Cai nghiện ma túy bằng thơ

Cai nghiện ma túy bằng thơ
TP - Ngô Xuân Thành nổi tiếng vì yêu thơ và vì cuộc đời chìm nổi. Người đàn ông bốn mươi ba tuổi này vừa trải qua những cơn đau đớn cực hình của việc tự cai nghiện ma túy, với một loại “thuốc” duy nhất là… thơ.

Làm thơ để níu giữ hạnh phúc

Tôi tìm đến nhà anh đúng vào một buổi tối mất điện. Dưới ánh nến nhập nhoà, trong căn nhà cấp bốn chật chội chừng mười lăm mét vuông, tôi trò chuyện với anh, người làm thơ kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp. Anh rủ rỉ kể lại cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình.

Ngô Xuân Thành sinh năm 1966, mồ côi bố từ khi mới bốn tuổi, mẹ là giáo viên cấp một. Ngày nhỏ, Thành học khá Văn, lớp bốn được đi thi học sinh giỏi thành phố.

Nhà nghèo nên từ nhỏ Thành đã chăm chỉ, vừa đi học vừa đi bán nước, bán sắn luộc ở ga Thái Nguyên. Lớn lên, Thành đi làm thuê, đào ao, đóng gạch, bán vé số… đỡ đần mẹ. Rồi đi bộ đội, chuyển ngành về làm công nhân quốc phòng.

Hai mươi ba tuổi, Thành lập gia đình, nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên sớm tan vỡ vì những mâu thuẫn khó hàn gắn giữa hai bên gia đình nội ngoại.

Thành rời cơ quan nhà nước ra ngoài làm nghề xây dựng. Lúc đầu làm phụ nề, nhưng chỉ sau ba tháng đã dám đứng ra nhận công trình riêng, dần dần ăn nên làm ra, trở thành một “cai” xây dựng.

Không hiểu sao, trong những cuộc vui với bạn bè, hễ uống rượu say thì xuất khẩu thành… văn vần. Bạn bè bảo nhau: “Lúc nào thằng Thành đọc thơ là nó say rồi đấy!”.

Rồi Thành lập gia đình lần thứ hai với một cô nấu bếp ở Khu du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc. Vợ Thành đẹp và khá hoạt bát. Thành đưa vợ về thành phố, chồng làm xây dựng, vợ chạy chợ, đời sống cũng khấm khá. Vợ chồng tâm đầu ý hợp nên rất hạnh phúc, năm 1993 sinh một bé trai kháu khỉnh. 

Nhưng rồi, công việc làm ăn của Thành thua lỗ. Gia đình bên vợ ở Thanh Trì, Hà Nội khá giàu, có cảng sông và tàu thủy nên bảo vợ chồng Thành về Hà Nội làm ăn.

Vợ làm việc ghi chép xuất nhập hàng ở cảng, chồng khi thì đi xúc cát, khi thì phụ tàu chở hàng dọc sông Hồng. Mỗi chuyến đi ròng rã hàng tuần, về nhà chỉ nghỉ ngơi vài tiếng, rồi lại đi, không có thời gian chăm chút vợ con.

Cuộc sống lam lũ nhọc nhằn cuốn Thành đi. Đến một ngày, sau cả chuỗi ngày dài lênh đênh trên sóng nước trở về, cảm nhận những thay đổi lạ lùng của vợ mình và nghe bóng gió từ anh em thủy thủ, Thành chợt nhận ra sự mong manh của hạnh phúc gia đình, nhận ra mình yêu vợ rất nhiều và sợ mất cô biết chừng nào, anh bỗng dưng cầm bút làm thơ.

Bài thơ đầu tiên, Thành làm là “Ở nhà nội trợ”, với những câu thơ rất “thật thà”: Hôm nay em vào ca/ Anh ở nhà nội trợ/Nào tương, cà, mắm, mỡ/ Anh biết chỗ nào đâu/ Xào rau lỡ đun lâu/Nhừ như là nấu cháo/Anh ngồi buồn đọc báo/Quên ngay mất nồi cơm..…Em về, anh luống cuống/ Mình ơi, có mệt không?/ Để xe đó anh trông/ Em vào nhà quạt mát.

Những bài thơ đầu tiên là sự nâng niu những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình bé nhỏ, đầy ắp yêu thương, mong níu giữ tình yêu của người vợ trẻ: “Ôi thèm quá tiếng xe thồ lạch tạch/ Quần áo thô, tươi tả bóng em về”,

Em đi làm ca đêm/ Mang nhà ta đi một nửa/ Mì tôm ấm lòng - xào xạc quá/ Trà thấm qua vỏ chén…thương em”. Viết được bài nào, Thành hào hứng đọc cho vợ nghe bài ấy. Nhưng chỉ nhận được sự im lặng, ậm ừ cho qua của vợ.

