"Cắm" bằng tốt nghiệp

"Cắm" bằng tốt nghiệp
Việc đem bằng tốt nghiệp đại học đi cầm (cắm) mới nghe tưởng chuyện cười đùa, nhưng đây đang là một thực trạng buồn của những cô, cậu cử khi ra trường chưa kiếm được việc làm.
"Cắm" bằng tốt nghiệp ảnh 1
Túng tiền tiêu, nhiều cô, cậu cử mang cả bằng đi "cắm". Ảnh minh họa: Vietnamnet

Trên các con phố ở TP HCM như Tô Hiến Thành (quận 10), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)..., các hiệu cầm đồ nhiều nhan nhản. Hiệu nào cũng chứa chật ních đồ cắm.

Cầm tấm bằng trong tay, hồi hộp vào một cửa hiệu cầm đồ, rụt rè nói: "Anh cho em cầm tấm bằng này".

Sau khi xem, gã phát giá tỉnh bơ: "Triệu rưỡi nghe!". Khi hỏi: "Rẻ mạt vậy anh?". Gã gắt lên: "Thế còn đòi bao nhiêu cha? Đây này (gã lôi trong tủ và xòe ra một đống bằng đại học trước mặt tôi) toàn bằng khá và giỏi hệ chính quy chỉ có 2 triệu. Bằng của cha dân lập lại hạng trung bình còn đòi...".

Nghe mấy đứa bạn nói có thể đến mấy cửa hiệu cầm đồ mua đủ loại bằng đại học, bằng tốt nghiệp trung học đều có hết. Tạt qua vài cửa hiệu cầm đồ cố nâng thêm "giá" cho tấm bằng của mình, nhưng hầu như đều được phát giá đồng loạt như vậy.

Ở đây, thị trường về mua bán bằng cấp 3 cũng sôi động không kém, một chủ cửa hiệu cho biết: "Bằng tốt nghiệp THPT giá 9 lít, (900.000 đồng) một cái". Khi ngỏ ý muốn xem "hàng", hơn chục tấm bằng tốt nghiệp THPT không dán ảnh được bày đều tăm tắp trước mặt tôi.

Đối với các học viên trường quân sự thẻ học viên là... vàng. Thẻ học viên của các trường quân sự có thể đem cắm với giá hàng chục triệu đồng, có khi lên tới 60 - 70 triệu đồng.

Lý giải về sự có giá của những tấm thẻ này, anh L., một chủ cửa hiệu cầm đồ trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP HCM) cho biết: "Thẻ học viên có ý nghĩa sống còn đối với sinh viên trường quân sự. Nếu để mất sẽ bị đuổi học, thậm chí còn bị truy tố nếu phát hiện đem cắm".

Cử nhân ra trường cắm bằng tốt nghiệp vì những lý do rất "đời thường": thiếu tiền ăn, tiền trọ, tiền đi xin việc... B, cựu sinh viên Đại học Luật TP HCM phân trần: "Cầm bằng khá đi gõ cửa các cơ quan chả nơi nào nhận, ra trường gần một năm mà vẫn thất nghiệp. Đường cùng mới phải đem cắm thôi".

Cũng lâm vào cảnh "đường cùng" nhưng H, cựu sinh viên Đại học Thủy Lợi TP HCM cắm bằng để lấy tiền chơi lô đề. Sau khi đã bán tất cả những gì bán được, H mang nốt bằng tốt nghiệp đi cắm với giá 2 triệu đồng.

Hỏi cần xin việc thì lấy bằng đâu mà nộp, H. cười: "Trước khi đem cắm phải phôtô, công chứng ra mấy chục bản chứ. Trong hồ sơ người ta có yêu cầu nộp bằng gốc đâu. Đợi đến khi có việc, xoay được tiền rồi chuộc".

Nói thì đơn giản nhưng cũng rất nhiều người mất cái chứng nhận 4 năm ăn học mà cả nhà vất vả, bản thân cực nhọc mới có được.

Anh L. cho biết thêm: "Đa phần trường hợp đem bằng đi cắm là dân các tỉnh, nhưng dân nhà giàu thành phố cũng có. Đi cắm thì đến 1/3 là không thấy quay lại lấy. Chủ nhân của tấm bằng này chắc là bỏ, cắm 3 triệu, hẹn 1 tháng quay lại nhưng quá hẹn rồi chưa thấy đâu".

Và chắc hẳn không lâu, những tấm bằng ấy sẽ có chủ nhân mới, bằng thật trở thành bằng giả. Không tốn nhiều tiền "chạy" vẫn có con dấu son thật, bằng thật, chỉ có người sở hữu là giả.

Theo Gia đình Xã hội

MỚI - NÓNG