Các đại diện thanh niên ứng cử vào Quốc hội

Các đại diện thanh niên ứng cử vào Quốc hội
TP - Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 20/3 trên cả nước đã có 18 cán bộ Đoàn - Hội từ Trung ương đến cơ sở tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
Các đại diện thanh niên ứng cử vào Quốc hội ảnh 1
Bác sĩ trẻ tình nguyện Đại Học Y Hà Nội khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên)  Ảnh: Tuấn Minh

Ba mươi tuổi, là Phó Bí thư chi đoàn Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, Thạc sĩ Phùng Thị Thu Hà vừa tích cực tham gia hoạt động thanh niên vừa là nghiên cứu viên trẻ tham gia nhiều đề tài nghiên cứu về vật liệu xây dựng đã được ứng dụng vào thực tế.

Hà cho biết, lý do quyết định ứng cử đại biểu Quốc hội là mong được đóng góp nhiều hơn cho giới trẻ, được mang đến Quốc hội nhiều tâm tư nguyện vọng của thanh niên, của trí thức trẻ.

“Tôi có mong muốn là giúp thanh niên được nghiên cứu, sáng tạo và tiếp cận sâu hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào nhiều quyết sách từ Quốc hội về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và cả khả năng lắng nghe cử tri của đại biểu Quốc hội”- Hà nói.

Anh Tất Thành Cang - Uỷ viên thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Thành đoàn TPHCM chia sẻ vinh dự được đại diện cho tuổi trẻ và Đoàn Thanh niên TPHCM ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII.

Anh Tất Thành Cang cho biết: Hoạt động của Quốc hội ngày càng có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc tới mọi mặt của đời sống giới trẻ và công tác thanh niên. TPHCM đang trên đà phát triển nhanh về kinh tế xã hội và gắn liền với điều đó là tình hình thanh niên có nhiều đặc thù mới.

Lao động trẻ trong các khu công nghiệp và chế xuất, trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tăng lên đến cả triệu người; số thanh niên Việt kiều trở về thành phố làm ăn, lập nghiệp ngày càng đông đang đòi hỏi Đoàn Thanh niên và chính quyền TPHCM phải có sự quan tâm hơn đến đối tượng này.

Tuy nhiên, hiện nhiều chính sách của Nhà nước về các đối tượng nêu trên còn một số bất hợp lý. Điển hình như mức lương giữa lao động làm việc trong cơ quan hành chính với người làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nơi còn chênh lệch tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Làm sao để cán bộ trẻ giỏi trong cơ quan Nhà nước có mức sống tốt hơn, tiền lương đủ để họ đảm bảo nhu cầu học tập, nghiên cứu và lo toan cho cuộc sống. Đây là ví dụ cho thấy chính sách của Nhà nước về phát triển thanh niên còn nhiều nội dung cần sớm được điều chỉnh, sửa đổi.

Anh Cang nói: Nếu trúng cử vào Quốc hội  thì từ việc đi nhiều tiếp xúc nhiều, những thông tin phong phú từ cơ sở, từ đời sống thanh niên mà anh tiếp nhận hàng ngày sẽ được chuyển tới diễn đàn Quốc hội.

Một việc làm hữu ích khác đang được Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Đoàn luật sư thành phố ngay trong Tháng Thanh niên 2007 là chương trình đưa hàng trăm luật sư trẻ về hoạt động tại 320 phường xã của thành phố.

Các luật sư trẻ sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhằm góp phần đưa luật pháp vào cuộc sống và giảm tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Cũng theo anh Tất Thành Cang, những hoạt động hỗ trợ pháp lý cụ thể này sẽ là kênh thông tin bổ ích giúp anh hoàn thành trách nhiệm người đại biểu của giới trẻ trước Quốc hội.

Chị Nguyễn Thị Tuyến - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tây và anh Trần Hữu Thế - Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên cũng là hai ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XII.

Hai ứng cử viên ở hai địa phương cách xa nhau về địa lý nhưng đều có chung mong muốn làm sao Quốc hội quan tâm hơn đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động của mình từ xây dựng pháp luật, thực hiện chức năng giám sát đến quyết định các chương trình - dự án phát triển kinh tế lớn.

“Tôi nghĩ, Quốc hội cần tăng cường giám sát các chương trình phát triển thanh niên của các bộ, ngành, các địa phương thực hiện đã tốt và hiệu quả chưa? Nếu thực hiện tốt chức năng giám sát thì vai trò vị trí của Quốc hội sẽ được nâng lên đáng kể” - Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Nguyễn Thị Thu Hường - ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII nêu vấn đề.

MỚI - NÓNG