Si tình và si thơ

Thơ không níu được người. Một lần, Thành đi theo dấu vết của vợ đến… khách sạn. Biết chắc vợ mình cùng người yêu cũ của cô ta ở trong đó,  nhưng thay vì vạch mặt chỉ tên đôi gian dâm, Thành cay đắng quay về, theo tàu ngược sông ngay trong đêm.

Sau một tháng lênh đênh như kẻ mất hồn, uất ức vì bị phản bội, nhưng lại không muốn trả thù kẻ đã phụ tình, Thành lặng lẽ dắt con về Thái Nguyên. Vợ Thành bỏ sang nước Nga cùng tình nhân.

Thật lạ là Thành không hề khinh ghét vợ mà vẫn yêu thương và khắc khoải mong chờ ngày đoàn tụ. Thỉnh thoảng, anh gọi điện sang Nga để trò chuyện với vợ, rồi hỏi chừng nào cô về, nhưng câu trả lời anh thường nhận là “Không biết được”.

Một thân gà trống nuôi con, loay hoay với sự mưu sinh. Nhưng mưu sinh với một người có nghề xây dựng không vất vả bằng nỗi đau đớn khi sống giữa bộn bề kỷ niệm vợ chồng và tình yêu mãnh liệt của một người đàn ông yêu vợ thật lòng.

Và những nhớ mong, thương yêu cứ đầy ắp tháng ngày, Thành gửi hết vào thơ: “Em ở nơi nao có biết không/ Nhà xưa lối cũ vẫn đón trông/ Chiều tà hăm hở nơi ngõ đợi/ Chỉ thấy ngàn sương gió mênh mông”, “Em đi rồi, tôi đứng giữa sông sâu/ Lênh đênh nước nhớ tình ta – bến đợi/ Có hiểu không, người ta yêu hỡi/ Một nửa đời tôi đau đáu nhớ thương em”.

Thành còn viết hẳn một bài trường ca tên “Tình nỡ phôi phai” gồm 840 câu thơ lục bát, với lời chua “Tôi viết trong nỗi yêu thương và cả sự hận thù… Viết trong những ngày xa và nhớ em bằng tất cả sự chân thành của một người chồng khốn khổ khi sắp phải xa mãi người vợ yêu”.

Ba năm nuôi con và chờ đợi, đến năm 2005, một lần Thành gọi điện sang Nga cho vợ, vô tình gặp chính tình địch của mình. Chính người đàn ông ấy cho biết, họ đã có con với nhau. Ước ao hàn gắn rồi đoàn tụ để con có mẹ, vợ chồng có nhau sụp đổ tan tành.

Thành gục ngã hoàn toàn. Anh bỏ bê công việc, lao vào rượu chè không thiết sống, rồi bập vào ma túy lúc nào không biết nữa. Sự sa ngã của bố đã làm đứa con trai bé bỏng sa sút học hành, rồi bỏ về Ninh Bình với ông bà ngoại. Người thân coi anh như kẻ bỏ đi.

Còn lại một mình, từ một cai xây dựng, Thành trở thành một kẻ bệ rạc, vất vưởng làm thuê, có lúc túng tiền mua thuốc phải buôn cả heroin để “lấy nó nuôi nó”.

Niềm vui duy nhất, sự chia sẻ duy nhất của Thành là cây bút và trang giấy. Tất cả những nỗi niềm cay đắng, tủi nhục của đời mình, tình yêu vô vọng gửi người vợ bội bạc mà không hiểu sao Thành vẫn còn nguyên vẹn sự yêu thương, cùng những kỷ niệm về thời hạnh phúc đã qua…

Thành gửi vào thơ. Thơ là niềm vui và sự chờ đợi mỗi đêm về khi anh bế tắc đến cùng quẫn nhất, là sự cứu rỗi lúc anh cô độc, bị người đời và cả người thân khinh rẻ nhất, là sự đánh thức lương tri và nâng đỡ anh mỗi lần lún sâu vào nghiện ngập.

Triền miên trong sự cô đơn và nhục nhằn tủi hổ, mạch thơ đau buồn của Thành qua mỗi đêm lại đầy ắp lên. Thành làm thơ cho mình, cho vợ, cho con, chỉ viết ra rồi cất đi.

Tựa vào câu thơ đứng dậy

Thế nhưng, chuyện một người nghiện ma túy làm hàng nghìn bài thơ vẫn được nhiều người biết. Các bác ở Câu lạc bộ thơ phường Quang Trung thành phố Thái Nguyên, nơi Thành cư trú gặp anh chia sẻ và động viên.

