Cán bộ Đoàn không thể chỉ ngồi phòng máy lạnh!

Cán bộ Đoàn không thể chỉ ngồi phòng máy lạnh!
TP- “Muốn tập hợp được thanh niên, cán bộ Đoàn phải biết cách làm bạn với thanh niên. Tổ chức Đoàn phải có tiếng nói bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của thanh niên” - Nhà giáo ưu tú Phạm Đăng Dư, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự.

Thầy Dư nói, một bộ phận giới trẻ vẫn tồn tại tư tưởng ỷ lại, thiếu tính năng động, sáng tạo trong hoạt động. Ngay cả hoạt động tình nguyện, một số phần việc còn mang tính thời vụ, chưa trở thành ý nghĩ thường trực trong giới trẻ.

Tổ chức Đoàn phải đẩy mạnh công tác giáo dục để tinh thần tình nguyện được thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày. Từ việc bảo vệ môi trường đến việc giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ người dân ngay tại nơi sinh sống, học tập, làm việc.

Tổ chức Đoàn cần phải hạn chế những hoạt động mang tính hình thức, theo kiểu thuyết giảng chung chung. Giáo dục truyền thống phải thông qua những tấm gương, những bài học từ người thực, việc thực. Cần lồng ghép một cách khéo léo những nội dung giáo dục chính trị với những hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ...

Thủ lĩnh Đoàn phải là tấm gương sáng

Bàn về tầm quan trọng của cán bộ Đoàn, thầy Dư nói, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng ĐVTN có trình độ cao. Anh muốn hô hào quần chúng nghe theo anh, trước tiên anh phải là người gương mẫu. Đặc biệt, phải có tâm huyết với công tác Đoàn.

Cán bộ Đoàn không thể lúc nào cũng ngồi trong phòng máy lạnh, ra văn bản chỉ đạo và đọc báo cáo. Phải đi sâu vào đời sống của ĐVTN, cùng ăn, cùng ở với họ, hiểu và chia sẻ khó khăn với từng cá nhân. Phải biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ngay trong chính đội ngũ ĐVTN của mình. Chỉ có như vậy, cán bộ Đoàn mới đưa ra được những phong trào thiết thực, ý nghĩa cho thanh niên.

Ngoài ra cán bộ Đoàn phải là người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo ra những hình thức sinh hoạt bổ ích cho thanh niên.

Phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên

Từ sáng kiến của thầy Dư, câu lạc bộ “độc nhất vô nhị” mang tên:

“Câu lạc bộ cựu Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội” đã ra đời với sự tham gia của tất cả các thầy, cô giáo đã từng giữ cương vị Bí thư Đoàn trường từ khi thành lập đến nay.

Câu lạc bộ đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu trong công tác Đoàn cho đội ngũ cán bộ Đoàn đương nhiệm.

Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức trao tặng giải thưởng vào dịp 26/3 hàng năm cho những cán bộ Đoàn trong nhà trường có thành tích xuất sắc trong công tác thanh niên.

Thầy Dư cho rằng, mỗi cán bộ Đoàn phải trả lời được câu hỏi: “Vì sao khi gặp khó khăn, thanh niên không tìm đến với Đoàn?”. Chúng ta đang quá coi trọng công tác lãnh đạo, mà quên nhiệm vụ chính của tổ chức Đoàn là vận động tập hợp thanh niên. Cán bộ Đoàn phải luôn trăn trở làm sao để TN đến với mình. Muốn TN đến với mình thì mình phải đến với TN. Phải xóa bỏ ngay hiện tượng “quan Đoàn” - ngồi chờ thanh niên đến với Đoàn.

Không nói đâu xa, ngay trong đời sống của sinh viên hiện nay, các em đang gặp nhiều khó khăn. Từ chuyện nhà ăn ở, đi lại đến điều kiện sinh hoạt trong ký túc xá.

Đặc biệt, chuyện công ăn việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đã khi nào tổ chức Đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi của sinh viên chưa? Tổ chức Đoàn đã có những đề xuất kiến nghị gì để cải thiện tình trạng thất nghiệp cho thanh niên chưa?

Theo tôi, đã đến lúc tổ chức Đoàn phải mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Đây cũng chính là biện pháp nhằm củng cố lại vai trò của tổ chức Đoàn trong xã hội. Làm sao để thanh niên hướng tới tổ chức Đoàn như là chỗ dựa trong lúc khó khăn.

Ngoài việc tổ chức lãnh đạo ĐVTN tuân thủ pháp luật, tổ chức Đoàn còn phải đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ĐVTN. Tôi đứng trong hàng ngũ của Đoàn, khi quyền lợi chính đáng của tôi bị xâm phạm, tổ chức phải bảo vệ là chuyện đương nhiên. Nếu làm tốt được việc này, tổ chức Đoàn sẽ gắn bó hơn với thanh niên.

MỚI - NÓNG