“Cấm vận” gái làng - Những nỗi đau tuổi thanh xuân

“Cấm vận” gái làng - Những nỗi đau tuổi thanh xuân
Một nam thanh niên sang nhà bạn gái chơi bị nhóm trai làng nơi cô gái ở phục kích đánh chết... Chính quyền địa phương nơi xảy ra án mạng không thừa nhận do cấm vận gái làng

Nhưng khi xét xử vụ án, TAND tỉnh Thái Bình lại nhận định: Đây là vụ án xuất phát từ nguyên nhân cấm vận gái làng (CVGL). Tệ nạn này đã và đang gây nên hậu quả đáng tiếc song lại chưa được quan tâm giải quyết triệt để.

Chỉ vì quyết “giữ gái làng ta” mà có những cuộc xô xát, ẩu đả diễn ra ở những miền quê yên ả. Điều đau lòng là cả người thiệt mạng, mang thương tật suốt đời hay những kẻ bước chân vào nhà tù đều đang ở độ tuổi thanh xuân, quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời.

Những trận đòn… “giữ gái”

Ngay tại TP Hà Nội, trung tâm văn hoá của cả nước, cũng đã xảy ra cái chết của một thanh niên, nạn nhân của tệ nạn CVGL. Gần nửa đêm, tại đường vào thôn Kim Tiên (Đông Anh, Hà Nội) một người làng đi làm về muộn vấp phải xác người nằm ngang đường.

Dùng bật lửa soi, người này phát hiện có 2 thanh niên nằm trên đường làng, người đẫm máu. Cả hai được đưa vào bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu. Một nạn nhân đã chết, một được cứu sống. Nạn nhân may mắn thoát chết tên là Nguyễn Văn Sơn trú tại xã Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội).

Đêm 17/9/2002, anh Sơn cùng Nguyễn Văn Yên đến chơi nhà bạn gái tại thôn Kim Tiên. Khi ra khỏi nhà bạn gái, anh Sơn và Yên bị một nhóm 4-5 thanh niên phục kích dùng gậy gộc đánh bất tỉnh. Sau đó nhóm thanh niên này đập phá xe máy của họ rồi mới chịu bỏ đi. Kết quả của trận đòn giữ gái làng này là cái chết của anh Nguyễn Văn Yên.

Vào tháng 7/2004, tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) xảy ra vụ ẩu đả giữa thanh niên 2 làng dẫn đến cái chết của anh Ngô Ánh Dương, mặc dù bản thân nạn nhân chính là người khởi xướng vụ xô xát này. Mâu thuẫn kéo dài nhiều năm giữa trai làng Thông (xã Nhân Mỹ - Lý Nhân) và trai làng Mai Hoành (xã Nhân Hưng - Lý Nhân) bắt nguồn từ việc trai làng này tìm hiểu quan hệ yêu đương với gái làng kia và ngược lại.

Tối 13/7/2004, trai làng Mai Hoành phát hiện trai làng Thông đang uống bia tại một quán bia tại xã mình. Lập tức trai làng Mai Hoành dùng gậy gộc vây đánh trai làng Thông.

Bị tấn công bất ngờ, trai làng Thông bỏ chạy, tuy nhiên 2 thanh niên làng Mai Hoành là Đào Văn Chanh và Ngô Ánh Dương tiếp tục dùng gậy gộc truy đuổi. Bất ngờ một trong những trai làng Thông là Đào Huy Đăng rút dao nhọn trong người đâm vào ngực làm Dương chết tại chỗ.

“Dằn mặt” em rể tương lai

Đêm đầu năm, ở xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ), trên con đường làng của một xóm nhỏ nép mình bên thị xã miền sơn cước, 4 bóng người gò mình trên 3 chiếc xe đạp, họ vừa gắng sức đạp vừa nhớn nhác nhìn trước ngó sau.

Thoát khỏi luỹ tre đầu làng, 4 người dừng lại chụm đầu bàn tán, một trong số họ quay xe trở vào làng. Ba người còn lại líu ríu đạp xe như trốn chạy. Con đường quanh co dẫn đến một chiếc cầu, hai bên thành cầu tre và cọ mọc rậm rạp.