Thành nhận ra cuộc sống có ý nghĩa hơn, anh cởi mở dần với mọi người. Mạch thơ của Thành cũng khỏe khoắn hơn, đề tài mở rộng hơn. Thơ của Thành bây giờ không chỉ có sự thở than mà còn có những cảm xúc trong trẻo về thiên nhiên, cuộc sống cộng đồng, những ngẫm ngợi về thế sự, tình người…

Cho dù phần lớn những gì Thành viết chỉ là những bài văn vần, nhưng năng lực viết của Thành rất mạnh. Buổi sáng, ngủ dậy là cầm bút viết ra mấy ý tưởng. Rồi đi làm. Cả ngày làm thợ xây quần quật với vôi vữa không mảy may nghĩ gì đến thơ. Tối về, ăn cơm xong, pha ấm nước chè rồi ngồi mở sổ, cầm bút và viết.

Có thể nói, lao động viết của Thành rất… chuyên nghiệp. Thành bảo, có tâm trạng mới làm được thơ, mà ngày nào Thành cũng có tâm trạng, cũng có điều để ngẫm nghĩ, vì thế ngày nào Thành cũng viết, ít nhất là một bài. Có ngày dăm bảy bài.

Kỷ lục cao nhất là từ ngày 15/1 đến 22/1/2007, Thành viết tổng cộng 150 bài thơ, mà không bài nào giống bài nào. Thành bảo cứ phải nghĩ rồi cầm bút viết thì mới ngủ được, nếu không viết thì phát ốm lên. Đã cầm bút thì cứ miên man nghĩ thành thơ rồi viết ra, có khi viết tới sáng luôn.

Hăng hái xếp những cuốn thơ của Thành ra ghế để tôi chụp ảnh là một cô gái trẻ tên Phương. Phương là nông dân làm chè, từng đi phụ nề mà quen rồi thương yêu và gắn bó với bố con Thành. Thành biết ơn và trân trọng tình cảm của Phương, nhưng có vẻ một hạnh phúc mới chưa thể bắt đầu.

Con chim phải tên sợ làn cây cong, Thành chưa dám đón nhận một cuộc sống mới, anh sợ mình không thể đem lại hạnh phúc cho cô gái tốt bụng này. Nhiều lần, Thành đề nghị Phương đừng đến với anh nữa, nhưng Phương nặng lòng nên khó dứt tình.

Thành tự bạch:

- Tôi là người có thể làm được những việc mà nhiều người làm được. Vợ bỏ đi chừng ấy năm nhưng nếu cô ấy quay về tôi vẫn sẵn sàng tha thứ, cũng như ngày xưa biết cô ấy ngoại tình nhưng tôi vẫn yêu và sợ mất cô ấy lắm. Ngày xưa, chỉ phụ nề ba tháng mà tôi dám đứng ra nhận công trình, làm thợ cả hẳn hoi, là vì tôi học nghề rất nhanh. 

- Còn chuyện cai nghiện bằng thơ của anh, có lẽ cũng… lạ lùng?

- Vâng. Tôi cai nghiện mà không dùng bất cứ viên thuốc nào. Lúc vật thuốc thì thôi, dứt cơn vật thì tôi viết. Có khi viết chẳng ra chữ, chữ nọ xiên chữ kia, lúc hết cơn nhìn lại chữ nghĩa thấy cũng buồn cười. Nhưng tôi vẫn viết vì làm thơ lúc ấy giúp tôi dịu cơn đau đớn. 

Phương góp lời: 

- Vừa hết cơn vật thuốc xong, anh ấy đã bảo: Đưa bút, đưa giấy cho anh. Khổ, có viết được đâu, tay cứng đơ đơ ra, thế mà vẫn cố! Nhiều bài anh ấy viết xong đọc cho em nghe, em thấy cũng hay chị ạ.

Tôi đùa:

- Vậy là anh nghiện thơ còn gì?

Thành gật ngay và cười:

- Đúng vậy, nghiện nặng ấy chị ạ. Tôi không bao giờ bỏ thơ đâu. Khi làm thơ, tôi thấy mình tử tế và lương thiện.

- Anh cai nghiện ma túy nhiều lần chưa? -Tôi hỏi thẳng. Thành thú nhận:

- Cũng mấy lần rồi. Cai được lâu nhất là chín tháng, rồi buồn chán quá lại “dính”, vài tháng sau lại quyết tâm cai. Chị bảo tình cảnh tôi thế này…Tôi là thằng nghiện nhưng vẫn rất đàng hoàng, chưa bao giờ lấy cái gì của ai.

