Cách vượt khó của hai chàng trai xứ Tuyên

Cách vượt khó của hai chàng trai xứ Tuyên
TP - Hai chàng trai Tuyên Quang, một người quyết tâm xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên, một người nung nấu ý chí phát triển mạnh xưởng làm nấm từ cơ sở ban đầu là một túp lều tranh.

Mẹ mất sớm, Trần Văn Nhâm (xã Minh Dân, Hàm Yên, Tuyên Quang) đã phải vừa học vừa phụ giúp bố làm kinh tế. Vất vả nuôi con ăn học, bố Nhâm ốm nặng, rồi ra đi vì bệnh ung thư phổi. Khi đó, Nhâm mới 16 tuổi!

Sau nỗi đau lớn là trách nhiệm nuôi em ăn học và cáng đáng chuyện gia đình. Nhâm quyết định bỏ học khi mới học hết THCS. Một quyết định khó khăn nhưng không thể khác được! Nhâm lao vào làm việc, kiếm tiền nuôi em trai ăn học.

Ở cái tuổi vô lo, Nhâm đã phải lao vào làm nông nghiệp cực nhọc, vất vả như một người bố, người anh đã trưởng thành để lo kinh tế gia đình. Bốn sào ruộng, chăn nuôi, Nhâm làm cật lực cũng chỉ đủ tiền ăn và tiền học cho em.

Từ khó khăn ấy, Nhâm nghĩ cách làm ăn khác với kiểu làm nông nghiệp truyền thống để có thu nhập cao. Thời điểm này, một số hộ gia đình gần nhà Nhâm trồng cam sành cho thu nhập cao. Như một sự gợi ý kịp thời, Nhâm mang sách vở đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ hộ làm ăn khấm khá nhờ cam sành.

Được sự động viên của Đoàn thanh niên, Nhâm đã mạnh dạn vay 1 triệu đồng làm vốn để mua 150 cây giống về trồng tại 0,3 ha vườn nhà. Hai năm đầu chăm sóc cây đơn giản, không cần kỹ thuật nhiều, chỉ cần tưới nước, làm cỏ và bón phân đạm là cây tươi tốt.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản thế. Trong số 150 cây thì có 30 cây chết, những cây còn lại thì còi cọc. Nhâm lại khăn gói đi học tiếp kinh nghiệm trồng cam từ các mô hình VAC.

Rất may, năm 1999, Nhâm được tham gia một lớp học về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam sành do Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên về dạy. Nhâm đã đúc rút được một số kinh nghiệm quý.

Nhâm quyết định mua thêm đất để mở rộng mô hình. Nhâm vay 3 triệu đồng của người thân, mua 0,5 ha đất, trồng thêm 200 cây cam. Đến năm 2000, trong tay Nhâm đã có 320 cây, lượng quả tăng lên do cây phát triển hơn nhờ có kỹ thuật.

Năm đó, chỉ 120 cây trồng trước đó cho thu hoạch 1,2 tấn quả. Bán với giá 5.000 đồng/kg, trừ khoản chi phí 1,5 triệu đồng, Nhâm thu về được 4,5 triệu đồng lãi.

Khấp khởi mừng, Nhâm càng quyết tâm cao và mạnh dạn đầu tư hơn. Nhâm vay 10 triệu đồng của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện để mua 1 ha đất, mở rộng trồng thêm 400 cây cam.

Hiện tại, Nhâm đã có 750 cây cam, và thu nhập tăng dần qua từng năm. Năm 2001 lãi được 10 triệu đồng, số tiền lãi cứ đó tăng dần lên thêm 10 triệu đồng qua các năm (năm 2002 lãi 20 triệu đồng; năm 2003 lãi 30 triệu đồng…). Năm 2006, Nhâm thu được 70 triệu đồng tiền lãi từ kinh doanh cam sành.

Nhâm đã trả hết nợ, mua thêm được 2 ha rừng trồng cây keo và đầu tư thêm 4 ha đất trồng cây các loại. 

Cách vượt khó của hai chàng trai xứ Tuyên ảnh 1
Sẽ có thương hiệu nổi tiếng: Cam Hàm Yên?

Mấy năm gần đây, Nhâm phải đối mặt với những khó khăn trong trồng cây như cây già, sâu bệnh và đặc bịêt là giá thành cam rẻ, chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Đã nhiều lần, Nhâm thuê xe chở về chợ Long Biên - Hà Nội bán, mong được giá cao hơn, nhưng giá cả thất thường, nhiều rủi ro và có những chuyến đi thu chỉ đủ bù chi. Tuy nhiên, Nhâm luôn lạc quan về cách làm kinh tế của mình!

“Sau 8 năm làm kinh tế, mình thấy nhọc nhằn, vất vả nhưng bù lại thu nhập khá nên cố gắng phấn đấu. Hơn nữa, đất đai quê mình không thuê mướn nên làm ăn rất yên tâm. Mình rất muốn cùng bà con xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên” - Nhâm tâm sự!

Từ túp lều tranh

“Đang học lớp 12, thấy sách dạy trồng nấm hay mà dễ làm, mình tiến hành làm thử. Mình rủ thêm 2 anh em nữa cùng làm một xưởng nhỏ bằng gỗ, tre nứa và trồng nấm” - Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, Hà Văn Tích (thôn Cây La, Hòa Phú, Chiêm Hóa) chia sẻ.

Loại nấm mà Tích làm chủ yếu là nấm sò và nấm rơm. Năm học lớp 12, tức năm 2001, Tích đã làm nấm với 5 tạ rơm. Trên cơ sở vật chất nghèo nàn, nhà chỉ có vài túp lều và mấy đống rơm.

“Nhìn cảnh đấy ai cũng thấy lo cho Tích, hai bàn tay trắng với vốn kiến thức ít ỏi đọc qua sách vở. Khi đó, Tích chỉ có điểm mạnh là quyết tâm cao và giàu nghị lực” - Anh Trần Văn Mạnh - phụ trách mảng vốn của Tỉnh Đoàn Tuyên Quang tâm sự.

Thường Tích bán tươi vì chưa có lò sấy, hấp, nên giá thành sản phẩm không cao. Bán tươi chỉ 10.000 đồng/kg trong khi bán khô gấp từ 6-8 lần.

Tích đã hoàn thành dự án “Phát triển nghề trồng nấm ăn” để xin đầu tư từ Hội khuyến công 35 triệu đồng trang bị lò hấp, sấy đề hoàn thiện xưởng.

“Nếu có lò hấp, mình có thể sử dụng được mùn của bã mía, có máy nghiền thì sử dụng được cả thân cây ngô, thân cây sắn khi đó mình sẽ không bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu là rơm nữa…” – Tích khẳng định.

Từ đầu năm 2007, Tỉnh Đoàn triển khai vốn 120, cho thanh niên vay vốn để làm kinh tế, Tích đã vay được 20 triệu và xây dựng được nhà xưởng, nguyên liệu một cách cơ bản.

Năm nay, Tích cố gắng hoàn thiện nhà xưởng, giảm sức lao động, tăng năng suất và mở rộng các loại nấm trồng: nấm mỡ, nấm kim châm, nấm đùi gà, mọc nhĩ.

“Mình sẽ đi từng bước một chắc chắn, có nơi muốn ký hợp đồng đảm bảo đầu vào và đầu ra nhưng mình chưa làm ngay, trong tương lai gần, mình sẽ làm tốt điều này” - Tích hào hứng chia sẻ.

MỚI - NÓNG