Bất ngờ 3 bóng đen từ 2 bên thành cầu lao tới. Những cây gậy vung lên rồi quật xuống vun vút, 2 chiếc xe đạp đổ đánh rầm, tiếng người kêu thất thanh. Một bóng đen say máu ném mạnh cây gậy trong tay về phía những người đi xe đạp giờ đang ngã dưới đất, rồi hắn luồn tay vào thắt lưng, khi cánh tay ấy vung lên đã kèm theo một lưỡi dao nhọn hoắt.

Một tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm rồi một bóng người đổ vật xuống đất. Bóng đen như kẻ cuồng sát lao tiếp đến bên bóng người thứ hai vung dao lên đâm túi bụi. Một người đi xe đạp còn lại vừa tri hô: “cướp cướp, giết người, cứu ...” vừa chạy vào làng.

Cả xã Hà Thạch, nơi xảy ra vụ án, đêm đó sáng rực đèn đuốc không ai ngủ. Sự việc được công an dần làm sáng tỏ. Ba người đi xe đạp là các anh Trần Trọng Niên, Trần Văn Quang và Lê Văn Trung trú tại khu 11, xã Hà Thạch.

Trước đó, anh Niên có quan hệ tình cảm với chị Ngô Thị Huệ trú tại khu 9 cùng xã. Tuy nhiên, chị Huệ cũng được không ít trai cùng làng (khu 9) để ý tán tỉnh. Vì vậy con trai trong khu 9 nhiều lần “cảnh cáo”, cấm đoán anh Niên cũng như trai làng khác không được đặt quan hệ tình cảm với chị Huệ.

Tối ngày 27/2/2004, anh Niên cùng anh Quang và Trung đến nhà chị Huệ. Cùng thời điểm, Ngô Đức Đại trú tại khu 9 hiện đang học tại Hà Nội về quê chơi. Bất chấp Huệ là con của chú ruột và anh Niên là em rể tương lai của mình, Đại vẫn “ngứa mắt” khi thấy con trai làng khác đến tìm hiểu gái làng mình và quyết thực hiện ý đồ dằn mặt Niên.

Đại rủ thêm hai thanh niên cùng làng là Lê Mạnh Thắng và Nguyễn Văn Anh chặn đường về của Niên và 2 người bạn. Chúng ngụy trang rồi chuẩn bị 3 cây gậy bạch đàn, riêng Thắng mang thêm dao nhọn trong người.

Đoán biết ý đồ của nhóm trai làng mình, ông Ngô Văn Lưu, bố chị Huệ và cũng là chú ruột của Đại, đã giục anh Niên về trước khi trời quá khuya. Ông Lưu còn cẩn thận cho chị Huệ đi kèm để bảo vệ các anh Niên, Quang và Trung. Ra khỏi địa phận khu 9, chị Huệ yên tâm quay về nhà.

Tuy nhiên, Đại cùng Thắng và Anh đã dẫn nhau ra khỏi địa bàn khu 9, phục kích tận cống Gang, cầu Vườn Cải (thuộc khu 10 xã Hà Thạch). Khi nhóm của anh Niên đi tới, 3 tên dùng gậy bạch đàn quật tới tấp vào người vào xe đạp. Hung hãn hơn, tên Thắng rút dao đâm làm anh Lê Văn Trung chết tại chỗ, anh Trần Văn Quang bị thương nặng. Mãi đến khi anh Niên vừa chạy vào làng vừa hô cướp, bọn Đại, Thắng và Anh mới bỏ đi…  

Điều nhức nhối là trong tất cả các vụ án mạng trên, cả nạn nhân cũng như hung thủ đều mới chỉ hơn 20 tuổi, quãng thời gian đẹp nhất của đời người...

Theo thống kê chưa đầy đủ của Toà án ND tỉnh Hà Nam, từ năm 2003 đến đầu năm 2005, toà án này đã đưa ra xét xử gần 10 vụ án hình sự mà nguyên nhân của nó là từ CVGL. Song đây chưa phải là con số phản ánh đúng thực tế.

Một thẩm phán cho biết: “Chỉ có những vụ án nghiêm trọng có mức án cao hơn 7 năm hoặc có nhiều tình tiết rắc rối, phức tạp, toà án cấp tỉnh mới lấy lên xét xử. Còn có rất nhiều vụ án như ẩu đả, gây rối trật tự, cướp giật, trấn lột… mà nguyên nhân từ CVGL sẽ do cấp huyện xét xử”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.