Có lần, tôi đang vật vã vì cai thuốc, nghe xóm bên có tiếng kèn đám ma, tôi nghĩ về đời mình mà đau buồn quá, vớ lấy giấy bút viết luôn bài “Tiếng kèn đám hiếu”. Viết cho người mà cũng là cho mình. Bài thơ còn dở dang, vì tôi không biết nên kết thúc thế nào…

Rồi Thành mím môi:

- Lần này cháu Nam về ở hẳn với bố, nên tôi quyết tâm cai lần cuối, làm lại tất cả để cháu yên tâm sống với bố. Tôi không muốn mất cháu lần nữa. Bây giờ thì ổn rồi chị ạ.

Tôi lật giở những trang viết của Thành. Từng bài thơ ngay ngắn, tên bài được viết trân trọng bằng mực màu. Thỉnh thoảng có mấy trang chữ viết xiên xẹo, Thành bảo đấy là những trang anh viết trong lúc cai thuốc. Mục lục nằm ở đầu tập, rất dễ tra cứu.

Trong mục lục có nhiều bài Thành gạch chân, hoặc đánh dấu hoa thị, Thành bảo đó là những bài mình tâm đắc, đánh dấu để đọc và sửa chữa lại. Tôi đọc một bài thơ được gạch chân, có cái tên rất lạ: “Thực đơn và khách của nhà thơ”. Bài thơ đó như sau:

Đêm

Lũ chuột nhà - đói
Lũ chuột đồng tới
Thăm
Chuột nhà mặt lạnh băng
Không nói
Chỉ tay vào nhà thơ
Đó…
Tiếng đêm trong bụng nhà thơ
Man mác
Thơ treo trên vách
Mọi nơi
Thơ
Bâng khuâng
Thơ yêu thương, xa vắng, buồn vui…
Khách của chuột nhà đến chơi
Giật thót…!
Nghe tiếng đêm nơi bụng nhà thơ
Mườn mượt
“Thơ…nhà thơ ăn được
Tại sao chúng ta lại không?”
Một vần thơ rơi xuống
Thơm nồng nàn
Thơm ngây ngất…!
Chuột chủ nhà mời khách
Nếm thử cơm của nhà thơ
Chí..chóe…
“Thì ra là thế!
Chỉ có nhà thơ sống được bằng thơ”
Chủ và khách tần ngần
Xoe tròn những cặp mắt
Trân trọng xếp lại những tình thơ.

Tôi lặng người và nghĩ: Liệu tất cả các nhà thơ chuyên nghiệp có trân trọng thơ như người đàn ông này không nhỉ?

Hai tiếng đồng hồ trôi qua dưới ánh nến trong nóng nực. Ngồi nói chuyện với tôi, áo Thành ướt đẫm như thể bị ai đó giội nước lên. Nhưng Thành vẫn say sưa, anh bảo nói chuyện về thơ thì anh say lắm, cả ngày không muốn dứt.

Tôi tạm biệt Thành và mượn mấy tập thơ của anh về đọc. Bố con Thành và Phương tiễn tôi ra về, đúng lúc nhà có điện. Căn nhà nhỏ sáng bừng sau lưng tôi.

Lát nữa, trong căn nhà ấy, nơi thơ được tôn thờ với tất cả giá trị của nó, nơi thơ có thể cứu vớt được một con người lầm lạc,  Ngô Xuân Thành sẽ lại ngồi vào bàn viết bài thơ thứ 4.736.

Cai nghiện ma túy bằng thơ ảnh 1
Cai nghiện ma túy bằng thơ ảnh 2

4.735 bài và 20 cuốn sổ thơ

Sau tám năm, sự nghiệp thơ của Thành là 20 cuốn sổ, được Thành nâng niu đánh số thứ tự từ 1 đến 20. Mỗi cuốn sổ là một tập thơ, có tên tập hẳn hoi, như “Giọt lệ màu hồng”, “Đường vào tình yêu”, “Tìm mãi yêu thương”…

Trong mỗi cuốn sổ thơ ấy, Thành cẩn thận đánh số trang, số thứ tự bài, xếp mục lục đàng hoàng. Bài gần nhất viết hôm qua có thứ tự 4.735.

Những cuốn sổ thơ được gìn giữ trong một cái tủ nhỏ, cũng theo thứ tự từ 1 đến 20.

Những cây bút bi, bút dạ dùng để viết thơ cũng được Thành giữ làm kỷ niệm chứ không vứt đi, xếp vào 2 cái lọ trong tủ trông khá vui mắt.

MỚI - NÓNG