh niên, trong đó có 4 công trình cấp toàn Đoàn đảm nhận cùng hơn 60 sáng kiến cải tiến”, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Nguyệt Minh, Bí thư Đoàn cơ sở nhà máy Z129 chia sẻ.

Nâng cấp mô hình mang thương hiệu Đoàn

Cần duy trì và nâng cấp các mô hình mang thương hiệu Đoàn thanh niên đã chứng minh được tính hiệu quả từ lâu nay là đề xuất của thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Xuân Trí, Trợ lý Thanh niên Tổng Cty 28 (Tổng cục Hậu cần). Đề xuất này nhận được nhiều sự ủng hộ của các đại biểu tham gia hội nghị. Đó là những mô hình “Dây chuyền thanh niên có năng suất, chất lượng cao”, “Kèm cặp thanh niên có tay nghề yếu”, “Đội Thanh niên tình nguyện giải quyết việc khó”, “Mỗi đoàn viên một ý tưởng, một sáng kiến”, “Công thức 1+1” (một người giỏi hướng dẫn, kèm cặp một người yếu tay nghề)…

“Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là sản xuất kinh doanh, do vậy việc sản xuất kinh doanh thuận lợi hay khó khăn tác động không nhỏ đến các hoạt động của Đoàn. Ngoài lực lượng công nhân, viên chức được tuyển dụng vào biên chế, số đông công nhân còn lại là lao động phổ thông, trình độ thấp, hợp đồng theo thời vụ, theo công trình… đặt ra công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho lực lượng này rất khó khăn”.

Thượng tá ĐINH QUỐC HÙNG - Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội

Để làm được điều này, theo anh Trí, tổ chức Đoàn phải là nơi châm ngòi, giữ gìn ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với công việc trong thanh niên và là chỗ dựa vững chắc, nơi phát huy nhân rộng và khuyến khích thanh niên tham gia.  Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn phải phát huy cao độ các hoạt động sáng tạo trẻ nâng cao năng suất, cải tiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia giải quyết những khó khăn của đơn vị và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Trong tham luận tại hội nghị, anh Nguyễn Trương Hải Ngọc, Phó Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn đề cập các cấp bộ Đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp quân đội cần nghiên cứu, triển khai chương trình rèn luyện đoàn viên đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện ở từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khu vực, vùng miền. Bên cạnh đó cần kết hợp đồng bộ với các giải pháp chỉ đạo xây dựng chi đoàn mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi đoàn.

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ việc một số tổ chức Đoàn chưa vận dụng linh hoạt các phương thức giáo dục của Đoàn, do vậy công tác tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN có nội dung chưa sâu, chậm đổi mới, chưa đáp ứng với thực tiễn. Một số cán bộ Đoàn chưa thực sự gắn bó với nghề nghiệp đã chọn, nhận thức chưa rõ ràng giữa hưởng thụ và cống hiến, Ban chấp hành Đoàn các cấp còn lúng túng trong triển khai các hoạt động, cá biệt có cán bộ Đoàn thiếu tư duy, đào sâu suy nghĩ, dấn thân vào hoạt động thực tế. Công tác xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu ở một số đơn vị còn hạn chế, nên chưa hấp dẫn, cuốn hút ĐVTN, một bộ phận ĐVTN lệ thuộc lối sống ảo, nghiện game, không muốn tham gia các hoạt động của Đoàn… 

Toàn quân hiện có hơn 13.600 tổ chức Đoàn, trong đó có 2.310 tổ chức Đoàn thuộc loại hình đơn vị kinh tế (với gần 5.000 cán bộ Đoàn và trên 55.400 ĐVTN), tập trung chủ yếu ở 17 đơn vị trực thuộc Quân ủy T.Ư - Bộ Quốc phòng và một số tổ chức Đoàn đơn vị kinh tế thuộc các Quân khu, Quân chủng…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.